Trung Quốc dọa nạt phóng viên BBC trên bầu trời Trường Sa

Đức Huy |

Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes mới đây trong một chuyến bay gần quần đảo Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam đã bị Hải quân Trung Quốc dọa nạt.

"Đơn giản, nhưng đầy rủi ro"

"Đừng mong đợi Bắc Kinh chào đón bạn ở nơi này. Tin tôi đi, tôi thử rồi" - ông Wingfield-Hayes kể lại.

Phóng viên BBC cho biết, sau nhiều tháng làm công tác chuẩn bị, ông và người đồng nghiệp tên Chika quyết định tiếp cận khu vực quần đảo Trường Sa bằng máy bay. Tuy nhiên, ông không rõ vì sao kế hoạch của mình đã bị phía Trung Quốc "bắt bài".

Khi đang ngồi trong khách sạn tại Manila (Philippines), ông Wingfield-Hayes đã nhận được một cuộc gọi từ tòa soạn ở London, với thông tin rằng Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã gọi điện cảnh báo "sẽ có vấn đề" nếu BBC cử phóng viên tới khu vực này.

Tuy vậy, nhóm phóng viên BBC vẫn quyết tâm thực hiện chuyến đi đã được lên kế hoạch từ trước. Ông Wingfeld-Hayes và các đồng nghiệp đã kiên nhẫn đợi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Manila kết thúc để bắt đầu "nhiệm vụ".

Ông kể lại, trước khi leo lên chiếc thủy phi cơ Cessna-206 mà ông tả là "bé tẹo" trong ngày xuất phát, cả nhóm phóng viên vẫn không giấu nổi sự lo lắng.

"Trời, chúng ta sẽ phải bay hơn 3 giờ đồng hồ qua đại dương cũng như đất liền để tới một hòn đảo nhỏ, trên cái máy bay này sao?" - Wingfield-Hayes nghĩ trong đầu. Thậm chí, ông nói, cả phi công cũng lo sốt vó.

Chiếc thủy phi cơ Cessna-206 hộ tống nhóm phóng viên BBC
Chiếc thủy phi cơ Cessna-206 "hộ tống" nhóm phóng viên BBC

Nhưng tất cả vẫn quyết định lên đường, theo một kế hoạch mà như lời ông Wingfield-Hayes nói, là "đơn giản, nhưng đầy rủi ro".

Đầu tiên, họ sẽ bay trực tiếp từ Palawan rồi hạ cánh trên đảo Thị Tứ để nạp nhiên liệu; rồi bay theo hướng tây nam quanh Đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc đang xây dựng đường băng quân sự trái phép; sau đó quay lại Thị Tứ nạp nhiên liệu và hướng tới Đá Vành Khăn.

(Cả Đảo Thị Tứ, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn đều thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện đang bị Philippines và Trung Quốc chiếm đóng trái phép - PV).

Mục tiêu của nhóm phóng viên BBC là tiến càng sát càng tốt tới các đảo đá do Trung Quốc chiếm đóng trái phép để quan sát kĩ những hành động xây dựng phi pháp của Bắc Kinh, cũng như để xem Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao.

Khi chiếc Cessna-206 bay qua Đá Gaven (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép - PV), ông Wingfield-Hayes hét lên: "Đá Gaven kìa! Chúng ta từng đi qua đó năm ngoái đấy nhớ không? Khi đó họ [Trung Quốc] mới bắt đầu xây dựng tại đây".

Đá Gaven
Đá Gaven

Ngay khi phóng viên này vừa dứt lời, một giọng nói đầy hung hăng vang lên trên radio:

"Máy bay quân sự không xác định ở phía tây Nam Tiêu (tên do Trung Quốc tự ý đặt cho Đá Gaven - PV), đây là Hải quân Trung Quốc. Các anh đang đe dọa an ninh khu vực chúng tôi. Để tránh tính toán sai lầm, hãy rời khỏi đây ngay lập tức".

Phi công của nhóm phóng viên đổi hướng sang phía tây, nhưng những lời cảnh báo vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại, bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung, với giọng điệu ngày một gay gắt.

Tiếp theo, nhóm phóng viên BBC bay theo hướng tây nam trực chỉ Đá Chữ Thập. Và ở vị trí cách Đá này khoảng 20 hải lý, giọng nói trên radio lại xuất hiện:

"Máy bay quân sự nước ngoài ở phía tây bắc Đảo Vĩnh Thử (tên do Trung Quốc tự ý đặt cho Đá Chữ Thập - PV), đây là Hải quân Trung Quốc. Các anh đang đe dọa an ninh khu vực chúng tôi."

Sự thay đổi chóng mặt của Đá Chữ Thập trước và sau khi Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép. Ảnh: CSIS
Sự thay đổi chóng mặt của Đá Chữ Thập trước và sau khi Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép. Ảnh: CSIS

Lần này, phi công đổi hướng ngay lập tức về phía bắc, cách xa Đá Chữ Thập.

"Chúng ta phải tới sát hơn chứ. Quay lại đi, làm sao chúng tôi quay được ở khoảng cách xa thế này" - ông Wingfield-Hayes nói với phi công.

Nhưng vô ích, những lời cảnh báo trước đó đã khiến phi công này dao động. "Xin lỗi anh, nhưng chúng tôi cũng chỉ làm theo lệnh thôi" - viên phi công đáp lại.

Sau hàng giờ đồng hồ nghe ông Wingfield-Hayes hết lời thuyết phục rằng việc này không vi phạm bất kì luật pháp nào, và rằng phía Trung Quốc sẽ không bắn rơi máy bay, phi công đã đồng ý quay lại thử thêm lần nữa, lần này địa điểm là Đá Vành Khăn.

Ở độ cao 1.500m và khoảng cách 12 hải lý, giọng nói trên radio lại vang lên:

"Máy bay quân sự không xác định ở phía tây Mĩ Tế Tiêu (tên do Trung Quốc tự ý đặt cho Đá Vành Khăn - PV), đây là Hải quân Trung Quốc. Các anh đang đe dọa an ninh khu vực chúng tôi."

Phi công đáp trả một cách điềm tĩnh: "Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay dân sự Philippines trên đường tới đảo Palawan. Đây cũng không phải máy bay quân sự, mà chỉ là một chiếc thủy phi cơ một động cơ".

Nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục phát đi tín hiệu radio với nội dung tương tự, và lặp đi lặp lại lời cảnh báo trước đó.

Tuy vậy, lần này phi công chở nhóm phóng viên BBC vẫn giữ được bình tĩnh, họ bay qua phía bắc Đá Vành Khăn ở khoảng cách 12 hải lý.

Tại đây, BBC ghi lại rõ hình ảnh những đầm với đầy các loại tàu bè lớn nhỏ, các nhà máy xi măng và phần móng của những công trình mới, cũng như đường băng quân sự mà Bắc Kinh đang trong quá trình xây dựng.

Theo tính toán của ông Wingfield-Hayes, chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh từ đây sẽ chỉ mất 8-9 phút để tới được vùng biển Philippines.

Trở về

Trên đường trở về Philippines, cả đoàn phóng viên và phi công đều rất hồ hởi. Ông Wingfield-Hayes còn nói đùa với phi công rằng hãy quay lại làm vòng nữa với độ cao thấp hơn thử xem sao.

Lúc đó, qua sóng radio, một giọng nói khác vang lên:

"Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay Australia đang thực thi quyền tự do đi lại trên biển và trên không phận đúng theo luật pháp quốc tế, và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) - hết".

Điều này cho thấy Australia cũng tham gia vào các hoạt động tuần tra trên Biển Đông, dù họ chưa từng công khai tuyên bố đã làm như vậy.

Theo BBC, thông điệp trên của máy bay Australia đã lặp lại nhiều lần, nhưng phía Trung Quốc không hề đáp trả.

Tháng trước, tại Manila, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói rằng Trung Quốc phải "chấm dứt mọi hoạt động xây dựng (trái phép - PV)" và "không được quân sự hóa" trên Biển Đông.

"Nhưng với những gì tôi nhìn thấy, nghe thấy, thì đã quá muộn rồi" - ông Wingfield-Hayes nói.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại