Trung Quốc dọa bắn rơi máy bay Australia "góp vui" ở biển Đông

Hải Võ |

Không chỉ quốc tế mà dường như chính báo chí Trung Quốc cũng ngạc nhiên trước thông tin Không quân Australia thời gian qua vẫn thực hiện các chuyến bay tuần tra trên biển Đông.

BBC hôm 15/12 đưa tin phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của hãng này trong một chuyến bay qua quần đảo Trường Sa trên máy bay dân dụng Philippines gần đây đã nghe thấy máy bay quân sự Australia liên lạc qua radi với Hải quân Trung Quốc.

Theo phóng viên này mô tả, máy bay của Australia đã tuyên bố "thực hiện quyền lưu thông trên biển và trên không theo đúng luật pháp quốc tế".

Bộ quốc phòng Australia đã xác nhận thông tin trên. Theo đó, một máy bay P-3 Orion của Không quân Hoàng gia Australia đã thực hiện tuần tra thông thường ở biển Đông từ ngày 25/11 đến 4/12.


Máy bay trinh sát P-3 Orion của Australia. Ảnh: Getty

Máy bay trinh sát P-3 Orion của Australia. Ảnh: Getty

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 16/12 cho hay, hiện chưa rõ máy bay Australia đã tiếp cận đảo, đá nào trên biển Đông và ở mức độ ra sao bởi Canberra không chủ động thông báo công khai về hoạt động bay tuần tra này.

Ngay cả trước đó, chính phủ Trung Quốc cũng chưa từng tiết lộ thông tin hay phản ứng nào về việc có sự xuất hiện của Không quân Hoàng gia Australia trên bầu trời biển Đông.

Hoàn Cầu tuyên bố: "Thông tin của BBC giúp chúng ta xác nhận việc máy bay Australia từng tiếp cận các đảo, đá trên biển Đông (bị Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép-PV).

Ngoài việc xem hành động này như một sự thách thức từ phía Australia, Trung Quốc không biết phải lý giải sự việc trên như thế nào.

Bắc Kinh từng phản ứng kịch liệt trước những động thái thách thức của Mỹ, vì vậy Canberra cũng đừng mong được Trung Quốc hoan nghênh hay thông cảm khi tiếp cận không phận các đảo, đá."


Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của hãng tin BBC trong phóng sự ghi lại chuyến bay qua biển Đông.

Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của hãng tin BBC trong phóng sự ghi lại chuyến bay qua biển Đông.

Trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp trong năm 2015, cả Mỹ và Trung Quốc đều nhiều lần lên tiếng đe dọa nhau về nguy cơ xung đột hay thách thức những "ranh giới đỏ" mà đối phương đặt ra.

Theo Hoàn Cầu, việc quân đội Australia, đồng minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, "không hiểu ở đâu bỗng xuất hiện" vào thời điểm này đã khiến cho "sự nhẫn nại, kiềm chế tránh xung đột gươm đao của xã hội Trung Quốc giảm đi đáng kể".

Tờ báo cảnh cáo máy bay quân sự Australia "tốt nhất là đừng tới biển Đông góp vui hoặc thử thách độ kiên nhẫn của Bắc Kinh".

"Trung Quốc-Australia nên giữ quan hệ hữu nghị, đừng để đôi bên phải cảnh giác với nhau. Nhưng để đến một lúc nào đó 'nhỡ' xảy ra chuyện rơi máy bay, mà lại là máy bay của Australia thì thực sự không nên chút nào," Hoàn Cầu tuyên bố đầy hăm dọa.

Hoàn Cầu bình luận, một liên minh quân sự thực chất chống lại Trung Quốc ở biển Đông là điều không thể xảy ra và sự hiện diện của các bên ở khu vực này "không nhằm vào Trung Quốc, mà là thực hiện các mục tiêu chiến lược".

Tuy nhiên, diễn biến tình hình biển Đông trên thực tế đang phụ thuộc nhiều vào việc Mỹ-Trung "hiểu rõ quy tắc ngầm với nhau", mà trong đó Bắc Kinh đòi hỏi Mỹ điều chỉnh chiến lược để không đối đầu trực diện với họ.

Thông tin mới đây từ các quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ không thực hiện thêm chuyến tuần tra biển Đông nào trong thời gian còn lại của năm 2015 mà chuyển kế hoạch sang tháng 1/2016.

Động thái này được truyền thông Trung Quốc lý giải là sự "xoay trục" tạm thời của Washington trong nỗ lực tập trung tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria.

"Một vấn đề (tuần tra biển Đông-PV) mà Mỹ có thể trì hoãn chỉ bởi vài tên khủng bố IS thì rõ ràng chẳng phải là việc nghiêm túc hay hệ trọng gì. Vì vậy, Australia cũng nên biết giữ giới hạn của mình," Hoàn Cầu kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại