Theo Shanghaiist, chính quyền Bắc Kinh không quan tâm tới việc các tấm bản đồ có thể hiện khu vực Nam Sudan hay việc gọi quốc gia láng giềng tây nam là Burma hay Myanmar, mối quan tâm lớn nhất của chính phủ Trung Quốc là những tấm bản đồ phải thể hiện được quốc gia nào "sở hữu Biển Đông".
Để củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý trước các quốc gia láng giềng có cùng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng tấm bản đồ từ năm 1947 chứa "đường chín đoạn", bao quanh khu vực bờ biển rộng lớn của các nước láng giềng và trơ tráo đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo đó, không có cá nhân hay doanh nghiệp nào có thể sản xuất, trưng bày hay bày bán các tấm bản đồ mà không đáp ứng được những yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn của nhà nước.
Theo kênh CCTV (Đài truyền hình trung ương Trung Quốc), bản đề xuất mang tên "Quy định của Trung Quốc về quản lý bản đồ" được chính phủ nước này thông qua hôm 11/11 và chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2016.
Còn theo tờ LA Times (Mỹ), ngay từ đầu năm nay, các tấm bản đồ không được vẽ theo quy định của chính phủ Trung Quốc cũng đã bị cấm phát hành trong và ngoài lãnh thổ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Quy định mới còn được áp dụng cho các tấm bản đồ điện tử. Để thắt chặt quyền kiểm soát, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các bản đồ điện tử phải do máy chủ trong nước cung cấp và phải có giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, những quy định mới không được áp dụng cho các loại bản đồ kịch trường, đường phố và tàu điện ngầm. Ngoài ra, những cá nhân hay tổ chức vi phạm quy định vẽ bản đồ sẽ bị phạt hành chính 200.000 nhân dân tệ và thậm chí bị đưa ra tòa xét xử.