Liên minh Hồi giáo chống khủng bố: "Nga tránh càng xa càng tốt"

My Lan |

Giới chuyên gia Nga đã lý giải vì sao họ coi liên minh chống khủng bố do Riyadh đứng đầu là bước đi "nguy hiểm, thiếu trung thực", đồng thời khuyên Moscow tránh càng xa càng tốt.

Lập liên minh chỉ để "lấy lòng mọi người"

Hôm thứ Ba vừa rồi, Cơ quan báo chí Ả Rập đã thông báo về sự thành lập "liên minh Hồi giáo chống khủng bố" gồm 34 nước, kèm với đó là một trung tâm chỉ huy hoạt động chung có trụ sở ở Riyadh, nhằm phối hợp và hỗ trợ các hoạt động quân sự.

Tuy nhiên, Iran, cùng với đồng minh của mình là Syria và Iraq, đã bị loại trừ khỏi liên minh một cách thẳng thừng, dù rằng cuộc chiến chống IS và các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác đang diễn ra chủ yếu trên lãnh thổ 2 quốc gia đó.

Mục tiêu của liên minh này, theo truyền thông nhà nước Ả Rập, sẽ là "bảo vệ quốc gia Hồi giáo khỏi tội ác của tất cả các tổ chức khủng bố", bao gồm cả IS, trên "nền tảng quyền tự vệ của các dân tộc".

Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Xê-Út Mohammad bin Salman Al Saud cho biết thêm, liên minh này dự định sẽ phối hợp hoạt động với các quốc gia lớn trên thế giới và các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các Xu hướng Chiến lược (có trụ sở tại Moscow), ông Ivan Konovalov, đã dùng từ "lố bịch" đề bình luận về phương hướng hoạt động của liên minh mới.

Trong một bài viết trên báo Nga Svobodnaya Pressa, ông Konovalov tỏ ra nghi ngờ mục tiêu và khả năng chống khủng bố của liên minh này, đặc biệt là khi các thành viên nòng cốt của nó - theo ông cáo buộc, chính là người góp phần tạo ra nhiều tổ chức khủng bố.

Theo chuyên gia Nga, liên minh mới chỉ là bước đi "lấy lòng mọi người - nỗ lực chứng tỏ cho thế giới Hồi giáo thấy sự đoàn kết trong giới lãnh đạo và cùng với đó, Ả Rập Xê-Út là trung tâm quyền lực độc lập, có khả năng hành động cùng Washington, Brussels, Moscow, Bắc Kinh".

Chuyên gia người Nga
Ivan Konovalov
Rõ ràng, nó chỉ là một nỗ lực nặng nhọc của Riyadh và rằng liên minh này sẽ không có tiềm năng thực sự (về quân sự). Chúng ta có thể thấy điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp của Yemen. Tại đó có một liên minh nhỏ tương tự, cũng do Ả Rập Xê-Út dẫn đầu, đang chống lại quân nổi dậy Houthi. Nhưng liên minh này cho thấy nó không những không có khả năng đối phó với kẻ thù, mà còn gây ra những thiệt hại đáng kể, và phương pháp tiến hành các hoạt động của mình, việc lên kế hoạch, chỉ huy, kiểm soát - tất cả hoàn toàn là không thích hợp

"Chỉ để chống Nga"

Chuyên gia về Trung Đông, ông Leonid Isaev thì cho rằng, liên minh Hồi giáo của Ả Rập Xê-Út được tạo ra với một mục đích rõ ràng là can thiệp quân sự và Iraq và Syria, và trong một phạm vi rộng, là chống lại chiến dịch quân sự mà Nga đang tiến hành.

Theo ông này, "trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Syria, mọi thứ đều diễn ra theo đúng kịch bản của những quốc gia hậu thuẫn cho chiến binh đối lập ở Syria, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ả Rập Xê-Út".

Còn giờ đây, "tình hình không thể nói là thay đổi cơ bản theo hướng có lợi cho ông Assad, nhưng cũng đã ổn định ở một mức nhận định. Cùng lúc đó, rõ ràng là nếu các cuộc không kích của Nga vẫn tiếp diễn, thì tham vọng của các cường quốc trong khu vực này thậm chí sẽ bị lu mờ".

Chính vì vậy, theo chuyên gia Isaev, họ đã phải chuyển sang "giai đoạn đối đầu", và để làm vậy "cần phải thành lập một liên minh của riêng mình để hành động trong khu vực mà không cần tới sự cho phép của Hội đồng Bảo An LHQ".

"Các cường quốc trong khu vực, theo như tôi hiểu, đang tạo ra một liên minh với bề ngoài là nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố, dựa vào lý do là bảo vệ biên giới, và sẽ tiến hành các chiến dịch trực tiếp trên lãnh thổ Syria và Iraq".

Chuyên gia người Nga đánh giá, điều này sẽ cho phép họ tiến hành các chiến dịch mà "không bị suy diễn là hành động gây hấn... mà là chiến dịch của một liên minh chống khủng bố".

Bằng cách đó, liên minh do Ả Rập Xê-Út dẫn đầu sẽ đóng vai trò là "bước khởi đầu cho việc tái phân phối "tài sản" của Iraq và Syria cho các tay chơi trong khu vực.

Đó là lý do thành lập liên minh chống khủng bố này. Nó được thành lập không có mục đích gì hơn là làm vỏ bọc cho việc chia tách Syria và Iraq".

Chuyên gia về Trung Đông
Leonid Isaev
Nếu Ankara đưa quân vào miền bắc Syria, thì người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể ngay lập tức đạt được thứ mình muốn, "nuốt" một phần của nước này. Ngược lại, cuộc xâm lược sẽ làm trầm trọng thêm chính tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Isaev nhận định, tình hình ở Iraq hiện nay đã chín muồi cho một sự leo thang do con người cố tình tạo ra, biến đất nước này thành tâm điểm của một cuộc chiến chống khủng bố.

Chuyên gia này cũng thừa nhận rằng, liên minh mới thành lập có nguy cơ gây ra một cuộc chiến toàn khu vực, song một chiến dịch quân sự như vậy, sẽ gây thiệt hại đầu tiên và nghiêm trọng nhất cho chính những kẻ khởi xướng của nó,

"Họ sẽ sa lầy vào cuộc chiến này... việc đưa quân đội vào (Syria và Iraq), sẽ chỉ làm trầm trọng thêm và kéo dài cuộc xung đột".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại