Thổ Nhĩ Kỳ đạt thành công bước đầu với Israel để "thoát Nga"

Hải Võ |

Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã đạt được nhận thức chung trong việc bình thường hóa quan hệ, vốn xuống thấp từ vụ quân Israel tấn công tàu chở hàng cứu trợ của Thổ cho Dải Gaza năm 2010.

Một quan chức giấu tên hôm 17/12 tiết lộ, một thỏa thuận đã được soạn thảo trong cuộc họp bí mật tại Thụy Sĩ, kêu gọi Israel bồi thường các nạn nhân của vụ tấn công trên, đưa các quan chức ngoại giao song phương trở lại và đàm phán về xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng theo quan chức này, tất cả các vụ kiện của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Israel sẽ được hủy bỏ, đồng thời Ankara sẽ ngăn không cho Salah Aruri - một thành viên ban lãnh đạo chính trị của phong trào Hamas - vào lãnh thổ nước này.

Trước đó, Israel đã nhiều lần cáo buộc Ankara để cho Aruri lên kế hoạch và chỉ đạo các vụ tấn công từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan chức trên cho hay, người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel Yossi Cohen và Joseph Ciechanover, người đại diện cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã có mặt trong cuộc thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Feridun Sinirlioglu thay mặt Ankara.

Theo AFP (Pháp), Một quan chức khác cho biết chưa thể xác định khi nào thỏa thuận được ký, nhưng được kỳ vọng là "trong những ngày tới".

Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anatolia dẫn nguồn tin ngoại giao nước này cũng xác nhận các cuộc thương thuyết để bình thường hóa quan hệ với Israel đang được tiến hành.

Theo đó, song phương sẽ tiếp tục thảo luận nhằm mục tiêu đạt được bình thường hóa quan hệ trong thời gian ngắn nhất.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng với Moscow sau vụ Su-24 Nga bị bắn hạ hôm 24/11, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung hơn một nửa lượng khí đốt của nước này.

Hôm thứ Hai (15/12), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người từng tỏ thái độ giận dữ đối với Tel Aviv, đã đề cập tới những lợi ích của việc bình thường hóa với Israel, đồng thời những người Palestine cũng được hưởng lợi.

"Chúng tôi, Israel, người Palestine và cả khu vực sẽ đạt được nhiều điều từ quá trình bình thường hóa. Lợi ích của tất cả người dân trong khu vực cần phải được xem xét tới," ông Erdogan nói.

Hồi năm 2010, một đội biệt động Israel đã tập kích tàu Mavi Marmara mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ - con tàu lớn nhất trong đội tàu chở hàng cứu trợ tới Dải Gaza.

9 người Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong vụ tấn công và 1 người khác, bị hôn mê, đã qua đời vào năm 2014.

AFP cho hay, vụ tấn công sau đó đã bị lên án mạnh mẽ và dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa 2 nước.

Ankara đã trục xuất Đại sứ Israel, yêu cầu bồi thường và lời xin lỗi chính thức từ Tel Aviv, đồng thời yêu cầu phía Israel dỡ bỏ phong tỏa ở Dải Gaza, vốn do lực lượng của phong trào Hamas kiểm soát.

Những nhận thức chung ban đầu đạt được đã phần nào xua tan lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, khi các quan chức Israel mới hôm 13 còn tuyên bố bác bỏ các yêu cầu của Ankara.

"Chúng tôi đã xin lỗi và sẵn sàng bồi thường thiệt hại. Ông ta nên dừng nói những điều vô nghĩa về việc dỡ bỏ phong tỏa dải Gaza", một quan chức giấu tên Israel khẳng định với tờ Jerusalem Post.

"Chúng tôi sẽ không làm gì thêm nữa cho việc bình thường hóa này".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại