Thời gian gần đây, thông tin Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu S-300 cho Iran trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà phân tích quân sự phương Tây. Đặc biệt, giới chính trị Israel tỏ ra lo lắng nếu S-300 được chuyển giao cho Tehran.
Trong thông cáo báo chí, Thủ tướng Israel Netanyahu đã bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng với quyết định trên của Nga. Thậm chí giới quân sự Mỹ cũng tỏ ra thiếu tự tin với các phương án tác chiến trong trường hợp Tehran có S-300.
Thực tế, S-300 là một trong những tổ hợp tên lửa phòng không đáng sợ nhất thế giới. Đặc tính kỹ chiến thuật của tên lửa đủ mạnh để các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng phải xem xét cẩn trọng mọi kế hoạch.
Tuy vậy, S-300 vẫn không phải là một hệ thống vũ khí "vô đối".
AGM-158 JASSM khắc tinh của S-300
Sự phát triển của các hệ thống vũ khí giống như cuộc chạy đua marathon theo chiều hướng khắc chế lẫn nhau. Xe tăng ra đời, dẫn đến sự phát triển của vũ khí chống tăng, máy bay xuất hiện dẫn đến sự ra đời tên lửa phòng không.
Và khi vũ khí phòng không chiếm ưu thế so với máy bay sẽ dẫn đến sự phát triển loại vũ khí để vô hiệu hóa nó. Thập niên 1980, khi Nga đưa vào trực chiến thế hệ đầu của tổ hợp phòng không tầm xa S-300, Mỹ cũng bắt tay phát triển ngay vũ khí có thể khắc chế.
Kết quả của chương trình là sự ra đời đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-154 JSOW. Về bản chất, JSOW là một loại bom lượn thông minh có tầm hoạt động tối đa khoảng 130 km khi thả ở độ cao lớn.
Khi Nga nâng cấp tầm bắn của tổ hợp lên đến 200 km với biến thể S-300PMU2, Mỹ cũng bắt tay phát triển AGM-158 JASSM.
JASSM mang trong nó những công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay. So với AGM-154, vũ khí mới được trang bị động cơ phản lực cho phạm vi tác chiến xa hơn. AGM-158 hoạt động với vai trò như một tên lửa hành trình tấn công mặt đất.
Thân tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình, cho phép nó xâm nhập các khu vực có mạng lưới phòng không dày đặc.
JASSM được dẫn hướng kết hợp quán tính, định vị toàn cầu GPS, giai đoạn cuối tên lửa sử dụng cảm biến hồng ngoại hoặc cảm biến so sánh hình ảnh tương phản kỹ thuật số. Hệ thống dẫn đường tinh vi cho phép AGM-158 đánh trúng mục tiêu với độ chính xác rất cao.
JASSM mang theo đầu đạn nặng 450 kg, tiêu diệt được mọi mục tiêu trên mặt đất. Một trong những tính năng nổi bật của JASSM là nó có thể đi lang thang trên khu vực tác chiến để lựa chọn mục tiêu giá trị nhất.
AGM-158A có tầm bắn 370 km, phạm vi này nằm ngoài tầm với của biến thể hiện đại nhất trong gia đình S-300 là S-300PMU2 Favorit.
JASSM được trang bị trên hầu hết các tiêm kích và máy bay ném bom của Mỹ. Trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể sử dụng AGM-158A để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran mà không phải cho máy bay vào khu vực mạo hiểm.
Không chỉ thế, Tập đoàn Lockheed Martin - nhà sản xuất của JASSM còn tiến hành nâng cấp tên lửa thành biến thể JASSM-ER với nhiều tính năng vượt trội. AGM-158B sử dụng động cơ phản lực chạy êm, tiết kiệm nhiên liệu hơn.
JASSM-ER có tầm bắn tới 925 km, ở cự ly này ngay cả S-400 cũng bó tay. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, quân đội Mỹ có đủ khả năng vượt qua lưới lửa phòng không của S-300 để tấn công Iran.
Đồng quan điểm, tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng cho rằng việc Iran có S-300 sẽ không ngăn cản được Washington thực hiện kế hoạch tấn công quân sự nếu xét thấy cần thiết.
Cảnh báo của giới quân sự Mỹ không phải là nói suông khi họ có trong tay quân bài khắc chế S-300. Thậm chí Washington có thể chuyển giao AGM-158 cho đồng minh Israel để hóa giải mối đe dọa từ S-300.
Bên cạnh đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm, Mỹ còn quân bài lợi hại khác là tác chiến điện tử.
Họ có các máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng như E/A-18G Growler, phi cơ này mang theo nhiều loại máy gây nhiễu khác nhau có thể làm giảm hiệu suất chiến đấu của S-300.
Mark Gunzinger, nhà phân tích thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, có trụ sở tại Washington nói:
Tất nhiên ngay bản thân AGM-158 cũng có những điểm yếu riêng, không một loại vũ khí nào hoàn hảo trên mọi chiến trường, quyết định chiến thắng là người sử dụng sẽ vận hành chúng ra sao, khắc phục hạn chế và phát huy điểm mạnh như thế nào.