Theo bài viết, 4 ngày trước khi Tổng thống Nga Putin khiến thế giới ngạc nhiên trước tuyên bố rút một phần lớn lực lượng khỏi Syria, thì tổng thống Mỹ Obama trong một cuộc phỏng vấn cho rằng Nga đã phạm sai lầm lớn khi can dự vào cả Ukraine và Syria.
Cũng theo ông Obama, nước Nga sẽ yếu đi khi “mất máu” vì phải dàn trải nguồn lực của mình.
Ngược lại, Tổng thống Putin cho rằng ông rút quân vì đã đạt được mục tiêu của mình. Rõ ràng là phía Mỹ hoàn toàn không dự đoán được bước đi này của phía Nga. Và có vẻ như ông Putin đã thực sự đạt được những gì mình mong muốn.
Trong suốt 2 tháng vừa qua, một liên minh quốc tế, gồm lực lượng Hezbollah, lính tinh nhuệ thuộc vệ binh cách mạng của Iran và các tay súng Shia từ Iraq, đã giúp vực dậy đội quân rệu rã của Assad.
Được sự hỗ trợ từ chiến dịch không kích của Nga, lực lượng hỗn hợp này đã bẻ gãy xương sống lực lượng nổi dậy và chiếm lại những vị trí quan trọng mà trước đó đang đe dọa sự tồn tại của chính phủ Assad.
Những nhóm phiến quân trước đó còn đang tiến quân như vũ bão thì sau chiến dịch không kích của Nga đã bắt đầu phải thoái lui. Chiến tuyến mà phía nổi dậy đã giữ vững trong nhiều năm nay trở nên rối loạn và vỡ vụn.
Phần lớn những thay đổi này diễn ra ở phần phía bắc của Syria, quanh khu vực thành phố Aleppo, nơi từng là trung tâm tài chính trước nội chiến.
Bên cạnh đó, Assad cũng chiếm lại một số lãnh thổ ở phía nam, tại tỉnh Daraa, giáp biên giới Jordani. Trái với dự báo của Obama, Nga chưa bị “mất máu” tại Syria. Putin đã đạt được mục tiêu của mình, nhưng vẫn còn mục tiêu khác phía trước.
Giai đoạn đầu tiên trong chiến lược của Nga tại Syria - trấn áp những nhóm phiến quân thân phương Tây - đã được Nga thực hiện về mặt ngoại giao từ năm 2011 và về mặt quân sự từ tháng 9 năm ngoái.
Giai đoạn tiếp theo, sau khi đã đảm bảo sự tồn tại của chế độ Assad, là tái lập lại sức mạnh và quyền kiểm soát của chế độ này. Và để làm được như vậy thì cần phải có nguồn thu từ việc bán tài nguyên.
"Sự hiện diện của Nga tại Syria không hề suy giảm"
Theo hãng tin Reuters, mặc cho tuyên bố rút quân của Tổng thống Putin, trên thực tế lực lượng Nga tại Syria vẫn gần như không đổi.
Quân đội Mỹ ước tính Nga chỉ giảm 20% số chiến đấu cơ của mình tại đây, đa số là các máy bay tầm xa có thể được dễ dàng tái triển khai. Thậm chí có nhiều dấu hiệu về việc Nga triển khai thêm vũ khí tại căn cứ tiền phương Latakia.
Hình ảnh được cho là trực thăng Mi-28 xuất hiện trong đoạn video công bố ngày 16/3.
Trong một đoạn clip do Bộ quốc phòng Nga công bố về cảnh máy bay cất cánh từ sân bay Hmeymim, Latakia, có thể thấy sự xuất hiện của 2 mẫu trực thăng vũ trang Mi-28 Havoc và Ka-52 Hokum.
Mi-28 khá tương đồng với AH-64 Apache và là một vũ khí hỗ trợ hỏa lực bộ binh rất hiệu quả, với pháo 30mm, rocket và tên lửa chống tăng.
Trong khi đó, Ka-52 phù hợp với vai trò trinh sát, xâm nhập sâu vào phía sau phòng tuyến đối phương nhờ vào lớp bảo vệ và hỏa lực mạnh của mình.
Mi-28 có thể được dùng để tấn công các vị trí quân nổi dậy quanh Idlib và Aleppo, trong lúc Ka-52 có đủ tầm hoạt động để tác chiến từ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc cho đến tỉnh Daraa ở phía nam. Hoặc chúng cũng có thể được triển khai để bảo vệ Latakia.
Bộ Quốc phòng Nga công bố video "thợ săn đêm" Mi-28N phá hủy xe thiết giáp của IS
Ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng khác cho thấy sự hiện diện của Nga tại Syria không hề suy giảm. Một phân tích từ Reuters cho thấy viện trợ của Nga đến Syria đã tăng lên kể từ sau tuyên bố rút quân của Tổng thống Putin.
Nga và chính phủ Assad đồng ý tham gia thỏa thuận ngừng bắn rõ ràng cũng phải nhằm tái lập hòa bình hay nhượng bộ về chính trị.
Đây cũng chỉ là bước đi quen thuộc đã được thực hiện nhiều lần trước đó, tận dụng những hoạt động ngoại giao để giành thêm lợi thế trên chiến trường.
Trước đó, mặc dù tuyên bố chống lại tổ chức nhà nước Hồi giáo IS nhưng đa số những cuộc không kích của Nga đều nhắm đến lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn, mà tiêu biểu là tại Aleppo.
Lực lượng nổi dậy tại đây phải hứng chịu đồng thời các đòn tấn công của Nga, Assad và từ cả phía IS. Tuy nhiên, khi IS áp sát sân bay Kweres, một vị trí chiến lược mà quân Assad cần phải chiếm, thì ngay lập tức bị Nga không kích.
Sau khi thỏa thuận ngừng bắn (mà IS không tham gia) có hiệu lực thì Assad và Nga bắt đầu chuyển ưu tiên sang IS, tiêu biểu là việc chiếm lại thành phố chiến lược Palmyra vào ngày 27/3 vừa qua.
Lính đánh thuê
Một yếu tố ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông là vai trò của Nga trong các hoạt động tác chiến trên bộ.
Chỉ 3 ngày sau khi thỏa thuận ngưng bắn được công bố, truyền thông phương Tây đưa tin Tổng thống Putin tham dự một buổi lễ tưởng niệm 4 binh sĩ Nga thiệt mạng tại Syria trước khi có lệnh rút quân.
Gần như cùng lúc đó, tổ chức IS cũng công bố một video clip cho thấy 2 binh sĩ vừa thiệt mạng trên chiến trường mà theo nhóm này là thuộc lực lượng đặc nhiệm Nga.
Theo nhà báo Miller, từ hình ảnh những thiết bị trong video clip, có thể giả định rằng những người này đúng là thuộc biên chế quân đội Nga. Nhưng cũng khả năng đây là những lính đánh thuê của Nga hay Assad.
IS công bố hình ảnh vũ khí và thiết bị của những người lính thiệt mạng. Thứ khoanh đỏ trong hình vẽ được xem là dấu hiệu cho thấy đó là đặc nhiệm Nga.
Miller cho biết, từ năm 2013 đã có thông tin về một nhóm lính đánh thuê người Nga, được biết đến với cái tên Slavonic Corps, đang tham gia giao tranh với IS.
Gần đây, hãng tin Nga Fontanka cũng vừa công bố một báo cáo về một công ty an ninh tư nhân mới, được thành lập từ những thành viên cũ của Slavonic Corps, có tên gọi ChVK Wagner.
Công ty này được cho là hiện diện tại cả Ukraine và Syria. Hơn 900 lính đánh thuê của công ty được trả 240.000 rúp một tháng, tương đương khoảng 3500 USD nhưng khoảng một nửa trong số này đã thiệt mạng hoặc bị thương.
Hình ảnh được cho là lính đánh thuê của Slavonic Corps tham chiến tại Syria.
Khi được hỏi vì sao chấp nhận một công việc nguy hiểm nhưng với mức thu nhập thấp như vậy, một người lính cho biết: “Ngoài Moscow và Petersburg thì không còn cơ hội tìm việc ở những nơi khác”.
Người lính trên cũng cho phóng viên Fontanka biết công ty của mình đóng vai trò tiên phong trong chiến dịch tại Palmyra, chỉ điểm cho hỏa lực pháo binh, không kích và cũng hứng chịu đa số thương vong, cho đến khi các đơn vị Syria xuất hiện.
Khi đó, cuộc chiến đã gần như kết thúc. Việc dùng lính đánh thuê giúp làm giảm chi phí cả về con người và tài chính cho Nga tại Syria.
Palmyra không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử có giá trị, mà còn nằm ở vị trí chiến lược trên con đường từ thủ đô Damascus đến tận biên giới Iraq, như một ốc đảo giữa sa mạc.
Khu vực này có dân cư khá thưa thớt, vì do đó các thành viên IS có thể dễ dàng di chuyển mà ít bị phát hiện giữa các tỉnh miền trung Syria và tỉnh Anbar của Iraq. Con đường này cũng cho phép chúng có thể tấn công Homs hay Damascus.
Palmyra cũng nằm gần mỏ khí tự nhiên lớn nhất của Syria. Vào năm 2013, Slavonic Corps được triển khai tại đây nhưng hứng chịu tổn thất nặng nề.
Phe chính phủ Assad và IS đã giao tranh nhiều lần tại khu vực này nhưng sau đó Assad phải cho rút quân vì những thất bại trước phe nổi dậy tại những khu vực khác như Idlib. Giờ đây, khi phe nổi dậy đang tan vỡ, Assad có thể quay lại tái chiếm Palmyra.
Chính phủ Assad vẫn khó có thể tái kiểm soát toàn bộ Syria nhưng đó không phải là ưu tiên của Nga.
Mục tiêu trước mắt của nước này tại Trung Đông vẫn là duy trì những chính phủ thân Nga tại cả Damascus và Tehran. Và trong tương lai gần, có thể thấy Tổng thống Putin đã đạt được mục tiêu này.