Một ngày trước khi bắt đầu rút bớt lực lượng ở Syria hôm 15/3/2016, Nga đã kịp khiến Mỹ và đồng minh, cũng như các thế lực đối lập khác phải e sợ khi chuyển đến Syria một loại vũ khí bí mật.
Theo trang mạng military-informant phán đoán, đó chính là tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M. Nhưng Iskander-M phải chăng hơi quá? Liệu có khả năng là vũ khí nào khác hay không?
Thông tin được hé lộ
Military-informant dẫn một nguồn tin cho biết: Đêm 14/3, hai máy bay vận tải quân sự đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeymim ở Syria trong điều kiện bí mật.
Các thiết bị được bốc dỡ từ máy bay có xe tải sử dụng khung gầm MZKT che chắn rất kỹ. Sau đó, 2 xe MZKT cùng 3 xe tải chuyên dụng khác rời sân bay dưới sự bảo vệ của các xe bọc thép chiến đấu.
Từ chi tiết có sự xuất hiện của hai xe chiến đấu MZKT, trang tin military-informant phán đoán Iskander-M đã được chuyển đến Syria, bởi các xe phóng thuộc tổ hợp được đặt trên khung gầm MZKT-7930.
Ngoài ra military-informant không loại trừ các thiết bị thuộc tổ hợp phòng không S-400 hoặc Pantsir-S1 măc dù chúng đã thực sự hiện diện tại đây.
Có thể là những loại vũ khí nào?
Do bị che chắn nên việc xác định chính xác chủng loại vũ khí trên xe chiến đấu rất khó khăn. Nếu phủ bạt thì hình dạng bên ngoài các xe gần như tương tự nhau.
Căn cứ vào thông tin xe chiến đấu vừa được chuyển đến Syria sử dụng khung gầm MZKT-7930, ta có thể liệt kê các tổ hợp vũ khí của Nga đang được trang bị sử dụng loại khung gầm này:
- Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật - chiến dịch Iskander-M
- Tổ hợp tên lửa đất đối hải Bastion-P, Bal, Club-M
- Tổ hợp phòng không S-400, Pantsir-S1
- Tổ hợp pháo phản lực bắn loạt: 9A53-S Tornado U/S
Iskander-M là một phương án tương đối mạo hiểm
Theo giới truyền thông, Iskander-M được cho là có khả năng cao nhất. Tổ hợp Iskander-M bao gồm: Xe bệ phóng tự hành 9P78E; Xe chở đạn 9T250E; Xe chỉ huy; Xe đảm bảo tham số phóng; Xe bảo dưỡng kỹ thuật; Xe hỗ trợ khác.
Trong các xe này, xe bệ phóng tự hành và xe chở đạn được xây dựng trên khung gầm MZKT-7930.
Nếu Nga triển khai Iskander-M tới Syria, rõ ràng hiệu quả răn đe là rất lớn.
Nó có tầm bắn 500 km, có thể mang được cả đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thông thường khoảng 800 kg, tốc độ siêu âm 2,100–2,600 m/s (Mach 6 - 7) ở độ cao 50 km.
Tên lửa ứng dụng công nghệ tàng hình plasma độc đáo, có quỹ đạo linh hoạt nên có thể nói không thế hệ thống phòng thủ nào cản phá được.
Rõ ràng nếu Iskander-M đã thực sự hiện diện ở Syria thì không một thế lực nào dám làm trái ý Nga. Nhưng nếu ở góc độ khác, chúng ta lại thấy rằng việc triển khai Iskander-M ở Syria hoàn toàn không có lợi cho Nga bởi các lý do sau:
Thứ nhất, nếu triển khai Iskander-M ở Syria, Nga sẽ làm bùng phát lên một cuộc chạy đua vũ trang hạng nặng, thậm chí là hạt nhân trong khu vực.
Các nước lân cận vốn có ít nhiều mâu thuẫn với Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Jordan, Ả-rập Xê-út… sẽ không ngồi yên khi chứng kiến viễn cảnh Iskander-M từ Syria luôn có thể đe dọa mình.
Đây đều là các nước có tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự nhất định, thêm đó là sự hỗ trợ từ Mỹ và phương Tây nên việc chạy đua vũ trang (nếu xảy ra) sẽ đẩy Trung Đông vốn dĩ đã nóng sẽ càng trở nên nóng bỏng hơn.
Chưa kể, Mỹ từ lâu đã luôn muốn triển khai hệ thống phòng thủ với lý do “ngăn chặn tên lửa từ Iran”, vì thế, nếu Nga đặt Iskander-M ở Syria thì khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”?
Khi đó, Nga chỉ có lựa chọn là tiếp tục duy trì sự hiện diện và tăng cường sức mạnh ở Syria. Với tính toán của mình, chắc hẳn Nga không hề muốn sa lầy ở Trung Đông.
Thứ hai, tình hình ở Syria nói riêng và Trung Đông quá bất ổn.
Chính quyền Assad vẫn chưa thể đứng vững, xung đột giữa các phe phái, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, các tổ chức khủng bố hoành hành là những vấn đề luôn thường trực.
Iskander phù hợp để tấn công hoặc răn đe khi 2 bên có giới tuyến rõ ràng. Còn tình hình Syria lúc này, các phe phái đều đang đan xen nhau nên Iskander khó có thể phát huy được hiệu quả.
Nguy hiểm hơn, chẳng may bị phá hoại hoặc bị kiểm soát bởi phe phái khác thì hậu quả không hề nhỏ.
Từ trước tới nay, Nga đã triển khai Iskander trong lãnh thổ của mình và Crimea sau khi sáp nhập. Lần triển khai nào cũng được công khai mà không hề bí mật nhằm mục đích răn đe đối phương.
9A53-S/U Tornado: Thiết thực nhất
Cũng là loại vũ khí dùng để tấn công mặt đất tương tự như Iskander-M nhưng với tầm bắn ngắn và uy lực nhỏ hơn nhiều, pháo phản lực bắn loạt có lẽ là vũ khí thiết thực hơn đối với Syria lúc này.
9A53-S/U Tornado được sản xuất để thay thế và dùng chung đạn với các tổ hợp pháo phản lực bắn loạt Uragan 220mm (tầm bắn 30km), Smerch 300mm (tầm bắn 90km).
Với Syria, tổ hợp pháo phản lực bắn loạt 9A53 U/S Tornado có lẽ là vũ khí thiết thực hơn Iskander-M ở thời điểm này.
Với sức mạnh vừa đủ, Tornado không gây ra lo ngại quá mức cho các nước khác trong khu vực. Và nếu có bị phá hoại hoặc thậm chí lọt vào đối phương thì thiệt hại cũng không quá lớn như Iskander-M.
Nếu được đưa đến Syria lúc này, dĩ nhiên Tornado rất phù hợp để quân chính phủ tấn công vào các sào huyệt của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngoài ra, chúng sẽ phần nào trở thành “vốn để dành” của quân chính phủ để đối chọi lại phe nổi dậy. Hai bên đã ký thỏa thuận ngừng bắn nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt.
Điểm cản trở ở đây là các loại vũ khí này tương đối mới, chưa được trang bị đồng loạt. Nhưng biết đâu, Nga cũng đang muốn thử nghiệm 9A53-S/U Tornado như đã từng thử nghiệm với hàng loạt vũ khí mới ở Syria kể từ chiến dịch quân sự hồi tháng 9/2015 đến nay.
Các vũ khí phòng thủ: Không bao giờ thừa
Ngoài các vũ khí tấn công, cũng có thể “vũ khí bí mật” mà Nga đưa đến Syria hôm 14/3 là các vũ khí phòng thủ.
Các tổ hợp tên lửa phòng không S-400, Pantsir-S1 đã có tại Syria nhưng việc tăng cường thêm các thiết bị trinh sát, giám sát cho chúng không bao giờ thừa.
Trong một tổ hợp, các thiết bị trinh sát, điều khiển có nhiều biến thể phù hợp với nhiều nhiệm vụ khác nhau nên việc Nga bổ sung các khí tài cũng là khả năng rất có thể xảy ra.
Việc tăng cường các vũ khí mang tính phòng thủ như S-400 thì không bao giờ thừa. Các khí tài trinh sát trong tổ hợp như đài radar 92N6E, 96L6E đều sử dụng khung gầm MZKT-9730
Khả năng xuất hiện các vũ khí phòng thủ từ hường biển như tổ hợp tên lửa đất đối hải Bastion-P, Bal, Club-M nhỏ hơn các tổ hợp phòng không.
Lý do là bởi từ lâu, căn cứ hải quân Tartus ở Syria đã trở thành căn cứ quan trọng của Nga, ở đây luôn hiện diện các tàu chiến "khủng" cùng hệ thống bảo vệ căn cứ đủ mạnh.
Và quan trọng hơn, nguy cơ bị tấn công bởi tàu chiến từ Địa Trung Hải không cao, do ít thế lực có đủ phương tiện và “độ liều lĩnh” để mở một cuộc tấn công vào Syria từ phía biển.
Các tổ hợp tên lửa đất đối hải cơ động như Bastion-P, Club-M, Bal của Nga đều sử dụng khung gầm MZKT-7930
Ngoài các tổ hợp được liệt kê ở trên, cũng có khả năng đây là một tổ hợp hoàn toàn mới của Nga, đặc biệt là các tổ hợp tác chiến điện tử.
Đây là vũ khí rất cần thiết ở Syria lúc này và cũng là vũ khí mà Nga rất ít khi công khai, khiến Mỹ và đồng minh nhiều lần bất ngờ về sức mạnh của nó.
Tuy nhiên, đa số các loại tổ hợp tác chiến điện tử của Nga không sử dụng MZKT-7930 mà thường sử dụng khung gầm ít hầm hố hơn.
Vũ khí chuyển đến Syria hôm 14/3 có thể “mãi mãi” là bí mật nếu như Nga không muốn tiết lộ và ít nhiều đã gây nên hiệu ứng “phải hết sức đề phòng” đối với các thế lực muốn có những hành động gây tổn hại tới lợi ích của Nga. Như vậy đã là thành công.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.