Việt Nam chọn tiêm kích MiG-29M2 bỏ qua JAS-39?

GTS |

Hai ứng viên cực kì sáng giá phù hợp thay thế cho MiG-21 trong KQVN là tiêm kích hạng trung Mig-29M2 và tiêm kích hạng nhẹ Jas-39 Gripen. Việt Nam nên chọn loại nào?

Sau khi "huyền thoại” MiG-21 bị loại biên, khoảng trống lớn trong lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam được tạm giao lại cho những chiếc Su-22M/M4 vốn là tiêm kích bom chứ không phải là tiêm kích đánh chặn như những cánh "én bạc".

Việc loại biên Mig-21 thể hiện tầm nhìn và sự quyết đoán của QĐND Việt Nam trước tình hình khu vực và thế giới ngày càng phức tạp, cần có 1 loại máy bay mới hiện đại đủ khả năng đáp ứng yêu cầu bảo vệ bầu trởi Tổ quốc.

Hiện tại, có rất nhiều loại máy bay tiêm kích đánh chặn có thể thay thế được nhiệm vụ của Mig-21 và đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu từ phía Việt Nam.

Nổi lên trong số đó 2 ứng viên cực kì sáng giá là tiêm kích hạng trung Mig-29M2 và tiêm kích hạng nhẹ Jas-39 Gripen. Vậy đâu sẽ là lựa chọn tối ưu cho Không quân Nhân dân Việt Nam vào thời điểm này?

Máy bay tiêm kích hạng nhẹ Jas-39 Gripen

Đây là loại máy bay chiến đấu đa năng một động cơ, nhỏ gọn có tính năng cao do Thụy Điển sản xuất. JAS-39 được thiết kế với một cặp cánh tam giác lớn và cánh mũi đậm chất châu Âu.

Máy bay có ưu điểm là rất linh hoạt, có thể cất hạ cánh trên đường băng ngắn chỉ 800m, trong quá trình chiến đấu chỉ cần mất vài phút tái nạp nhiên liệu và vũ trang là lại có thể cất cánh.


Tiêm kích JAS-39.

Tiêm kích JAS-39.

Ưu điểm:

JAS-39 được trang bị những hệ thống điện tử hàng không hiện đại bậc nhất của Thụy Điển và châu Âu trong đó nổi bật là radar xung Doppler PS-05/A của liên doanh Ericsson và GEC-Marconi có tầm trinh sát tối đa 120 km.

Các công nghệ ứng dụng trên JAS-39 có 67% của Thụy Điển và châu Âu, còn lại 33% là của Mỹ.

Cấu hình vũ khí tiêu chuẩn của Gripen gồm 1 pháo 27mm Mauser BK-27, tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9 Sidewinder và tên lửa không đối đất AGM-65 Maverich.

JAS-39 Gripen với các đặc tính: nhỏ gọn, khả năng cơ động cao, dễ sử dụng, chi phí bảo trì rẻ xứng đáng là ứng viên lý tưởng để thay thế MiG-21.

- Mang phóng được nhiều loại vũ khí mới nhất: để thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ như tiêm kích phòng không, tiến công mặt đất với hiệu quả cao.

Biến thể Gripen E/F được thiết kế cải tiến dựa trên khung JAS-39C/D nhưng tăng thêm thể tích chứa nhiên liệu và tải trọng vũ khí (có thêm 2 giá treo, tăng tổng điểm treo vũ khí lên 10 giá treo).

Trong đó, đáng chú ý là tên lửa đối không tầm xa MBDA Meteor (tầm bắn 185 km, tốc độ Mach 4) và tên lửa hành trình đối đất Taurus KEPD (tầm bắn 350 km, tốc độ Mach 0,98)

- Chi phí vận hành thấp: Chi phí vận hành và bảo dưỡng của 1 chiếc JAS-39 rơi vào khoảng 4.700USD/giờ bay. Và độ bền khung thân 10.000 giờ bay.

Nhược điểm:

- Khả năng thao diễn kém: Đầu tiên, nói đến khả năng thao diễn của máy bay tiêm kích đánh chặn tầm gần, yếu tố đầu tiên để đánh giá đó là thiết kế cánh và khí động học của máy bay.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đặc điểm cánh của Jas-39 tương tự như Mig-21. Đó là cánh kiểu tam giác, phù hợp cho việc tăng tốc và bay nhanh ở độ cao lớn. Nhưng lại không ổn định khi bay ở độ cao thấp và mang tải nặng do có góc tấn (AoA) không lớn.

Tuy nhiên, ở Mig-21 người Nga làm cánh tam giác không liền với đuôi và cánh đứng, mà để hở 1 khoảng và có cánh đuôi ngang rời so với cánh chính để khắc phục bớt nhược điểm làm giảm AoA của Mig-21.

Nguyên do là ở những năm 60 khi các tiến bộ khí động học cho hàng không chỉ đạt như thế. Nhưng với JAS-39 lại khác, nhà thiết kế vẫn dùng thiết kế cánh tam giác, nhưng lại làm cánh liền với đuôi máy bay.

Do đó, khi máy bay đổi hướng ở vận tốc lớn thì góc đón gió AoA không lớn, làm mất lực nâng máy bay, cánh đuôi đứng bị cánh tam giác che gió dẫn đến máy bay mất ổn định và chao đảo.

- Radar nhỏ và yếu: Độ phân giải góc của radar tỷ lệ thuận với tỷ số kích thước ăng-ten chia cho bước sóng. Còn độ nhạy ăng-ten, nếu cùng đồng đều về thiết bị, thì sẽ tỷ lệ thuận với diện tích ăng-ten.

Tuy nhiên, kích thước mặt ăng-ten của Jas-39 chỉ là 60cm, lớn hơn 1 chút so với ăng-ten của các đầu đạn cỡ nhỏ.

Máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-29M2

Ứng viên nhận được nhiều sự quan tâm nhất cho đến thời điểm này là MiG-29M2, bởi chính các chuyên gia Phương Tây cũng rất ấn tượng về khả năng và sự nhanh nhẹn khác thường của dòng MiG-29 nói chung và MiG-29M2 nói riêng.

Do cùng là sản phẩm của Mikoyan-Gurevich nên hầu hết các ý kiến đều cho rằng Việt Nam đã có kinh nghiệm dùng MiG-21 thì chắc chắn sẽ không gặp phải khó khăn gì khi chuyển sang MiG-29M2 và sẽ khai thác tốt loại máy bay này.

Ưu điểm:

- Khả năng thao diễn tốt: MiG-29 có 2 động cơ phản lực Klimov RD-33 được lắp đặt trong khoảng không gian rộng, mỗi động cơ có công suất 50 kN và 83.5 kN khi bật tăng lực.

Khoảng không gian giữa 2 động cơ sinh ra lực nâng, do đó giảm đáng kể lực tác dụng lên cánh, một cải tiến lợi dụng lực sinh ra từ chỗ trống giữa 2 động cơ nhằm nâng cao khả năng cơ động.

Động cơ được đặt dọc theo các ống lấy không khí được thiết kế ngay dưới gốc diềm cánh (LERXs), có độ dốc thay đổi được nhằm tăng tốc độ.

Nó thích nghi hoàn toàn với điều kiện hoạt động tại chiến trường, lối dẫn khí chính có thể được đóng hoàn toàn và động cơ thay đổi sang sử dụng bộ nạp khí phụ trên thân máy bay để cất cánh, hạ cánh, và bay ở độ cao thấp.

Qua đó, ngăn ngừa những mảnh vỡ từ dưới đất bắn vào gây hư hại động cơ máy bay (FOD - hư hại do vật thể bên ngoài).

Trong trường hợp này động cơ nhận được luồng không khí xuyên qua mái hắt trên LERXs được mở tự động khi khe hút khí được đóng.

Tuy nhiên ở những phiên bản sau này của MiG-29 là MiG-35, mái hắt ở lưng bị bỏ đi, và thay thế bằng thiết kế tấm màn chắn mắt lưới ở khe hút khí chính, tương tự như màn chắn của Su-27.

MiG-29 có các tính năng bay độc đáo nhớ khung thân được thiết kế tuyệt vời và nhờ các động cơ RD-33 có lực đẩy 2×5.040 kgf, khi tăng lực là 2×8.300 kgf. Ở F-16A, thông số này tương ứng chỉ là 1×7.900 kgf và 1×12.900 kgf.

Tham số tốc độ leo cao ở MiG-29 là 330 m/s so với 270 m/s ở F-16A. Sự khác biệt về tốc độ tối đa cũng lớn là 2,3М so với 2,0М.

Phi công tiêm kích Canada Bob Wade với 6.500 giờ bay sau khi bay thử MiG-29 đã chia sẻ:

"Tôi kinh ngạc về sức cơ động và khả năng điều khiển của tiêm kích này, nhất là khả năng của nó thay đổi hướng trong khi bay. Một tiêm kích với khả năng xoay trở kinh hoàng. Tôi không được phép đưa ra so sánh trực tiếp với loại tiêm kích cụ thể nào đó của phương Tây.

Nhưng tôi có thể nói rằng, các tính năng của nó khi bay trình diễn trên không cho đến cả bay ở tốc độ thấp là không thua kém hoặc tốt hơn những gì mà các tiêm kích phương Tây làm được".

- Hệ thống điện tử hiện đại: MiG-29M2 được trang bị Radar hàng không Zhuk-ME và hệ thống theo dõi hồng ngoại IRST. Và các hệ thống tác chiến điện tử tích hợp lên mũ phi công.

Radar cho phép MiG-29M2 phát hiện mục tiêu trong vòng 120km, theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và ngắm bắn 4 mục tiêu cùng lúc.

- Khả năng mang vũ khí và tầm tác chiến: MiG-29M2 có trọng lượng cất cánh rỗng là 13,4 tấn, mang vũ khí là 17,5 tấn, và trọng lượng cất cánh tối đa là 27 tấn.

Như vậy MiG-29M2 có thể mang được 4 tấn vũ khí, và với tầm bay 1.700km (chưa tính tiếp dầu trên không và thùng dầu phụ). Hoàn toàn có thể bao quát được 1 khu vực lớn xung quanh các cơ sở cần được bảo vệ, đánh chặn.

- Khả năng mang các vũ khí có sẵn trong biên chế KQVN: MiG-29M2 có 9 mấu treo vũ khí dưới cánh, cho phép mang 8 tên lửa đối không như R-73/R-77/R-27, hay các tên lửa chống tàu Kh-29T/Kh-31(A/P/E), kèm theo các loại bom và rocket hiện có trong KQVN.

Nhược điểm:

Nhìn chung MiG-29M2 không có nhược điểm nào quá đáng kể, ngoại trừ động cơ RD-33MK sinh ra khá nhiều khói đen.

Tuy nhiên điều này có thể khắc phục dễ dàng vì Nga đang có loại động cơ mới cho máy bay cải tiến từ MiG-29M2 là MiG-35, loại động cơ này hoàn toàn có thể lắp được trên MiG-29M2.

Ngoài ra, quá trình phát triển gặp nhiều khó khăn do sự sụp đổ của Liên Xô, cũng ảnh hưởng tới tên tuổi của chiếc MiG-29.


Tiêm kích MiG-35.

Tiêm kích MiG-35.

Tại sao lại là MiG-29M2 mà không phải là MiG-35?

Mig-35 chỉ đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống khí tài và động cơ chưa hoàn thiện. Nga đang cân nhắc vấn đề thay đổi động cơ để có số giờ bay cao hơn. Động cơ hiện tại chỉ đạt khoảng 500 giờ bay trước khi được sửa chữa bảo trì.

Hơn nữa tư duy trong vấn đề máy bay tiêm kích đánh chặn của Nga đã thay đổi, Nga cần 1 máy bay đa năng hơn chứ không phải một máy bay tiêm kích đánh chặn chuyên nhiệm như trước.

Hơn nữa, giá thành Mig-29M2 chỉ là 35-40 triệu USD, còn Mig-35 có thể lên tới 50 triệu USD.

Tóm lại, sau những đánh giá chúng ta có thể thấy được đâu là tiêm kích phù hợp với Việt Nam trong thời điểm KQVN đang cần 1 loại máy bay đánh chặn hiệu quả, có tầm tác chiến tốt và tận dụng được cơ sở vật chất có sẵn để tiết kiệm chi phí.

Liệu một loại máy bay hiện đại của phương Tây như JAS-39 có dành được sự quan tâm lớn hơn không, khi mà kinh phí mỗi chuyến bay thấp, có thể sử dụng các loại vũ khí mới của phương Tây nhưng ảnh hưởng nhiều đến yếu tố đảm bảo bí mật trong tác chiến.

Bài viết không nhằm đưa ra một kết luận cụ thể mà chỉ phân tích ưu, nhược của từng loại máy bay, qua đó cung cấp cho bạn đọc thêm thông tin mang tính tham khảo. Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại