Đó là thông tin mới nhất được Báo QĐND số ra ngày 26/03/2016 đề cập tới. Theo đó, tiến độ đóng mới cặp tàu tên lửa Molniya này đã rút ngắn 8 tháng so với kế hoạch.
Có được kết quả này là nhờ Tổng công ty Ba Son đã làm chủ một cách vững chắc công nghệ đóng tàu quân sự hiện đại do nước bạn chuyển giao và ứng dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian thi công.
Tàu Molniya trên đường ra biển thử nghiệm.
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa - tiến độ nhanh kỷ lục
So với 2 cặp tàu Molniya trước đó, với cặp tàu này, Tổng Công ty Ba Son đã có sự tiến bộ vượt bậc trong việc nâng cao tỷ lệ vật tư, thiết bị sản xuất trong nước. Cụ thể:
Thứ nhất, việc sử dụng vật tư ván ép sản xuất trong nước để thay thế ván ép pa-nel 3 lớp nhập khẩu đi kèm với yêu cầu phải có thiết bị và phương pháp gia công chuyên dụng do đó không cần nhập thiết bị công nghệ gia công chuyên dụng có giá thành cao của nước ngoài.
Thứ hai, việc sử dụng lưới có chất liệu bằng sợi polypropylene được sản xuất trong nước để chế tạo lưới lọc khí cho hệ thống hút gió của động cơ chính của tàu; thay thế các trang thiết bị trinh sát, phát hiện tác nhân phóng xạ.
Thứ ba, thiết kế và bố trí lại trang thiết bị nhà bếp trên tàu cho phù hợp với cách nấu truyền thống và những điều kiện thời tiết đặc thù của Việt Nam…
Chính nhờ việc mạnh dạn sử dụng nhiều loại vật tư trong nước sản xuất có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn giúp Ba Son chủ động được nguồn cung ứng vật tư, từ đó góp phần nâng cao khả năng làm chủ công nghệ trong đóng mới.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Ba Son đã khuyến khích, động viên mọi cán bộ, nhân viên phát huy sáng kiến trong việc sử dụng các thiết bị có sẵn hoặc nghiên cứu chế tạo các thiết bị khác dùng trong quá trình đóng tàu thay vì phải nhập khẩu thiết bị chuyên dụng hết sức đắt tiền.
Theo quy trình công nghệ được chuyển giao, mỗi chiếc tàu M sẽ được lắp ráp từ gần 140 phân đoạn, tổng đoạn nhưng với Ba Son, chỉ còn 6 tổng đoạn vỏ lớn và 8 tổng đoạn ca-bin.
Cặp tàu Molniya thứ 2 (số hiệu 377 và 378) đã được Tổng công ty Ba Son bàn giao cho QCHQ.
Việc áp dụng thành công sáng kiến này đã cho phép tổng công ty trong cùng một thời điểm có thể triển khai đóng tàu ở nhiều vị trí khác nhau, góp phần rút ngắn một phần lớn trong tiến độ sản xuất và kinh phí.
Rõ ràng, rút ngắn thời gian thi công, sử dụng vật tư nội địa đã giúp tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước.
Đây là kết quả hết sức tích cực, làm chủ hoàn toàn công nghệ đóng mới tàu tên lửa hiện đại và xây dựng được đội kỹ kỹ sư, thợ kỹ thuật tay nghề cao đã cho phép Ba Son tự tin triển khai đóng mới thêm các tàu Molniya cải tiến.
Cấu hình mới, vũ khí mới uy lực
Theo ông Alexander Shlyakhtenko, Giám đốc điều hành Viện Thiết kế hải quân Almaz (Nga), có thể các tàu Molinya tiếp theo của Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống tên lửa Kalibr-N do OKB Novator Group (Nga) phát triển.
Được biết Kalibr-N sử dụng ống phóng thẳng đứng kiêm container bảo quản, chúng được cung cấp thông số mục tiêu trong thời gian thực thông qua hệ thống quản lý thông tin tác chiến và radar lắp trên tàu hoặc được nạp thủ công bởi kíp chiến đấu.
Mô phỏng quỹ đạo bay của phiên bản tên lửa đánh đất phóng đi từ hệ thống Kalibr trên tàu nổi và tàu ngầm.
Hệ thống điều khiển sẽ tính toán đường đạn, quản lý chu trình chuẩn bị phóng/thực hành phóng và kiểm tra/hiệu chỉnh.
Hệ thống dẫn đường chính xác của tên lửa được cung cấp bởi một hệ thống dẫn đường tiên tiến lắp sẵn bên trong tên lửa và được hỗ trợ bởi đầu dò chủ động.
Tùy theo lựa chọn quy đạo bay mà tên lửa có tầm bắn tối đa tới xấp xỉ 300km mở rộng uy lực chiến đấu đáng kể so với tên lửa Kh-35 đang lắp trên các tàu Molniya hiện hữu.
Với hệ thống Kalibr-N, bên cạnh nhiệm vụ chính là diệt tàu nổi, các tàu Molniya của Việt Nam có thể biến thành một chiến hạm đa năng thực sự khi được bổ sung thêm các loại tên lửa đánh mục tiêu mặt đất ở ven bờ, săn diệt tàu ngầm.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng tên lửa KCT-15 sản xuất trong nước sẽ được lắp trên các tàu Molniya mới. Đây mới là phương án tối ưu, thực sự đánh dấu một bước phát triển mới của công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Tàu tự đóng trong nước với nhiều vật tư nội địa nay lại được trang bị tên lửa nội địa cho phép tận dụng tối đa nguồn lực, tiết kiệm đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần nhanh chóng đưa những tàu tên lửa hiện đại vào biên chế, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.