Gần đây, đài truyền hình trung ương (CCTV) đăng tải hình ảnh về thử thách cải cách, gia tăng sức mạnh của Hạm đội Nam Hải tại một căn cứ (không nêu rõ).
Theo CCTV, lực lượng này có nhiệm vụ "gìn giữ ổn định, bảo vệ quyền lợi và phòng thủ" (thực chất là chiếm đóng phi pháp, xâm phạm chủ quyền trắng trợn - PV) 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu hướng những sĩ quan, binh lính này đến lòng trung thành tuyệt đối, kiên quyết đạt khả năng đánh thắng trận, thực hiện nhiệm vụ cải cách.
Trong ảnh là hoạt động huấn luyện của lực lượng đặc nhiệm ở căn cứ trên:
Tình huống diễn tập tiếp cận đảo được thực hiện qua nhiều phương thức như:
... dùng bè cao su bí mật tiếp cận,...
..., dùng xuồng máy cao tốc,...
... và phương thức cuối cùng là đổ bộ bằng trực thăng. Do có điểm chung là chỉ cho phép đổ bộ số lượng ít binh lính lên đảo nên những phương thức này sẽ thích hợp với lực lượng đặc nhiệm.
Trang bị vũ khí của binh lính tham gia diễn tập cho thấy Trung Quốc tương đối chú trọng huấn luyện kỹ năng đột nhập vào ban đêm, khi có sự xuất hiện của kính nhìn đêm, kính ngắm bắn đêm gắn trên súng.
Mặc dù luôn tuyên bố "tôn trọng hòa bình ở Biển Đông" nhưng việc một kênh truyền hình quốc gia như CCTV công bố những hình ảnh quân đội nước này diễn tập chiếm đảo lại cho thấy điều ngược lại.
Đó là ngoài việc chiếm đóng phi pháp và cải tạo trái phép các đảo ở Biển Đông, Trung Quốc còn sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp trên biển.
Có thể thấy rõ nước này đang có những động thái leo thang nguy hiểm nhằm theo đuổi chiến lược quân sự hóa Biển Đông, bất chấp luật pháp và sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, tuyên bố ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là "rõ ràng như tình trạng kẹt xe ở thủ đô Mỹ".
"Những ai nghĩ rằng mục tiêu của Trung Quốc không phải là quân sự hóa khu vực và thâu tóm bá quyền ở Đông Á chẳng khác gì tin rằng Trái Đất hình phẳng", ông Harris nhấn mạnh.
Trong khi đó, Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định:
"Việc gia tăng đáng kể quân số và vũ khí Trung Quốc trên Biển Đông sẽ dẫn tới những cuộc chạm mặt thường xuyên hơn với các nước láng giềng và lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực. Năm nay sẽ là năm căng thẳng hơn rất nhiều trên Biển Đông".
Về phần mình, Việt Nam luôn kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ những hành động "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam" từ phía Trung Quốc, yêu cầu nước này chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể chối cãi.