Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar cho hay:
Máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon (Lockheed Martin) và F/A-18 Hornet (Boeing) được giới thiệu vào cuối những năm 1970 như là phương thức bổ sung giá rẻ cho các tiêm kích F-15 của Không quân và F-14 Tomcat trong biên chế Hải quân Mỹ.
Qua nhiều năm, cả 2 mẫu máy bay đã có nhiều cải tiến. Phiên bản tiêu chuẩn F/A-18 Hornet được nâng cấp lên thành phiên bản có kích cỡ lớn hơn và mạnh mẽ hơn là F/A-18 E/F Super Hornet, sử dụng khung máy bay hoàn toàn mới.
Trong khi đó, F-16 từ một chiến đấu cơ hạng nhẹ đã được phát triển lên thành máy bay chiến đấu tấn công đa nhiệm vô cùng uy lực.
Song, cả 2 thiết kế này lại đang đứng trước nguy cơ “diệt vong” khi mẫu tiêm kích tàng hình F-35 Joint Strike Fighter của Lockheed Martin sắp bắt đầu thay thế chúng trên thị trường quốc tế.
Máy bay chiến đấu F-16.
Hải quân Mỹ đang đặt mua thêm tiêm kích Super Hornet – tổng cộng 16 chiếc chia theo ngân sách 2 năm tài khóa 2017 và 2018.
Nhưng con số chính xác được mua vào phút chót vẫn chưa rõ ràng, chỉ biết rằng sau này, Hải quân Mỹ sẽ chỉ mua mới các tiêm kích F-35C.
Trong khi đó, Không quân Mỹ đã dừng mua F-16 từ vài năm trước để dồn ngân sách cho F-35.
Điều đó có nghĩa cả 2 mẫu chiến cơ này sẽ phải cạnh tranh tìm kiếm khách hàng trên thị trường máy bay chiến đấu quốc tế để dây chuyền sản xuất của chúng có thể tiếp tục hoạt động.
Thế nhưng trước mắt, chúng có rất ít thỏa thuận tiềm năng đối với những nước đồng minh mà Mỹ chưa đồng ý bán F-35.
Đó phần lớn là những quốc gia ở Trung Đông hoặc là các nước không đủ tiền mua F-35.
Kuwait và UAE được đánh giá là khách hàng tiềm năng của 2 mẫu máy bay này. Song, nỗ lực của Boeing nhằm chào bán các tiêm kích Super Hornet cho Kuwait đã bị ngăn trở.
Các tiêm kích Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay Mỹ.
Gần đây, Lockheed đã thuyết phục được chính phủ Mỹ đồng ý bán cho Pakistan thêm 8 chiếc F-16.
Ngoài ra, công ty này đang hy vọng có thể bán cho Colombia, Bahrain và Indonesia, tuy nhiên, có vẻ Jakarta đã lựa chọn máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Trong khi đó, thỏa thuận tiềm năng nhằm cung cấp thêm 30 chiếc F-16E/F Block 61 cho UAE vẫn chưa được thông qua.
Mặc dù những đơn đặt hàng nhỏ có thể duy trì dây chuyền sản xuất trong vài năm nhưng về lâu dài, sự sống còn của chúng vẫn phụ thuộc vào việc tìm kiếm được khách hàng lớn hơn.
Cả Lockheed Martin và Boeing đều đang để mắt tới Ấn Độ. “Người khổng lồ” Nam Á đang có nhu cầu cấp bách là thay thế các tiêm kích MiG-21 đã già cỗi và một số khí tài cũ do Liên Xô chế tạo.
Hai tập đoàn của Mỹ có cơ hội bán cho New Delhi hơn 126 máy bay mới.
Song Ấn Độ không thực sự muốn nhập khẩu máy bay chiến đấu mà muốn tự mình sản xuất.
Boeing và Lockheed đã tỏ ý sẵn sàng chế tạo các mẫu máy bay này tại Ấn Độ nhưng mọi việc còn phải chờ xem chính phủ New Delhi và Washington có đạt được thỏa thuận hay không.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar.
Kịch tính xem phản lực F-16 đua với Lamborghini Aventador