Vận mệnh của F-16 đang nằm trong tay quốc gia châu Á này

Hải Vy |

Dây chuyền sản xuất các máy bay chiến đấu F-16 tại Fort Worth, Texas dự kiến sẽ đóng cửa vào cuối năm 2017.

Một ngày nào đó, các máy bay chiến đấu biểu tượng F-16 Fighting Falcon của Lockheed Martin sẽ “ra lò” từ các nhà máy của Ấn Độ? Có khả năng này hay không?

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar cho biết, theo kế hoạch, dây chuyền sản xuất F-16 sẽ đóng cửa vào cuối năm 2017 mà không có thêm bất cứ đơn đặt hàng nào.

Đó cũng là một lý do khiến chính quyền Obama thúc đẩy mạnh mẽ thỏa thuận cung cấp 8 máy bay F-16 mới cho Pakistan trong thời gian gần đây.

Một khi đóng cửa, dây chuyền F-16 duy nhất còn lại của Lockheed tại Fort Worth, Texas sẽ nhường chỗ cho các máy bay chiến đấu F-35 Joint Strike Fighter.

Tuy nhiên, do Ấn Độ vẫn chưa chắc chắn về thỏa thuận mua các chiến đấu cơ Dassault Rafale từ Pháp nên có thể vẫn còn cơ hội cho các nhà sản xuất Mỹ.

Tập đoàn Boeing trước đây từng tỏ ý muốn sản xuất mẫu tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet tại Ấn Độ. Song không chỉ có Boeing mà tập đoàn Lockheed cũng muốn thiết lập dây chuyền sản xuất phiên bản F-16IN Block 60 tại đây.

Phiên bản này tương tự như mẫu F-16E/F Desert Falcon của UAE.


Phiên bản máy bay chiến đấu F-16 của UAE.

Phiên bản máy bay chiến đấu F-16 của UAE.

Lockheed đang nỗ lực để giành lấy cơ hội tại Ấn Độ.

Phát biểu trên Nhật báo Hindu, Phil Shaw – trưởng đại diện của Lockheed Martin tại Ấn Độ cho biết, tập đoàn đang thảo luận với chính phủ Mỹ, chính phủ Ấn Độ và các đối tác công nghiệp tại Ấn Độ về khả năng sản xuất máy bay chiến đấu F-16.

Trước đó, Lockheed đã tỏ ý muốn thiết lập dây chuyền sản xuất F-16 tại Ấn Độ khi tham gia triển lãm hàng không Singapore vào tháng 2 năm nay.

Song, việc thiết lập dây chuyền sản xuất đòi hỏi mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn giữa Washington và New Delhi trong lĩnh vực công nghiệp – quân sự.

Chính phủ Mỹ đang tăng cường thúc đẩy mối quan hệ với Ấn Độ đề kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Vì vậy, thỏa thuận này không hẳn là không có khả năng.

Mẫu tiêm kích F/A-18E/F của Boeing có thể có lợi thế hơn so với Fighting Falcon, bởi Pakistan đang vận hành một số phiên bản của F-16. Có thể New Delhi sẽ không muốn sử dụng cùng một loại máy bay với đối thủ của mình.

Giới thiệu tiêm kích F-16 Fighting Falcon

Lockheed Martin đã đề nghị Ấn Độ sản xuất phiên bản F-16 tiên tiến hơn những máy bay được chuyển giao cho Pakistan, gọi là F-16 IN Super Viper.

Đây sẽ là phiên bản mạnh nhất từng được chế tạo. Nó được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (APG-80 hoặc APG-83), các pod cảm biến và nhiều loại vũ khí.

Trong khi đó, phiên bản F-16 cung cấp cho Pakistan chỉ được trang bị radar APG-68 và hệ thống điện tử hàng không cũ hơn, do Mỹ lo ngại thất thoát công nghệ (Islamabad có mối quan hệ đồng minh thân thiết với Bắc Kinh).

Tuy nhiên, tiêm kích Super Hornet – với phiên bản tác chiến điện tử EA-18G Growler – cũng tỏ ra là một lựa chọn hấp dẫn.

New Delhi đã có tiền lệ thất bại trong nhiều thương vụ mua sắm. Vì vậy, vẫn có khả năng thỏa thuận tiềm năng với Boeing và Lockheed Martin không đạt được, hoặc các tập đoàn khác như Eurofighter, Airbus cũng muốn chen chân vào thị trường này.

Trong trường hợp đó, tốt hơn là Ấn độ nên tiếp tục sản xuất các máy bay chiến đấu Su-30MKI. Nhưng nói cho cùng thì Super Hornet hoặc F-16 sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng tác chiến trên không của quốc gia này.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại