Nga sốt sắng với Iran: "Miếng bánh" vũ khí sau vụ S-300

Lan Tiêu |

Nga liên tiếp đưa ra những lời hối thúc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran và tỏ ý sẵn sàng bán vũ khí cho Tehran.

Người Nga sốt sắng

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 9/7 tuyên bố phải ưu tiên việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sau khi nước này và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đạt được một thỏa thuận lâu dài về chương trình hạt nhân của Tehran.

Tuyên bố được đưa ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ở thành phố Ufa của Nga.

Ngoại trưởng Nga nói: “Chúng tôi đang kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận này sớm nhất có thể và chúng tôi sẽ ủng hộ những lựa chọn của các nhà đàm phán Iran”.

Ông Lavrov đồng thời nhận định một thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran đang ở trong tầm tay, mặc dù các nguồn tin lưu ý các bên vẫn bế tắc về vấn đề buôn bán vũ khí và tên lửa của Iran.

Nga sot sang voi Iran: Mieng banh vu khi sau vu S-300

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại Ufa

Trước đó một ngày (7/7), cũng chính ông Lavrov cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran là "vấn đề lớn" trong cuộc đàm phán hạt nhân hiện nay giữa Tehran và Nhóm P5+1.

Phát biểu trong cuộc đàm phán ở thủ đô Vienna của Áo, ông Lavrov nói: "Tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng vẫn còn tồn tại một vấn đề lớn liên quan tới các lệnh trừng phạt: Đó là vấn đề cấm vận vũ khí".

Bản thân Iran cũng liên tục hối thúc nhóm P5+1 dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Tehran, nhấn mạnh đây là một rào cản trong tiến trình đàm phán về một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của nước này vốn đang trong giai đoạn cuối.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi hôm 7/7 tuyên bố lệnh cấm vận vũ khí không quá quan trọng bởi Iran đã phát triển ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình.

Tuy nhiên, các cường quốc "phải thay đổi cách tiếp cận đối của họ với các biện pháp trừng phạt, nếu muốn đạt được một thỏa thuận".

Miếng bánh ngon

Tuy ông Thứ trưởng Ngoại giao của Iran tự tin rằng việc dỡ bỏ cấm vận không quá quan trọng do nước này đã có ngành công nghiệp vũ khí phát triển, song phải thừa nhận thực tế rằng Iran đang “khát” rất nhiều loại vũ khí.

Việc Nga hối thúc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran có nhiều nguyên nhân khác nhau, song không thể loại trừ việc Moskva đã nhìn thấy miếng bánh ngon từ thị trường vũ khí của Iran.

Hôm 30/6, thủ lĩnh tối cao Iran Ali Khamenei đã công bố những điểm chính trong kế hoạch 5 năm tiếp theo của nước Cộng hòa Hồi giáo này với trọng tâm là quân đội và tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, kế hoạch 2016 - 2021 phân bổ ít nhất 5% ngân sách cho quốc phòng. Kế hoạch còn bao gồm phát triển năng lực tên lửa đạn đạo, sản xuất vũ khí và các vũ khí hiện đại.

Bảo vệ cơ sở hạ tầng tin học cũng được nhấn mạnh trong kế hoạch 5 năm này sau khi Iran hứng chịu nhiều cuộc tấn công mạng trong năm 2010, trong đó có virus Stuxnet nhằm vào chương trình hạt nhân của nước này.

Một loại tên lửa được Iran trình diễn trong cuộc duyệt binh hôm 18/4

Ngay sau khi Iran đưa ra kế hoạch trên, phía Nga đã bày tỏ sẵn sàng bán vũ khí cho Tehran. Tại Triển lãm Hải quân quốc tế (IMDS) ở thành phố St. Petersburg hôm 4/7, giới quân sự Nga tuyên bố sẵn sàng cung cấp một loạt thiết bị và vũ khí hải quân cho Iran.

Người phát ngôn phái đoàn Iran tham gia IMDS nói: "Hôm nay (ngày 4/7), đàm phán giữa phái đoàn Iran và phía Nga đã diễn ra tại cuộc triển lãm.

Hai bên đã thảo luận về tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự song phương, trong đó có việc cung cấp một loạt thiết bị và vũ khí hải quân".

Hồi cuối tháng Sáu vừa qua, tập đoàn tên lửa Nga Almaz-Antey, nơi sản xuất hệ thống phòng không S-300, thông báo đã ký kết một thỏa thuận hợp tác với Iran.

Almaz-Antey tuyên bố hai bên đã nhất trí hợp tác thúc đẩy các sản phẩm cải tiến phục vụ mục đích dân sự trên thị trường Iran và tổ chức sản xuất chung những sản phẩm đó tại các doanh nghiệp của Nga và Iran.

Xe phóng tên lửa S-300 của Nga

Nói là “dân sự” nhưng rõ ràng những thiết bị như viễn thông và radar hoàn toàn có thể trở thành “lưỡng dụng”, tức được sử dụng cả cho mục đích quân sự trong trường hợp cần thiết.

Để “đi tắt đón đầu” trong trường hợp đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện và dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với Iran, Nga cũng đã quyết định hủy lệnh cấm bán S-300 cho Iran.

Hai nước đang tiến hành đàm phán về việc bãi bỏ vụ kiện liên quan đến việc chuyển giao hệ thống phòng không này cho Iran.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Sarmadi khẳng định, Iran đang tiếp tục đàm phán với Nga về việc hủy đơn kiện mà Tehran từng nộp lên tòa trọng tài quốc tế ở Geneva hồi tháng 4/2011.

Trong đó Iran đòi bồi thường lên tới 4 tỷ USD sau khi Moskva từ chối chuyển giao hệ thống nói trên theo hợp đồng trị giá 800 triệu USD được ký hồi năm 2007.

Phiên bản tương tự S-300 do Iran tự chế tạo

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng giải thích cho việc Tổng thống Putin hồi tháng Tư vừa qua ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran là do có tiến triển trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân của Iran.

Ông Lavrov cũng bổ sung thêm rằng S-300 là hệ thống tên lửa hoàn toàn mang tính phòng thủ và không gây nguy hại an ninh cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, kể cả Israel.

Almaz-Antey hôm 22/6 cho biết sẽ cung cấp S-300 cho Iran ngay khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại và rằng nhà chức trách Nga đã dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế với số hàng trên.

Trong khi đó, phản ứng về vụ Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông không hề ngạc nhiên.

Ông Obama đánh giá: "Tôi không ngạc nhiện bởi thực tế là nền kinh tế của Nga đang khó khăn và đây là một thương vụ đáng kể”. Ông Obama cũng khẳng định thương vụ này đã tạm ngừng theo yêu cầu từ phía Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại