Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif đã xuất hiện trên kênh truyền hình địa phương và nói rằng Islamabad sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân vì sự sống còn của Pakistan.
“Chúng ta mong rằng tình huống đó sẽ không xảy ra, nhưng nếu phải làm chúng tôi sẽ sử dụng các loại vũ khí để bảo vệ đất nước”, ông Asif cho biết. Lời phát biểu của ông cũng được nhiều kênh truyền thông Ấn Độ trích dẫn lại.
Ông Asif lên tiếng cáo buộc Ấn Độ hậu thuẫn các nhóm khủng bố chống chính phủ Pakistan. “Việc châm ngòi các hoạt động khủng bố trực tiếp và gián tiếp tại Pakistan là cách thức gây chiến từ xa của Ấn Độ”, Asif nói.
Theo ông, các nhóm Tehreek-e-Taliban Pakistan (TPP) và phiến quân Baloch là những tổ chức mà Ấn Độ được cho là đang hỗ trợ.
Phát biểu của ông Asif trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng phù hợp với học thuyết quân sự đã có từ lâu của Islamabad.
Khác với Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước tuyên bố không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, Pakistan luôn khẳng định rằng họ có thể dùng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các đợt tấn công thông thường của Ấn Độ.
Ông Asif cũng không phải là quan chức Pakistan cấp cao đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên. Cựu Tổng thống Pervez Musharraf đã từng làm điều này:
“Chúng tôi không muốn dùng đến vũ khi hạt nhân, nhưng khi sự tồn vong của đất nước bị đe dọa, liệu chúng tôi có thể không cần đến chúng?”
Điều đáng chú ý là, trong một buổi phỏng vấn vào năm 2002, tướng Khalid Kidwai, người đứng đầu bộ phận kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của Pakistan, đã đưa ra 4 khả năng mà Pakistan có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ấn Độ.
Chúng bao gồm: Ấn Độ chiếm được phần lớn lãnh thổ Pakistan, Ấn Độ tiêu diệt phần lớn quân đội và không quân Pakistan, Ấn Độ có ý định phá hoại nền kinh tế Pakistan, hay Ấn Độ có ý định làm chính trị Pakistan trở nên bất ổn.
Theo đó, Asif dường như có ý nói rằng Ấn Độ đang thực hiện kịch bản thứ tư được nhắc đến ở trên, bằng cách hỗ trợ các tổ chức khủng bố ở Pakistan.
Pakistan có một kho vũ khí hạt nhân thực sự đáng chú ý. Năm 2011, Pakistan lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa Hatf-9 (NASR) mà nước này gọi là “Tên lửa đạn đạo tầm ngắn đất đối đất nhiều tầng”.
Theo chính phủ nước này, tên lửa NASR “có tầm xa 60 km, được trang bị đầu đạn hạt nhân và có thể bắn chính xác mục tiêu đưa ra. Đây là loại vũ khí rất quan trọng để nhanh chóng tiêu diệt những mối đe dọa tiềm tàng“.
Pakistan cũng nói thêm rằng “cuộc thử nghiệm là một cột mốc quan trong nhằm củng cố sức mạnh quốc phòng của Pakistan đối với nhiều mối đe dọa”. Sau đó, nước này đã liên tục thử nghiệm tên lửa Nasr, bao gồm việc bắn một đợt 4 quả từ một “bệ phóng tối tân” của Pakistan.
Đầu năm nay, tướng Vincent R. Stewart, giám đốc của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng Pakistan đang tiếp tục phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược.
Ông nói: “Chúng tôi đoán rằng Pakistan sẽ tiếp tục hoạt động chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa hành trình và các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn để gia tăng số lượng hiện có”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.