Truyền thông Nga gần đây cho biết, dựa trên cơ sở nền tảng bệ mang hạng nặng Armata, Nga sẽ tạo ra sự thay đổi mới với sức mạnh hủy diệt cho TOS-1 Buratino, hệ thống phun lửa hiện đang phục vụ trong quân đội Nga và một số quốc gia trên thế giới như Kazakhstan, Azerbaijan và Iraq.
TOS-1 (tiếng Nga: тяжёлая огнемётная система, có nghĩa là hệ thống phun lửa hạng nặng) là một pháo phản lực nhiều nòng (30 nòng) và là một loại vũ khí nhiệt áp của của Liên Xô.
TOS-1 được phát triển dựa trên ý tưởng về một pháo phản lực nhiều nòng hạng nặng tầm ngắn, có khả năng phóng các tên lửa mang đầu đạn nhiệt áp hay đầu đạn chứa chất cháy xuất hiện vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Hệ thống chiến đấu này bao gồm xe cơ giới chiến đấu, tên lửa và xe cơ giới nạp đạn được Phòng thiết kế Omsk Transmash phát triển vào đầu thập niên 1980 ở Omsk.
Có thể nói, hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-1 Buratino là một vũ khí bí mật quốc gia suốt một thời gian dài của Nga.
Những người từng phục vụ ở Afghanistan cho biết rằng họ đã được nghe nói về sự tồn tại của một loại “xe tăng phóng tên lửa với đạn chân không”. Tuy nhiên, những công bố ban đầu về “rồng lửa” Buratino không thực sự chính xác.
TOS của quân đội Nga.
Những tin đồn về Buratino đã xuất hiện rất lâu trước khi hệ thống này được đưa vào sử dụng trong quân đôi Xô Viết/Nga những năm 80-90 của thế kỷ trước. Nhiều người tin rằng, TOS được phát triển trên có sở xe tăng T-64 nhưng theo thiết kế ban đầu và thực tế cho thấy nó được phát triển dựa trên xe tăng chiến trường T-72.
TOS đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi nó xuất hiện trong một cuộc diễu binh ở Omsk và đỉnh cao của hệ thống phun lửa nhiều nòng này là khi nó tham gia chiến dịch quân sự thứ hai ở Bắc Kavkaz. TOS khi huyền thoại tăng T-72 của quân đội Xô viết đã lập nên chiến công vang dội trong cuộc tấn công vào làng Komsomolsk, nơi các chiến binh Gelaev cố thủ.
Trong quá trình sản xuất, hệ thống phun lửa hạng nặng và đạn dược liên tục được cải thiện. Nếu TOS ban đầu chỉ có tầm bắn khoảng 3,6 km (là lý do tại sao các tổ hợp này dễ bị tấn công bởi hỏa lực trực tiếp của đối phương) thì sau đó nó đã có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly lên tới 6 km.
TOS-1A của lực lượng vũ trang Kazakhstan.
Vào đầu thế kỷ mới, Phòng thiết kế Omsk đã phát triển một biến thể mới của TOS mang tên TOS-1A Solntsepek. Theo báo cáo trên trang web của nhà sản xuất, TOS-1A được thiết kế để tiêu diệt kẻ thù của trong điều kiện tác chiến ở nơi có địa hình trống tải và trong các công sự, cũng như để tiêu diệt các xe chiến đâu bọc thép của đối phương.
Một số thông số kỹ thuật cơ bản của TOS-1A:
Trọng lượng: 44,3 tấn
Ê-kíp chiến đấu: 3 người
Tốc độ tối đa: 60 km/h
Tầm hoạt động: 500 km
Số ống phóng: 24
Tầm bắn:
- Tối thiểu: 400 m
- Tối đa: 6.000 m
Thời gian bắn hết một loạt đạn: 6 giây
Loại đạn: đạn phản lực không điều khiển.
Ngay sau khi được trình làng, Nga đã cố gắng để đưa TOS ra nước ngoài, nhưng ban đầu việc “xuất ngoại” đã không thành công như mong đợi. Có lẽ do thực tế là các tổ hợp này đã lỗi thời. Tuy nhiên, trong năm 2010, tại một cuộc triển lãm ở Jordan, Nga đã cho ra mắt hệ thống phun lửa hạng nặng tiên tiến với tầm xa 6 km. Và Jordan đã nghiêm túc quan tâm đến hệ thống mới của Nga.
TOS-1A của Azerbaijan.
Các nghiên cứu cho thấy rằng khung gầm hệ thống phun lửa hạng nặng dành cho Jordan vượt trội hơn so với xe tăng chiến đấu cơ bản M-60 của Mỹ. TOS có thể được lắp đặt trên hầu như bất kỳ khung gầm xe tăng hiện đại nào. Xét về đặc thù của đất nước Trung Đông này, thì ngoài khung gầm M-60, TOS không chỉ có thể lắp đặt được trên khung gầm các xe tăng lỗi thời Tariq và Khalid mà còn có thể lắp đặt trên cả xe tăng hiện đại như Challenger 1 hay còn được gọi là Al-Hussein.
Tuy nhiên, quốc gia đầu tiên mua TOS lại là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và bây giờ là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Nga - Kazakhstan. Ban đầu, nước này đã nhận được 3 tổ hợp như vậy. Chúng khác so với các tổ hợp sử dụng trong quân đội Nga, đặc biệt là sử dụng khung gầm của xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại T-90.
Azerbaijan là quốc gia tiếp theo sở hữu các hệ thống phun lửa TOS-1A, cũng được phát triển trên khung gầm T-90. Hiện tại, lực lượng vũ trang nước này đang được trang bị 6 tổ hợp TOS-1A.
Vào cuối tháng 7 năm 2014, khi tình hình ở Iraq trở nên xấu đi một cách nhanh chóng, Bộ Quốc phòng nước này đã mua từ Nga một vài tổ hợp TOS-1A.
TOS-1A trong quân đội Iraq.
Dự kiến trong những năm tới, quân đội Nga sẽ được trang bị một biến thể mới của hệ thống phun lửa dựa trên bệ mang hạng nặng tương lai Armata.
Đây là một hệ thống kéo hạng nặng có khả năng cơ động cực cao. Ê-kíp chiến đấu sẽ được trang bị các thiết bị mới nhất cho phép họ có khả năng làm việc trong điều kiện thời tiết xấu, cả ngày lẫn đêm. Biến thể Solntsepek- Armata sẽ được tích hợp các hệ thống điều khiển chiến thuật tự động. Hệ thống TOS mới cũng sẽ được trang bị các loại đạn dược có tính năng tốt hơn nhiều và có sức mạnh hủy diệt.
Armata là một hệ thống kéo hạng nặng thế hệ thứ tư của Nga, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong khoảng năm 2015. Nó có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau nhưng theo kế hoạch thì nó sẽ được ghép với các tháp pháo để trở thành xe tăng chủ lực, ngoài ra nó cũng có thể ghép với các khối chức năng khác để trở thành xe bọc thép chở quân hạng nặng, các loại xe công binh, các loại xe hỗ trợ tác chiến, các loại tăng hỗ trợ chiến đấu hay thậm chí trở thành các loại pháo tự hành hoặc các loại khác.