Biển cả mênh mông, sóng nhồi cấp 6, cấp 7 đánh vào mạn những con tàu quân sự vỏ thép khiến chúng lắc lư như đưa võng. Toàn biên đội tàu đã vào vị trí. Đúng giờ G, khẩu lệnh “bắn” từ chỉ huy vang lên đanh gọn, dứt khoát.
“Đoàng, đoàng…”. Từng loạt đạn nổ vang, chát chúa. Sau làn khói trắng bốc lên từ nòng súng, các mục tiêu đều bị hạ ngay từ loạt đạn đầu tiên.
Đây là một phần trong chuyến ra khơi bốn ngày sát hạch hiệp đồng huấn luyện K2 có bắn đạn thật của biên đội tàu thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân (tiền thân là Đoàn tàu không số trong kháng chiến chống Mỹ) hồi tháng 5 vừa qua.
Mỗi đợt huấn luyện, bộ đội tác xạ nhiều loại súng, pháo khác nhau. Đợt huấn luyện lần này, những người lính hải quân Lữ đoàn 125 Hải quân sử dụng pháo, súng tiểu liên AK và trung liên RPD để tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm mét tới hơn một hải lý.
Thời gian trên biển nhiều hơn trên đất liền
Trung tá Nguyễn Đình Lịch, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn, cho biết, huấn luyện là việc làm thường xuyên để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, giúp bộ đội sử dụng thành thạo trang thiết bị, vũ khí, nâng cao trình độ tổ chức, hiệp đồng chiến đấu, rèn luyện khả năng chịu đựng sóng gió, bản lĩnh chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt, có kinh nghiệm xử lý các tình huống trong chiến đấu trên biển...
Phương châm huấn luyện của Lữ đoàn là “cán bộ làm mẫu, bộ đội làm theo”, Đại úy Nguyễn Công Trình, Chính trị viên Hải đội 3, cho biết.
Chỉ những người lính qua kiểm tra, đã được sát hạch huấn luyện K1, đủ điều kiện mới được tham gia huấn luyện K2.
Với người ngoài quân đội, thật khó hiểu các khái niệm K1, K2, nhưng đại khái K1 là huấn luyện tại bến, còn K2 là thực hành thao tác chiến đấu trên biển, bao gồm bắn đạn thật.
Theo lệnh, lần lượt từng con tàu nổ máy, kéo còi rời cảng cho chuyến ra khơi huấn luyện kéo dài 4 ngày.
Dù nhiệm vụ chính của biên đội tàu là ra khơi huấn luyện bắn đạn thật, nhưng những thao tác rời cảng, điều khiển tàu đi đúng luồng lạch từ cầu cảng cũng là một phần huấn luyện không thể thiếu của những người lính.
Tháng 5 đã bước vào mùa mưa, biển hay động, không còn êm ả như thường lệ. Chuyến đi này thời tiết không thuận. Tàu vừa ra khỏi cửa vịnh, chúng tôi bắt đầu có cảm giác chếnh choáng. Sắp say sóng rồi đây, chúng tôi nghĩ.
Tàu bắt đầu chòng chành, càng lúc càng dữ dội hơn. Lên đài chỉ huy tìm hiểu chúng tôi mới biết, sóng biển đang ở mức cấp 6, cấp 7.
Đi một vòng quanh tàu mới biết, và cũng được đôi phần an ủi, say sóng không chừa ai, kể cả những người lính hải quân, vốn đã quen, thậm chí dạn dày sóng gió.
Những người lính hải quân Lữ đoàn 125 làm chủ những con tàu ngang dọc khắp vùng biển phía Nam, nối đất liền với quần đảo Trường Sa, hệ thống nhà giàn DK… nên họ cũng là những người lính đi biển nhiều, đối mặt không ít lần biển động.
Thậm chí, những lúc xấu trời, bão giông… họ lênh đênh trên biển để cấp cứu ngư dân, hoặc làm nhiệm vụ trực chiến trên biển.
Không ít lần khi chúng tôi gọi điện trao đổi với thuyền trưởng, chính trị viên, thủy thủ, hoặc khi họ chủ động trao đổi lúc có ngư dân gặp nạn, đắm tàu, chúng tôi lại thấy họ đang lênh đênh trên biển, cách đất liền hàng trăm cây số. Với nhiều người lính, thời gian trên biển nhiều hơn trên đất liền.
Sắc mặt một vài người lính bắt đầu chuyển sang tai tái, có lẽ do sóng to và họ phải căng sức để chịu đựng. Quân lệnh như sơn, mặc sóng to gió cả, không thể ảnh hưởng lịch trình luyện quân.
Thực ra, đây không phải lần đầu bộ đội trải qua huấn luyện trong môi trường khắc nghiệt. Không ít lần Lữ đoàn tổ chức huấn luyện trong điều kiện thời tiết còn khắc nghiệt hơn như trong mưa bão, sóng to gió lớn... để bộ đội quen với thực tế chiến trường.
Hạ mục tiêu ngay loạt đạn đầu
Có nhiều bài bắn khác nhau bộ đội phải luyện tập thường xuyên để làm quen. Tình huống giả định là địch thả vũ khí hóa học, tiếp cận tàu ở cự ly gần.
Bộ đội nhanh chóng đeo mặt nạ phòng hóa, xách AK triển khai đội hình chiến đấu trên mặt boong. Bia bắn được thả trên biển ở khoảng cách khoảng 100m, dập dềnh trôi theo sóng. Tùy theo mỗi bài bắn, hoặc với mỗi loại súng, pháo khác nhau mà có các loại bia khác nhau, nổi trên mặt nước hay di động.
Chúng tôi băn khoăn xen lẫn hồi hộp, không biết những người lính trên tàu liệu có bắn trúng bia không khi mà cả bia lẫn tàu cùng lắc lư theo sóng biển động.
Đúng giờ G, khẩu lệnh “bắn” từ chỉ huy vang lên đanh gọn, dứt khoát. “Đoàng, đoàng…”. Từng loạt đạn AK nổ vang, chát chúa. Sau làn khói trắng bốc lên từ nòng súng, các mục tiêu đều bị hạ. Những căng thẳng của người lính được giải tỏa trước sự hài lòng của sĩ quan chỉ huy.
Đối với pháo thì bia ở cự ly xa hơn, ước tính bằng mắt thường khoảng một hải lý. Mục tiêu là vật thể trôi trên biển, giả định là tàu thuyền và mục tiêu trên không là quả cầu treo lơ lửng, cố định bằng sợi dây neo với vật nổi trên biển. Cũng có bài bắn tiêu diệt mục tiêu di động bay trên không.
Những tiếng nổ đanh, chùm lửa nháng lên từ nòng pháo, từ trên tàu, bằng mắt thường có thể thấy những cột nước cao thẳng đứng dựng một hàng cắt dọc bia bắn.
“Trúng rồi”, ai đó la lên phấn khích. Trung úy Hồ Viết Sơn, Trưởng ngành 2 Tàu 501, bước xuống từ bệ pháo. Vẻ mặt anh không giấu sự mãn nguyện.
Hỏi cảm giác khi chỉ huy bộ đội nã trúng mục tiêu, anh chia sẻ: “Rất vui vì loạt đạn đầu trúng ngay mục tiêu. Tôi tham gia bắn đạn thật cũng như chỉ huy bộ đội bắn đạn thật nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên ở Lữ đoàn có đội hình bắn với số lượng nhiều tàu và nhiều bài bắn.
Sau một loạt bắn, bài bắn, tôi đều động viên bộ đội bình tĩnh, tự tin và luôn thể hiện quyết tâm cao nhất. Kết quả là chúng tôi đã hoàn thành tốt các bài bắn đề ra”.
Trung tá Nguyễn Đình Lịch tỏ ra hài lòng với kết quả. Không vui sao được khi các nội dung huấn luyện được thực hiện thành công với toàn bộ tàu của đơn vị tham gia, trong đó hầu hết bài bắn đạt loại giỏi.
Một điều nữa mà người sĩ quan này lấy làm tự hào là dù điều kiện tàu thuyền, trang bị vũ khí trên tàu còn hạn chế, thời tiết trên biển khắc nghiệt, nhưng những người lính Lữ đoàn vẫn sử dụng vũ khí thành thạo, tác xạ chuẩn xác.
Khả năng tác chiến ban ngày cũng như ban đêm, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt được cải thiện rõ rệt...
Kế thừa huyền thoại đoàn tàu không số
Lữ đoàn 125 Hải quân là đơn vị vận tải biển chủ lực của Quân chủng Hải quân ở khu vực phía Nam.
Ngoài nhiệm vụ chính là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vận tải chi viện đảo, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các biên đội tàu của Lữ đoàn còn tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển…
Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thường xuyên làm nhiệm vụ trực chốt bảo vệ biển đảo, vận chuyển nhiều chuyến hàng hóa, đưa đón các đoàn khách ra thăm, làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK…
Đối với anh em báo chí, trong đó có phóng viên báo Tiền Phong, những người lính Lữ đoàn 125 Hải quân để lại nhiều tình cảm gắn bó khi không ít lần “ba cùng” với anh em thủy thủ lênh đênh hằng tháng trời trên đường hải hành từ đất liền ra quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK.