Donald Trump không phải Ronald Reagan
Trên New York Times, cây viết Bret L.Stephens cho rằng có khá nhiều điểm giống giữa hai cuộc đối đầu lớn mà nước Mỹ trải qua. Theo Stephens, Mỹ hiện đang tham gia một cuộc chiến thương mại và có lẽ là một cuộc chiến tranh lạnh mới, với Trung Quốc. Nhưng ông cho rằng cuộc chiến tranh lạnh này khác với Liên Xô trước đây và Donald Trump không phải Ronald Reagan.
Nếu Liên Xô và khối Đông Âu chỉ là một tập thể dựa trên những cá thể tồn tại nhiều bất đồng thì Trung Quốc không như vậy. Trung Quốc không chỉ là chế độ giống Liên Xô mà họ còn là một quốc gia và một nền văn minh, và cả ba yếu tố đều được liên kết chặt chẽ.
Theo Stephens, Trung Quốc vốn tự thân đã có nhiều bệnh tật: Nền kinh tế đang trượt dốc; nợ công đang bùng nổ; dân số đang già đi; lực lượng lao động đang bị thu hẹp; và các công dân thành công nhất đang rời bỏ đất nước. Do vậy, Stephens cho rằng Mỹ không việc gì phải lên gân trong cuộc chiến thương mại như hiện nay để dẫn đến khiêu khích Trung Quốc và gây thiệt hại cho người Mỹ mà điển hình là cái giá Mỹ phải trả trong trừng phạt thuế quan qua lại giữa hai nước.
Stephens cho rằng đáng ra ông Trump cần thực hiện những chính sách khôn ngoan hơn nhưng ông đã bỏ lỡ. Chẳng hạn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, thỏa thuận thương mại tự do do chính quyền Obama đàm phán, có thể đóng vai trò là phần cốt lõi của chiến lược làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế của Mỹ trong khu vực. Đó cũng là cách làm giảm vai trò của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng Trump đã rút khỏi nó trong tuần đầu tiên nhậm chức. Hay việc hợp tác quân sự sâu rộng với các đồng minh ở châu Á sẽ đóng vai trò là một phần khác của chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Nhưng ông Trump đã kết thúc các cuộc tập trận chung lớn với Hàn Quốc, đã tạo ra mối nghi ngờ trong quan hệ quân sự với Nhật Bản và vẫn chưa bán được vũ khí lớn cho Đài Loan.
Donald Trump giống Reagan
Trong khi đó, cây viết bình luận của CNN Steve Cortes lại ca ngợi Donald Trump có phong thái như Ronald Reagan và đang trên đường thành công. Cortes có nhận định xin trích đăng:
“Giống như Donald Trump, Ronald Reagan đã giành được chức tổng thống với tư cách là một người ngoài cuộc hồi thập niên 1980… Trên thực tế, Reagan thường xuyên bị giới tinh hoa trong và ngoài nước chế giễu là một chàng cao bồi nguy hiểm vì lập trường đối đầu với Liên Xô rất cứng rắn.
Reagan không bằng lòng với việc chỉ đơn giản đối phó với sự nguy hiểm của Liên Xô, mà là quyết tâm chiến thắng. Trong cùng một khuôn mẫu, Tổng thống Trump giờ phải đối mặt với khoảnh khắc Reagan của chính mình khi đối đầu với Trung Quốc. Giống như Liên Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh, Trung Quốc ngày nay đại diện cho mối đe dọa đối với sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ.
Giống như Reagan nhiều thập niên trước đó, các cải cách của Trump đang gặp phải sự nhạo báng đáng kể từ giới tinh hoa, những người chê các giải pháp của ông là chủ quan và đơn giản. Nhưng kết quả ban đầu sẽ gây ấn tượng với ngay cả những người hoài nghi nhất.
Ví dụ, năm 2018 là năm tốt nhất cho tạo công ăn việc làm của Mỹ kể từ những năm 1990, khi các công ty đang nỗ lực tổ chức sản xuất lại trong nội địa, sử dụng lao động Mỹ.
Đáng chú ý, công ăn việc làm mới trong hai năm đầu tiên của Tổng thống Trump đã tăng gấp 8 lần so với hai năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống Obama.
Nhìn vào thị trường tài chính, ngay cả với những rung động gần đây do bất ổn thương mại, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vẫn cao hơn 40% kể từ cuộc bầu cử trước.
Nếu Donald Trump hoàn toàn nắm lấy thời khắc lịch sử của mình, ông sẽ được công nhận là nhà lãnh đạo Mỹ có tầm nhìn và lòng dũng cảm trong việc đẩy lùi mối đe dọa đến từ Trung Quốc".