Như đã biết, Trung Quốc đã tuyên bố trả đũa bằng cách tăng thuế suất danh sách hàng trị giá 60 tỷ đô la Mỹ (USD) đối với hàng hóa Mỹ. Hiển nhiên đáp trả của Trung Quốc so với con số 200 tỷ USD hàng Trung Quốc mà Mỹ áp thuế 25% thì quá không cân xứng.
Nhưng không chỉ có vậy, Mỹ cũng đã tấn công các mặt trận khác, ngoài việc nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE, Mỹ còn điều các tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận giới chức cấp cao Trung Quốc cho biết, với sức ép không ngừng gia tăng, ban lãnh đạo đang cố gắng đạt được thỏa thuận với Mỹ để tránh một cuộc chiến kéo dài về thương mại, cản trở sự phát triển kinh tế Trung Quốc về lâu dài.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cũng lo lắng nếu nhượng bộ Mỹ quá nhiều, họ có thể phải hứng chịu xu thế phản đối từ chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Nguồn tin chỉ ra, nếu Trung Quốc chấp nhận yêu cầu của Mỹ, ngừng trợ cấp và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nhà nước và các ngành công nghiệp chiến lược, như vậy đồng nghĩa thay đổi mô hình kinh tế do chính phủ lãnh đạo, làm suy yếu vai trò của chính quyền đối với nền kinh tế.
“Chúng tôi vẫn còn đạn dược, nhưng khả năng không được sử dụng hết,” Reuters dẫn ý kiến của một quan chức Trung Quốc ẩn danh. “Mục đích là để đạt được một thỏa thuận được cả hai bên chấp nhận.”
Văn phòng Thông tin Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại hiện tạm chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Thực tế, trong các lựa chọn trả đũa của Trung Quốc, không có lựa chọn nào là không tiềm ẩn rủi ro.
Hạn chế nhập khẩu từ Mỹ
Kể từ tháng 7/2018, tính tổng cộng Trung Quốc đã trả đũa thuế quan lên hàng hóa của Mỹ trị giá gần 110 tỷ USD với mức thuế 25%.
Dữ liệu thương mại của Chính phủ Mỹ chỉ ra, Trung Quốc chỉ còn lại khoảng 10 tỷ USD hàng hóa Mỹ để có thể trả đũa, như dầu thô và máy bay cỡ lớn. Chiều ngược lại như thông tin đã phổ biến là quá chênh lệch: Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế tiếp theo đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD!
Có phân tích chỉ ra, hiện tại dự án duy nhất khác mà Bắc Kinh có thể áp dụng thuế quan là lĩnh vực nhập khẩu dịch vụ của Mỹ. Năm 2018, thặng dư thương mại dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc là 40.5 tỷ đô la Mỹ.
Nhưng ông James Green, nhà tư vấn cao cấp tại McLarty Associates, cho rằng cán cân của Trung Quốc đối với Mỹ không lớn như biểu hiện bên ngoài, bởi vì phần lớn thặng dư thương mại dịch vụ nói trên đến từ du lịch và giáo dục, đối với chính phủ Trung Quốc thì việc đẩy mạnh hạn chế các hoạt động ở những khu vực này của Mỹ là rất khó khăn.
Chuyên gia này cho rằng, khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thiết lập các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ, như trì hoãn phê duyệt quy định đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Ông James Green trước đây từng là Cố vấn của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, cũng là một quan chức cấp cao của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tại Trung Quốc, đã rời nhiệm hồi tháng 8 năm ngoái.
Hình ảnh những container xếp chồng lên nhau tại cảng Los Angeles, Mỹ vào Ngày 30/1/2019 (Mike Blake/Reuters)
Nhắm vào doanh nghiệp Mỹ, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc
Giới phân tích thương mại có quan điểm cho rằng, Trung Quốc có thể xem việc hy sinh doanh nghiệp Mỹ như cái giá để lôi kéo các công ty toàn cầu khác, ví như trong tình huống khả thi có thể dùng máy bay Airbus của Pháp thay vì máy bay Boeing của Mỹ.
Nhưng họ cho rằng, việc Trung Quốc chuyển từ thủ đoạn trả đũa thuế quan sang hàng rào phi thuế quan tiềm ẩn những rủi ro lớn, vì cách làm này sẽ càng khiến hình ảnh cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc trở nên xấu xí hơn trong mắt mọi người, đồng thời kích thích một số công ty chọn cách mua sắm hoặc đầu tư ra nước ngoài.
Chúng ta đã biết, Tổng thống Trump không ngừng kêu gọi giới doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất trở lại Mỹ.
Reuters dẫn lời Robert Lawrence, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson trả lời giới phóng viên ở Bắc Kinh cho biết, “Về tác động trung và dài hạn đối với chuỗi cung ứng, nếu tôi là người Trung Quốc thì tôi sẽ vô cùng lo lắng”.
Vào tuần trước, sau khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung rơi vào bế tắc dẫn đến việc hai nước leo thang đối đầu thuế quan, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đẩy mạnh ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc, thề thốt rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ.
Nhưng giới phân tích nhận định rằng, chí ít giới chức Bắc Kinh cũng đang phải nỗ lực nhằm ngăn cuộc chiến thương mại phát triển theo hướng lan sang vũ đài chính trị.
“Tôi nghĩ, họ không cho rằng điều này (đẩy mạnh ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc) tốt cho họ, họ lo lắng chủ nghĩa chống Mỹ sẽ nhanh chóng chuyển biến thành chủ nghĩa chống chính phủ,” James Green đánh giá.
Phá giá nhân dân tệ
Giảm giá đồng Nhân dân tệ có thể giúp làm suy yếu tác động của việc tăng thuế của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng sự mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ có thể dẫn đến dòng vốn tháo ra nước ngoài.
Giới chức Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh, họ sẽ không dùng đến cách làm sụt giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu, còn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chỉ ra rằng không sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ để đối phó với các xung đột thương mại.
Đi cùng cuộc chiến thương mại leo thang, trong tháng này đồng nhân dân tệ giảm hơn 2% so với đồng USD, nhưng có phân tích cho rằng sự mất giá của đồng nhân dân tệ có thể vì thúc đẩy của thị trường.
Bán trái phiếu Mỹ
Một kịch bản khác, Trung Quốc trong tư cách là nước giữ lượng trái phiếu chính phủ lớn nhất của Mỹ, có thể bán tháo trái phiếu Mỹ, đẩy cao chi phí vay của Mỹ để trừng phạt chính quyền Trump. Đây cũng là vấn đề khiến giới đầu tư lo ngại.
Tuy nhiên, phần đông nhà phân tích cho rằng Trung Quốc không thể dùng biện pháp này, vì không thể chọn biện pháp “hại người nhưng phần hại chính mình cũng không kém”.
Reuters chia sẻ, từ dữ liệu mới nhất của Mỹ, tính đến tháng Hai năm nay thì Trung Quốc giữ khoản nợ của Mỹ lên tới 1.131 nghìn tỷ USD.
Còn cách nào khác?
Với đòn tăng thuế của Mỹ, chính quyền Trung Quốc có thể giảm bớt tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn bằng biện pháp kích thích thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Với hỗ trợ của sáng kiến Vành đai và Con đường, giới xuất khẩu Trung Quốc đang ngày càng đa dạng hóa nguồn hàng bán ra nước ngoài.
Trong đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu thô, giới chức Trung Quốc cũng tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế ở nước ngoài.
Năm ngoái, sau khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đậu nành Mỹ, đã rút khỏi thị trường Mỹ, thay vào là chuyển sang mua một lượng lớn đậu nành ở Brazil.