Từ xa xưa, nước hầm xương được sử dụng như một loại thuốc để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Mặc dù không có nhiều bằng chứng khoa học, nước hầm xương vẫn được tiếp tục trở thành một món ăn chính trong chế độ dinh dưỡng của mọi người, đặc biệt là với những ai muốn tăng cường sức khỏe.
Nước hầm xương cũng được sử dụng rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực châu Phi, châu Á và Trung Đông, nhưng chủ yếu là để tăng vị cho món ăn, chứ không vì mục đích sức khỏe.
Nước hầm xương được được chế biến từ việc ninh xương động vật (thường là lợn, gà, bò, cá) trên lửa nhỏ trong một khoảng thời gian dài, khoảng 12 - 48 giờ.
Tại sao nước hầm xương lại tốt cho sức khỏe?
Trong quá trình hầm với nước, các khoáng chất quan trọng trong xương như magie, canxi, phốt-pho và các amino axit như collagen, glycine, glutamine... sẽ bắt đầu bị phá vỡ và giải phóng ra ngoài.
Về mặt dinh dưỡng, tất cả những khoáng chất và axit amin có nguồn gốc từ xương rất dễ hấp thu. Điều này là vô cùng quan trọng vì lượng chất dinh dưỡng bạn ăn vào sẽ không quan trọng bằng lượng chất dinh dưỡng mà bạn hấp thu.
Nước hầm xương có tác dụng chữa đau khớp, giảm cân, rối loạn giấc ngủ, viêm trong cơ thể, hệ thống tiêu hóa không khỏe mạnh...
Chuyên gia Sian Porter, Hiệp hội Dinh dưỡng Anh khẳng định, nước hầm xương vô cùng hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh cảm lạnh, cảm cúm và là nhân tố giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt.
Magie: Tham gia vào rất nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể, ví dụ như tạo ra protein, tham gia vào chức năng của các cơ bắp và dây thần kinh. Magie cũng được sử dụng để điều hòa huyết áp và đường huyết.
Canxi: Cần cho việc hình thành và duy trì bộ xương và răng chắc khỏe. Canxi cũng rất quan trọng cho các mạch máu và chức năng của cơ, thần kinh và giúp duy trì sự cân bằng của hormone.
Phốt-pho: Cần trong việc sản xuất và lưu giữ năng lượng trong cơ thể, duy trì chức năng của cơ bắp.
Glutamine: Hỗ trợ cơ bắp và giúp loại bỏ các chất độc ra khỏi gan
Glycine: Củng cố các mô cơ bắp, hỗ trợ tiêu hóa và chức năng của hệ thần kinh trung ương. Glycine cũng là một chất chống oxy hóa.
Collagen: Tốt cho hệ xương khớp
Hướng dẫn cách nấu nước hầm xương
Nấu nước hầm xương rất đơn giản. Hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều công thức khác nhau nhưng hầu hết mọi người đều thực hiện theo cách đơn giản nhất.
Những gì bạn cần là một cái nồi to, nước, giấm và xương.
Nguyên liệu cơ bản: 4 lít nước, 30 ml giấm, 1-2 kg xương động vật, muối và hạt tiêu
Chế biến: Cho xương trong nồi hầm và đổ ngập nước. Thêm giấm táo, muối, hạt tiêu vào nấu chung nhằm đẩy được các chất khoáng từ xương vào nước. Ninh nhỏ lửa trong khoảng 24-48 giờ.
Nhiều người có thêm một chút gia vị như gừng, nghệ, tỏi... hoặc thực phẩm khác như cà rốt, cần tây, hành tây....
Bảo quản: Bạn có thể bảo quản nước hầm xương trong tủ lạnh tối đa là 5 ngày. Còn nếu muốn hạn sử dụng lâu hơn, bạn nên cấp đông.
Bạn nên dùng bao nhiêu nước hầm xương?
Thật ra, không có một hướng dẫn cụ thể nào về việc bạn nên dùng bao nhiêu nước hầm xương hay nên dùng vào thời điểm nào là tốt nhất. Nhưng xét về mặt dinh dưỡng, bạn nên ăn khoảng 200-350ml nước hầm xương, khoảng 2-3 lần/tuần.
Nếu bạn bị cảm lạnh hoặc cúm, bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ về việc sử dụng thêm nhiều nước hầm xương hơn để có thể hồi phục nhanh hơn hay không.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích mọi người nên dùng nhiều nước hầm xương thay vì sử dụng nước bình thường để nấu các món như canh, súp hay món hầm.
Đầu bếp nổi tiếng hướng dẫn cách nấu nước hầm xương
Đầu bếp Mathew Miller - Giám đốc ẩm thực của Khách sạn Omni và trước đó từng làm trong Le Bernardin and Jean-Georges hướng dẫn cách hầm xương bò ngon và bổ dưỡng.
Nguyên liệu:
- 1,8 - 2,2 kg xương bò, phần xương tốt nhất là tủy, khớp, xương đùi.
- 1 cái chân bò hoặc lợn.
- 1,4 kg thịt có cả xương như đuôi, thịt chân giò hoặc xương sườn.
- 1/4 - 1/2 cốc giấm táo.
- 2 - 4 củ cà rốt, thái nhỏ.
- 2 nhánh cần tây hữu cơ, chỉ dùng phần lá, thái nhỏ.
- 1 củ hành tây, thái nhỏ; 2 lá nguyệt quế; 1 - 2 cây đinh hương; 1 thìa canh hạt tiêu.
- Nước lọc.
Nguyên liệu dưới đây là đủ để có được 3,8 lít nước hầm xương.
Cách nấu nước hầm xương - nước dùng:
- Cho tất cả xương và thịt trong nồi nấu chậm hoặc nồi hầm xương to. Thêm giấm và nước đủ để ngập xương. Đậy kín nồi.
- Bật bếp đun nhỏ lửa. Vớt bọt. Nếu bạn nấu bằng nồi nấu chậm, hãy đợi khoảng 2 giờ cho nước sôi rồi mới hớt bọt.
- Cho thêm cà rốt, cần tây, hành, lá nguyệt quế, đinh hương và hạt tiêu vào nồi, hạ nhỏ lửa/hoặc nhiệt. Ninh trong ít nhất 12 tiếng hoặc 24 tiếng, cho thêm nước khi cần thiết.
- Khi đã ninh xong, thì tắt bếp. Đổ nước hầm xương qua rây lọc để loại bỏ cặn.
- Để nguội nước hầm xương. Bạn có thể hớt bớt mỡ đóng váng đọng bên trên nước hầm. Nước hầm xương có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được 5 ngày, trong ngăn đá khoảng hơn 3 tháng.
* Theo Healthline, Womenshealthmag
Cách chế biến món canh gà gia truyền.