Canh gà - món ăn bổ dưỡng, giải cảm của người Việt Nam, Trung Quốc
Từ xa xưa, người Việt Nam đã coi thịt gà là loại thực phẩm bổ dưỡng nên thường được dùng để chế biến các món ăn có tác dụng chữa bệnh như canh gà, súp gà, cháo gà....
Những món ăn này được xem là những phương thuốc bổ dưỡng giúp người bệnh mau lại sức, rút ngắn thời gian điều trị, đặc biệt là làm giảm các triệu chứng do cúm hoặc cảm lạnh gây ra.
Theo Đông y, thịt gà vị ngọt, tính ấm, bổ hư ôn trung, ấm dạ dày, cường gân cốt. Ngoài ra, canh gà, súp gà, cháo gà được tăng cường những gia vị cay ấm và ăn ngay lúc còn nóng có tác dụng làm ra mồ hôi, điều mà y học phương Đông gọi là giải cảm ở giai đoạn đầu khi bệnh còn chưa vào sâu trong cơ thể.
Còn ở thời hiện đại, các bà mẹ Việt đã thêm nhiều nguyên liệu vào nồi canh gà như khoai tây, cà rốt, tiêu, hành lá… không chỉ làm ngon miệng, kích thích tiêu hóa mà còn cung cấp thêm những chất sinh tố, chất khoáng và chất chống ôxy hóa để tăng cường tác dụng kháng viêm hoặc sát trùng đường hô hấp.
Từ xa xưa, ông cha ta đã biết nấu canh gà để phòng ngừa cũng như đẩy lùi cảm cúm.
Còn ở Trung Quốc, vào thời cổ đại, canh gà được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh. Đến thế kỷ 2 trước Công nguyên, cuốn sách y thời cổ Trung Quốc "Hoàng Đế Nội Kinh" có ghi súp gà thuộc thực phẩm nhiệt, tức là món ăn nóng. Trong đó, các thảo dược được cho thêm vào món canh có thể chữa trị nhiều bệnh.
Hiện nay, canh gà vẫn là món ăn chính trong thực đơn bồi dưỡng dành cho thai phụ và người cao tuổi. Không những thế, canh gà được đánh giá là vị thuốc giải cảm cực tốt.
Khoa học lí giải tại sao ăn canh gà giúp giải cảm
"Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu thú vị cách đây 40 năm ở Bãi biển Miami (Mỹ), nơi mà rất đông người dân Do Thái một mực tin vào món canh gà. Họ gọi đó là penicilin của người Do Thái", bác sĩ Kiumars Saketkhoo, một chuyên gia về phổi thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe PIH Health cho biết.
Trong nghiên cứu đó, các hạt nhỏ li ti, được coi là một loại vi khuẩn hoặc virus, đã được đưa vào mũi của 15 người tình nguyện khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã đo hoạt động của các hạt khi chúng được đưa trước và sau khi những tình nguyện viên uống nước lạnh, nước nóng và canh gà.
Kết quả là canh gà nóng hiệu quả hơn nước nóng trong việc kích thích "hệ thống xử lý chất dơ bẩn và chất nhớt", vốn di chuyển trong đường hô hấp trên và dưới, từ đó giúp cơ thể loại bỏ các hạt nhỏ li ti và viêm nhiễm.
"Hệ thống này rất quan trọng trong việc loại bỏ tất cả các loại nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cảm lạnh. Bất cứ thứ gì có thể làm cho đường thở sạch nhanh hơn đều có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng hoặc loại bỏ viêm nhiễm đang tồn tại", bác sĩ Saketkhoo cho biết.
Nhấm nháp những thìa canh gà sẽ giúp làm ấm quanh vùng họng mũi, từ đó có thể giúp cải thiện triệu chứng, bác sĩ Saketkhoo giải thích. Điều này có thể giải thích tại sao nước lạnh lại kém hiệu quả trong nghiên cứu này.
Canh gà được xem là penicilin của người Do Thái.
Vào năm 2000, một nghiên cứu khác được đăng trên Tạp chí Y học Chest cho thấy canh gà chứa các chất kháng viêm, từ đó có thể làm dịu các triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên.
Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu sự chuyển động của bạch cầu trung tính - một loại bạch cầu phổ biến trong máu, có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng- khi một người ăn canh.
Họ phát hiện sự chuyển động này giảm xuống khi món canh này đi vào cơ thể, từ đó giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh ở đường hô hấp trên.
"Rõ ràng những nguyên liệu có trong bát canh có thể ảnh hưởng tới các tế bào trong cơ thể, từ đó có tác dụng chữa bệnh", bác sĩ Stephen Rennard thuộc trường Đại học Nebraska (Mỹ), tác giả nghiên cứu cho biết.
Bởi vì nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm, chưa triển khai ở con người nên bác sĩ Rennard đã cẩn thận xem xét liệu con người cũng có thể hấp thụ các chất để chữa bệnh giống như đã xảy ra trong phòng thí nghiệm hay không.
"Món canh gà có thể làm được nhiều nguyên liệu và tôi chưa rõ thành phần nào tạo nên món ăn có khả năng chống cảm cúm hiệu quả.
Nhưng rõ ràng hương thơm, gia vị và hơi nóng từ món canh gà có thể giúp làm sạch xoang và cải thiện triệu chứng nhiễm trùng ở những người có vấn đề hô hấp", bác sĩ Rennard nhận định.
Hướng dẫn chế biến một bát canh gà bổ dưỡng
Gạt bỏ những nghiên cứu, các chuyên gia dinh dưỡng đồng ý rằng mỗi khi bị ốm, chúng ta nên ăn một bát canh gà.
"Canh gà là một món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt thích hợp với những người không muốn ăn", Kristen Smith, chuyên gia dinh dưỡng kiêm người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng nói.
Hầu hết món canh gà chứa nhiều nguyên liệu cung cấp vô số vitamin và khoáng chất, theo bà Smith. Ví dụ, cà rôt giàu vitamin A, một chất có vai trò trong đáp ứng miễn dịch.
Thịt gà chứa kẽm, có thể giúp chống lại cảm lạnh khi tiêu thụ với số lượng lớn. Loại gia cầm này có thể giúp sửa chữa các mô cơ thể và chứa các amino acid cysteine, vốn được chứng minh là cải thiện cảm cúm.
Công thức chế biến món canh gà gia truyền của bác sĩ Stephen Rennard.
Nguyên liệu:
- 0,4-0,5 kg gà quay hoặc gà nướng
- 1 gói cánh gà
- 3 củ hành lớn
- 1 củ khoai lang lớn
- 3 củ cải vàng
- 2 củ cải trắng
- 11 -12 củ cà rốt lớn.
- 5-6 cây cần tây
- 1 nắm mùi tây
- Muối và tiêu để nêm nếm
Hướng dẫn thực hiện:
- Rửa sạch gà, bỏ vào một nồi lớn, cho nước lã vào ngập gà và bắc lên bếp để nấu.
- Cho thêm cánh gà, hành, khoai lang, củ cải trắng, củ cải vàng và cà rốt đã thái nhỏ vào nồi. Nấu khoảng 1h30 phút. Vớt bọt nổi trên bề mặt.
- Cho mùi tây và cần tây vào. Nấu tiếp thêm 45 phút.
- Vớt gà ra. Gà không còn được sử dụng cho các bước sau.
- Cho rau củ vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn hoặc bằm nhỏ.
- Thêm muối và tiêu vừa dùng.
Cách chế biến món canh gà gia truyền.
* Theo CNN, Daily Mail