Từ hàng ngàn năm nay, các nền y học cổ truyền phương Đông đã sử dụng nhiều loại thảo mộc và gia vị có tác dụng chống viêm cũng như giảm đau.
Bên cạnh đó, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, yoga, thiền... cũng được sử dụng rất phổ biến, đem lại rất nhiều hiệu quả trong giảm đau và chữa bệnh.
Tất cả các liệu pháp kể trên ngày nay được xem như những liệu pháp thay thế hoặc kết hợp (alternative medicine), khi sử dụng cùng với y học hiện đại sẽ mang lại hiệu quả hoàn hảo cho điều trị bệnh, đặc biệt là các tình trạng bệnh mạn tính.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những liệu pháp giảm đau tự nhiên không dùng thuốc, giúp bạn giảm đau hiệu quả mà lại ít tác dụng phụ và thường có sẵn quanh bạn.
Sử dụng hợp lý chườm nóng và lạnh
Chườm nóng và lạnh là cách khắc phục cơn đau tại nhà phổ biến nhất. Một vài lưu ý nho nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn dùng chườm nóng và chườm lạnh tốt hơn.
Đặt một túi chườm lạnh trực tiếp lên vị trí đau trong các trường hợp đau gân, cơ và dây chằng để giảm viêm và sưng đau. Điều thú vị là khi viêm và đau đã biến mất thì lại nên dùng chườm nóng để giúp làm giảm căng cơ, giảm căng cứng gân.
Chườm lạnh trong một thời gian ngắn trên trán cũng có thể làm giảm triệu chứng cơn đau đầu. Nếu bạn có các vấn đề về viêm khớp, sử dụng nhiệt và ẩm cho khớp bị viêm (khăn/túi chườm ẩm và nóng) sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn so với dùng chườm lạnh.
Túi chườm nhiệt có thể được làm ấm trong lò vi sóng và sử dụng nhiều lần.
Trước khi bắt đầu chườm nóng hoặc chườm lạnh, hãy hỏi bác sỹ về biện pháp phù hợp nhất với mình.
Chườm nóng và lạnh là cách khắc phục cơn đau tại nhà phổ biến nhất.
Châm cứu
Châm cứu về bản chất là hiện tượng giải phóng các nguồn năng lượng của cơ thể bằng cách kích thích vào các huyệt đạo nằm trên 14 đường kinh mạch của cơ thể.
Các nhà khoa học cho rằng các đầu kim khi châm vào huyệt đạo sẽ kích thích làm cơ thể giải phóng hoocmôn endorphin – một loại hoocmôn được coi như thuốc giảm đau tự nhiên và có thể làm tăng lưu lượng máu, thay đổi hoạt động của não bộ, do vậy thường có tác dụng giảm đau.
Các cây kim dùng để châm cứu thường rất mảnh nên mọi người thường không cảm thấy đau hoặc đau rất ít. Họ thường cảm thấy tràn đầy năng lượng và thoải mái sau khi được châm cứu.
Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy châm cứu có tác dụng giảm đau liên quan đến một số bệnh như viêm khớp, đau nửa đầu, và các cơn đau mãn tính khác.
Châm cứu có tác dụng giảm đau liên quan đến một số bệnh như viêm khớp, đau nửa đầu, và các cơn đau mãn tính khác.
Nghệ
Nghệ là một loại gia vị phổ biến, có màu vàng và hương vị độc đáo. Trong nghệ có chứa hợp chất curcumin - một chất chống oxy hoá, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây tác hại xấu đến tế bào và mô.
Củ nghệ cũng có thể được sử dụng trong liệu pháp điều trị nhiều căn bệnh như:
Khó tiêu, đầy chướng bụng Giảm bớt các tổn thương trên da trong bệnh vẩy nến Giảm nhẹ triệu chứng một số loại khối u, ung thư Một số bệnh nhân viêm khớp cũng sử dụng nghệ như một liệu pháp giảm đau tự nhiên vì nó giúp giảm phản ứng viêm.
Vỏ cây liễu
Từ lâu người ta đã sử dụng vỏ cây liễu để làm giảm viêm, nguyên nhân phổ biến gây ra đau nhức. Vỏ cây liễu trắng chứa salicin, tương tự như thành phần chính của thuốc aspirin. Trước đây người ta thường nhai vỏ cây để làm giảm đau và sốt.
Hiện tại vỏ cây liễu được bán như một loại thảo mộc khô mà bạn có thể pha để uống như trà. Chiết xuất từ vỏ cây liễu cũng có thể được chế biến thành dạng lỏng hoặc bọc trong viên nang.
Bạn có thể sử dụng vỏ cây liễu để giảm các triệu chứng khó chịu của đau đầu, đau lưng dưới, viêm khớp… Tuy nhiên, lạm dụng vỏ cây liễu cũng dẫn đến các nguy cơ của các tác dụng phụ như khó tiêu, ảnh hưởng đến chức năng thận và làm máu khó đông giống như là khi sử dụng thuốc aspirin.
Thông thường vỏ cây liễu chỉ nên dành cho người lớn. Tương tự như việc dùng aspirin với liều lượng lớn gây hại cho trẻ em, thì vỏ cây liễu cũng có thể gây độc cho trẻ.
Nếu bạn dị ứng với aspirin, hoặc nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn (OTC) để chống viêm (như aspirin, ibuprofen, hoặc naproxen), bạn không nên sử dụng vỏ cây liễu.
Bạn cũng nên tránh dùng vỏ cây liễu nếu bạn đang dùng warfarin (Coumadin) hoặc các thuốc chống đông máu khác, vì salicin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Hỏi ý kiến bác sỹ trước khi dùng vỏ cây liễu nếu bạn đang dùng các thuốc chống viêm hoặc giảm đau khác.
Vỏ cây liễu trắng chứa salicin, tương tự như thành phần chính của thuốc aspirin.
Đinh hương
Toàn bộ cây đinh hương thường được sử dụng để làm gia vị. Đinh hương còn được dùng trong sản xuất bánh và bổ sung vào nhiều thực phẩm khác. Khi sử dụng như một vị thuốc, đinh hương thường ở dạng viên nang, bột hoặc dầu.
Giống như các loại thảo dược khác, đinh hương dùng để điều trị một loạt các triệu chứng. Đinh hương có thể giúp giảm buồn nôn và có tác dụng trong điều trị cảm. Ngoài ra nó còn có thể giảm các triệu chứng đau liên quan đến đau đầu, viêm khớp, và đau răng.
Một số kết quả nghiên cứu còn cho thấy đinh hương có thể được sử dụng để điều trị nhiễm nấm, nhưng cần thêm các nghiên cứu để khẳng định điều này.
Thành phần hoạt chất trong đinh hương là eugenol, là một chất giảm đau tự nhiên, chất này cũng được sử dụng trong các loại thuốc giảm đau không kê đơn.
Xoa một lượng nhỏ dầu đinh hương trên lợi có tác dụng giảm đau răng tạm thời cho đến khi bạn có thể đến gặp nha sỹ. Nhưng sử dụng quá nhiều dầu đinh hương có thể làm tổn thương lợi của bạn, vì vậy hãy hỏi ý kiến nha sỹ trước khi sử dụng tại nhà.
Những người bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng các thuốc làm loãng máu hãy thận trọng và tốt nhất là tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng bất kỳ một chế phẩm có đinh hương nào.
Đinh hương có thể giúp giảm buồn nôn và có tác dụng trong điều trị cảm. Ngoài ra nó còn có thể giảm các triệu chứng đau liên quan đến đau đầu, viêm khớp, và đau răng....
Những lưu ý khi sử dụng các liệu pháp giảm đau tự nhiên
Các liệu pháp giảm đau tự nhiên trên đây chỉ có hiệu quả với một số cơn đau nhất định. Có thể rằng tất cả các liệu pháp này không có hiệu quả đối với bạn. Tuy nhiên, các liệu pháp giảm đau tự nhiên ít nhất có thể cung cấp cho bạn một số lựa chọn phong phú để thử trước khi bạn chuyển sang sử dụng thuốc.
Hãy nhớ rằng, đau là dấu hiệu của cơ thể cảnh báo rằng có điều gì đó không ổn. Đau có thể là tạm thời, ví dụ như căng cơ. Nhưng đau cũng có thể là cảnh báo của một vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng cần sự can thiệp y tế.
Đừng ngần ngại khi tìm kiếm dịch vụ y tế để chẩn đoán nguồn gốc của cơn đau của bạn, và cũng đừng ngần ngại khi thảo luận với bác sỹ về một số liệu pháp tự nhiên trong quá trình điều trị.