Ngộ độc, nhiễm trùng máu vì tôm bơm tạp chất, sự thật hãi hùng sau món thạch nhiều màu

Linh Chi |

Tôm ngâm trong hàn the, ure làm tăng khả năng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, bệnh gan, thận...

Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 30:

• Nguy cơ ngộ độc, tiêu chảy và nhiễm trùng máu vì ăn phải tôm bơm tạp chất

• Nhật Bản trừng phạt kẻ sản xuất thực phẩm bẩn như thế nào?

• Phạt tới 200 triệu đồng đối với vi phạm về an toàn thực phẩm

Ẩn họa từ thạch và sương sáo nhiều màu sắc ngoài chợ

• Công khai cơ sở làm bánh trung thu vi phạm an toàn thực phẩm

• Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tuần qua

Nguy cơ ngộ độc, tiêu chảy và nhiễm trùng máu vì ăn phải tôm bơm tạp chất

Chiều ngày 7/9, Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu đã bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở thu mua tôm do ông Đoàn Văn Phục (SN 1981, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải) làm chủ, bắt quả tang một số công nhân đang bơm tạp chất vào tôm sú nguyên liệu.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hơn 63 ký tôm sú đã được bơm tạp chất CMC, nhiều thau chứa CMC đã pha nước, một số ống bơm, hơn 9 ký bột CMC khô… cùng một số dụng cụ khác phục vụ cho việc bơm tạp chất vào tôm.

Ngộ độc, nhiễm trùng máu vì tôm bơm tạp chất, sự thật hãi hùng sau món thạch nhiều màu - Ảnh 2.

Bơm tiêm và dung dịch để bơm tạp chất vào tôm

CMC (Carboxymethyl Cellulose) là chế phẩm ở dạng bột trắng - hơi vàng, hầu như không có mùi hạt hút ẩm. Đây là chất có thể tan trong nước nóng và lạnh. Chúng có thể đông khối và có sức kết nối lớn với ẩm độ cao (98%), đồng thời tạo độ nhớt nên rất thích hợp bơm vào tôm tạo "thịt giả", giúp tăng trọng lượng.

Ngoài ra, để giữ được vẻ bề ngoài cho tôm tươi lâu hơn, nhiều thương lái còn dùng hàn the, diêm tiêu, ure… để ướp tôm. Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…

Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…

Nhật Bản trừng phạt kẻ sản xuất thực phẩm bẩn như thế nào?

Nhật Bản cho phép các công ty tự chịu trách nhiệm về chất lượng vệ sinh thực phẩm bán ra thị trường, nhưng cũng đồng thời áp dụng cơ chế giám sát toàn diện, chi tiết và áp dụng mức phạt nặng với những tổ chức cá nhân không tuân thủ quy định.

Những cửa hàng đồ ăn, những siêu thị thực phẩm hiện diện ở mọi nơi trên đất nước Nhật Bản, nhưng hiếm khi có báo cáo về tình trạng ngộ độc thực phẩm. Tại Nhật Bản, về cơ bản các doanh nghiệp tự quản lý chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường, tuy nhiên các sản phẩm này phải đáp ứng các tiêu chuẩn vô cùng nghiêm khắc về chất lượng.

Ngộ độc, nhiễm trùng máu vì tôm bơm tạp chất, sự thật hãi hùng sau món thạch nhiều màu - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ chất lượng về sinh an toàn thực phẩm ngay từ những bước đầu tiên là trồng trọt và chăn nuôi. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành tiêu chuẩn cụ thể với dư lượng của 250 thuốc trừ sâu và những nông sản phẩm nào có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng sẽ không được bán ra thị trường.

Trong khi giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản tiến hành hậu kiểm một cách thường xuyên. Mỗi năm một lần, cơ quan chức năng lại tiến hành thanh tra các công ty thực phẩm theo năm tiêu chí: chất lượng vệ sinh thiết bị sản xuất, chất lượng vệ sinh cơ sở sản xuất, chất lượng nguyên liệu, chất lượng nước và an toàn lao động.

Những công ty nào không đạt chuẩn sẽ bị rút giấy phép và bị phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng. Mức phạt tù có thể lên đến 10 năm và số tiền lên đến 3 triệu Yen, tương đương gần 30.000 USD.

Do phải đối mặt với mức án phạt nghiêm khắc nếu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nên các công ty đều chú ý tuyển dụng các chuyên viên vệ sinh thực phẩm được đào tạo kỹ lưỡng, vượt qua các kỳ sát hạch do nhà nước tiến hành và được cấp bằng hành nghề có kỳ hạn 3 năm.

Việt Nam thì sao?

Thông tin từ Bộ Công thương, Bộ này đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định số 178/2013/NĐ-CP).

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Ngộ độc, nhiễm trùng máu vì tôm bơm tạp chất, sự thật hãi hùng sau món thạch nhiều màu - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

- Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Nghị định này quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức, theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

Thạch và sương sáo nhiều màu sắc ngoài chợ: Miệng thấy ngon nhưng bụng thấy đau!

Thạch là món ăn hấp dẫn và dễ ăn. Nhưng nếu có ý định ăn thạch mua ngoài chợ, bạn cũng nên chuẩn bị đối phó với bệnh đường ruột.

Có 3 lý do dẫn tới điều này: làm thủ công nên khó đảm bảo quy trình tiêu chuẩn vệ sinh; sự pha chế không đúng theo quy định mà chỉ làm áng chừng nên nhiều khi vượt mức chỉ tiêu cho phép về các phụ gia thực phẩm; liều mình bỏ vào các chất mà nhiều khi các nhà khoa học thực phẩm cũng không thể ngờ được lại có chất hóa học trong đó.

Ngộ độc, nhiễm trùng máu vì tôm bơm tạp chất, sự thật hãi hùng sau món thạch nhiều màu - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Ở các công ty thực phẩm chuyên nghiệp, thạch được sản xuất theo một quy trình khép kín, tự động và kiểm duyệt khắt khe; nên các tiêu chuẩn vệ sinh dinh dưỡng rất cần được đảm bảo. Nhưng với các thạch chợ làm thủ công, quy trình làm thạch rất đơn giản. Tệ hại nhất là chủ lò mua ngay các gói bột làm thạch có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trên các gói này chỉ duy nhất có chữ "agar powder" là bằng tiếng Anh, còn toàn chữ Trung Quốc. Chủ lò cũng chỉ biết người bán nói là bột thạch chứ cũng không hoàn toàn biết đó là bột gì. Có khi nó chẳng phải là bột agar mà lại là những phụ gia làm dày và làm đặc khác như đã nói ở trên.

Sau đó, chủ lò mang gói bột này về, múc nước lã vào thùng, không biết có sạch hay không, khuấy lên. Đến khi bột tan thì cho vào nồi nước lớn, cũng không biết vệ sinh thế nào, có dầu mỡ hoặc chất bẩn hay không, đun sôi và quấy tan.

Sau khi nước sôi chừng dăm phút, người ta để nguội bớt rồi đổ ra xô, thùng, gầu, chậu, lọ rồi mang ra chợ bán. Chịu khó hơn thì có thợ lò sẽ cho cắt nhỏ bằng máy thành những thỏi thạch nhỏ, rồi đem đi tiêu thụ. Lúc chở đi thì thạch được chuyên chở không khác gì thồ xe thồ lúa. Bao nhiêu bụi đường bám hết.

Có chủ lò sản xuất khá hơn thì dùng ngay nguyên liệu là thực vật trong nước hoặc thu mua ở đâu đó rồi đem về chế biến. Họ chỉ cần phơi tái lá găng hoặc lá sương sáo. Sau đó rửa sạch, vò lá vào nước lọc sạch cho nát ra.

Bột từ lá có chứa rất nhiều chất agar. Lọc lấy nước trong. Họ cho vào nồi đun lên cho chín rồi để nguội, đổ ra các xô thùng gầu chậu ở trên. Khâu mất vệ sinh chính là khâu vò lá. Người ta có thể dùng tay để vò, dùng chân để giẫm đạp, nói chuyện, nước bọt nước mũi chảy cả vào thau chứa nước lá cây.

Sẽ không cần nói thêm về những nguy cơ bạn phải hứng chịu. Miệng bạn thấy ngon nhưng bụng bạn thấy đau.

Công khai cơ sở làm bánh trung thu vi phạm an toàn thực phẩm

Theo thông tin trên báo Phụ nữ Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết, Tết Trung thu đang đến gần. Vì vậy, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến.

Nguy cơ các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm giả, nhái và sản phẩm không có nguồn xuất xứ xuất hiện trên thị trường trong dịp này là rất cao.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cần tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm; tuyên truyền các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, về sử dụng phẩm màu, hương liệu...

Trường hợp phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm ngoài xử phạt theo quy định còn công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trứng bẩn nhiễm thuốc trừ sâu đã lan rộng ra 45 nước châu Âu

Báo điện tử VOV đưa tin, tính đến ngày 5/9, trứng nhiễm Fipronil bắt nguồn từ Hà Lan đã được phát hiện tại 45 quốc gia, bao gồm 26 trong số 28 nước thành viên của EU.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Nông nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang có cuộc gặp tại thủ đô Tallinn của Estonia để bàn về vấn đề trứng nhiễm bẩn vốn gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.

Bộ trưởng các vấn đề nông thôn của Estonia, Tarmo Tamm nhấn mạnh, nhu cầu cấp thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước thành viên EU sau vụ bê bối trứng "bẩn" nhiễm chất Fipronil.

Ngộ độc, nhiễm trùng máu vì tôm bơm tạp chất, sự thật hãi hùng sau món thạch nhiều màu - Ảnh 7.

(Ảnh minh họa)

"Sức khỏe của công dân EU là điều vô cùng quan trọng đối với chúng tôi", ông Tarmo Tamm cho biết.

Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis cho biết, tác động của việc sử dụng bất hợp pháp chất Fipronil đã lên tới quy mô toàn châu Âu, với hàng trăm trang trại bị đóng cửa.

Trong số 45 nước phát hiện trứng "bẩn", có 26 nước thuộc Liên minh châu Âu và 19 nước ngoài khối này. Con số này gia tăng so với 35 nước bị phát hiện trứng bẩn được ghi nhận hồi tuần trước.

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tuần qua

- Gần 40 học sinh Yên Bái nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm. Theo thông tin ban đầu, sau bữa cơm trưa ngày khai giảng 5/9, 38 học sinh trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã được đưa đi cấp cứu với các biểu hiện buồn nôn, đau đầu, đi ngoài... (Đọc tin chính)

- Ăn bánh giầy nhiễm khuẩn, 41 người nhập viện sau đám cưới. Vào khoảng 15h30 ngày 7/9, sau khi dùng cỗ đám cưới tại một gia đình ở xã Na Hối, Bắc Hà, Lào Cai, 41 người trong đó có 23 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống phải nhập viện cấp cứu. (Đọc tin chính)

- Đi ăn cưới, 185 người bị ngộ độc vì món gà luộc. Chiều 5/9, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết đã có kết quả điều tra chính thức về vụ 185 người nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới xảy ra ngày 26/8 là do... món gà luộc bị nhiễm độc tố vi khuẩn tụ cầu vàng. (Đọc tin chính)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại