Mẹ không làm việc quan trọng này khi mang thai, con có thể gặp nguy hiểm

Thảo Nguyên |

Theo PGS.TS Vũ Bá Quyết – Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, khi bắt đầu có bầu, người mẹ phải bổ sung sắt và axit folic ngay, chưa cần bổ sung canxi vội.

Bài học từ bà mẹ hai con

Hai lần mang bầu sinh con, chị Hoàng Thuý Hà trú tại Tân Mai, Hà Nội đều sinh non. Cháu đầu nhà chị được 34 tuần phải mổ cấp cứu, cháu thứ 2 chỉ được 32 tuần, cân nặng 2,3 kg.

Sau khi sinh con thiếu tháng, chị Hà lúc nào cũng mệt mỏi vì con hay ốm nhất là cháu thứ 2. Từ khi sinh ra cuối năm 2013 chưa có dịch nào mà cháu không bị, từ dịch do vi rút đến do vi khuẩn cháu đều bị. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy giảm miễn dịch do thiếu sắt.

Chị Hà vô cùng ân hận. Điều khiến chị ân hận nhất đó là khi bầu con, chị không uống thuốc sắt dẫn đến thiếu sắt cho con, ảnh hưởng tới quá trình tạo máu và các enzym.

Lúc mang bầu, mỗi lần dùng sắt, chị Hà hay bị đầy bụng, táo bón, khó tiêu đủ các triệu chứng nên chị sợ sắt mà chỉ uống canxi.

Khi được bác sĩ tư vấn, chị rất ân hận vì có thể "cái sợ" của mình mà dẫn đến sức khoẻ của con không được tốt. Hầu như tháng nào cháu cũng bị ốm.

Cùng hoàn cảnh với con chị Hà, cháu Ngô Mạnh Hữu – 5 tuổi, Phù Minh, Thái Nguyên cũng vào viện như cơm bữa chỉ vì suy giảm miễn dịch.

Bố mẹ của cháu kể, hầu như năm nào cháu cũng đi viện vài lần, nhẹ viêm phổi, viêm tai giữa, viêm hô hấp thì điều trị ở dưới tỉnh đến khi viêm màng não mủ phải lên tận Hà Nội.

Mỗi lần đi viện là một lần khốn khổ với con. Đến khi bác sĩ làm xét nghiệm ra căn nguyên của việc cháu đi viện như cơm bữa là do suy giảm enzym miễn dịch.

Khi được bác sĩ chỉ ra nguyên nhân do thiếu sắt, mẹ của bé Hữu ngây người đây là điều mà chị chưa bao giờ nghĩ tới. 3 lần có bầu, cả ba lần chỉ chẳng biết đến viên thuốc sắt nào, cứ chửa rồi đến khi đau bụng thì đi đẻ.

Mẹ không làm việc quan trọng này khi mang thai, con có thể gặp nguy hiểm - Ảnh 1.

Ảnh hưởng đến con, có thể chết khi lâm bồn

Thiếu sắt gây nên thiếu máu, thiếu máu ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng… vòng luân chuyển cứ theo chu trình khiến sức khoẻ của người bệnh nguy hiểm, nhất là bà bầu và trẻ em.

Theo PGS Vũ Bá Quyết, nguyên nhân gây tai biến sản khoa lớn nhất cũng một phần do thiếu sắt, các bà mẹ nhất là ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam còn ít quan tâm tới yếu tố bổ sung sắt khi mang thai.

Có bà mẹ sợ sắt bởi khi uống vào bị tác dụng phụ, táo bón, buồn nôn… nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, PGS Quyết cho rằng việc cần thiết đầu tiên là bổ sung sắt.

Bởi vì thiếu sắt bà mẹ thiếu máu, sinh non, chất lượng thai nhi kém phát triển do tình trạng thiếu máu.

PGS Quyết cho biết ở Việt Nam có những trường hợp ông gặp là những người bị sảy thai liên tiếp, lưu thai nhiều lần có thể do thiếu sắt.

Không chỉ thế, những bà mẹ khi mang thai thiếu sắt lúc sinh ra con của họ dễ mắc các bệnh tim mạch và đột tử khi trưởng thành. Trẻ sinh ra đã bị khiếm khuyết trong hình tình các myelin.

Còn đối với phụ nữ mang thai khi sinh con có thể bị băng huyết do thiếu sắt, nhiễm trùng, chậm co tử cung. Còn PGS Đào Minh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu sức khoẻ trẻ em, Trưởng khoa Hô Hấp Bệnh viện Nhi, thiếu sắt chính là nguyên nhân gây nên các bệnh nhiễm trùng thường xuyên ở trẻ.

Như trường hợp của hai bé trên do 25% hệ thống enzyme trong cơ thể được hình thành từ sắt. Vì không có sắt nên trẻ nhỏ không hoàn thiện hệ miễn dịch.

PGS Tuấn cho biết trong cơ thể con người thì sắt là 1 trong 3 chất vô cùng quan trọng,(vitamin A, I-ốt, sắt) trong đó sắt dễ hấp thụ và cũng là chất dễ đào thải nhất.

Mẹ không làm việc quan trọng này khi mang thai, con có thể gặp nguy hiểm - Ảnh 2.

Ở trẻ, thiếu sắt sẽ giảm chức năng hiệu quả cơ bắp, thiếu máu thì mọi vận động thể thao, thể dục đều kém vì sắt tạo hemoclobin trong cơ đặc biệt cơ vân, suy giảm khả năng nhận thức, các cơ thần kinh thiếu máu ảnh hưởng đến não bộ, ảnh hưởng tới trạng thái tinh thần.

Đứa trẻ học kém cần nghĩ tới thiếu máu, tổng hợp dây chuyền thần kinh tạo nên sự hưng phấn của hệ thống thần kinh, nhờ hệ cân bằng giao cảm, khó giao cảm, sắt tham gia vào quá trình này.

Các cơ quan muốn hoạt động tốt phải có sự tham gia của sắt, các dịch thể đường hô hấp vô cùng quan trọng, tham gia quá trình chống dị ứng đều cần đến sắt.

PGS Tuấn nhấn mạnh khi thiếu sắt còn gây mất khả năng điều hoà thân nhiệt, ảnh hưởng chéo khi thiếu sắt, nguy cơ tăng ngộ độc, ngộ độc chì dễ sảy ra.

Sắt càng thấp, tỷ lệ chì càng cao trong cơ thể, tổn thương tiêu hoá do thiếu sắt dễ ngộ độc chì, ngộ độc chì rất khó hồi phục, thiếu sắt còn bổ sung được nhưng khi ngộ độc chì rất khó phục hồi.

Chính vì thế, bất cứ bà mẹ nào ngay từ khi mang thai cũng phải nhớ bổ sung sắt bằng mọi cách từ thực phẩm ăn nhiều thịt đỏ đến uống thêm sắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại