Sữa chua được coi như "thần dược" cho sức khỏe. (ảnh ST)
Tại Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 2023 (29/5) với chủ đề "Khoẻ tiêu hoá, khỏe đề kháng", các chuyên gia dinh dưỡng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc bổ sung probiotic trong bữa ăn hàng ngày.
PGS.TS Trần Như Dương, Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho biết khoảng 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm ở đường ruột. Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ làm tăng vi khuẩn có lợi hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Như vậy, chế độ dinh dưỡng đa dạng sẽ giúp cho đường tiêu hóa khỏe mạnh.
Ngoài ra, các nghiên cứu mới cũng chỉ ra mối liên hệ giữa hệ thần kinh ruột với thần kinh trung ương mang tính chất hai chiều và được gọi là trục não ruột.
Theo đó, não bộ tác động lên các hoạt động, chức năng của ruột; và ngược lại, hệ thần kinh ruột, với sự hỗ trợ đắc lực của hệ vi sinh đường ruột, cũng tương tác, kết nối tự động với thần kinh trung ương để không chỉ tối ưu hiệu quả quá trình tiêu hóa - miễn dịch mà còn tác động tích cực đến nhận thức - cảm xúc và hành vi.
PGS.TS Trần Như Dương cho hay dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới hệ vi khuẩn của đường ruột. Một chế độ ăn uống đa dạng 4 nhóm thực phẩm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất… sẽ góp phần xây dựng hệ miễn dịch của cơ thể.
Để tăng cường lợi khuẩn đường ruột, theo ông Dương, mọi người nên bổ sung các sản phẩm có probiotic (ví dụ như sữa chua). Probiotic giúp điều chỉnh vi khuẩn đường ruột, giảm nguy cơ mắc các bệnh, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, việc sử dụng các sản phẩm sữa chua đầu tiên trong chế độ ăn uống của con người có thể bắt nguồn từ thời kỳ Tân Đồ Đá. Khi đó, những người chăn gia súc ở Trung Đông tình cờ phát hiện ra sữa chua sau khi đựng sữa trong những chiếc túi làm bằng ruột động vật. Họ thấy loại sữa đựng trong những chiếc túi này ăn ngon và mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khoẻ.
Theo truyền thuyết, Thành Cát Tư Hãn còn cho quân đội của mình ăn sữa chua, với niềm tin sữa chua truyền sức mạnh và lòng dũng cảm. Đến thế kỷ 16, Vua Pháp François Đệ Nhất bắt đầu đưa sữa chua vào Tây Âu, sau khi ông được một bác sĩ từ Thổ Nhĩ Kỳ cho dùng nó như một phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy nặng.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho biết thêm đường ruột có vai trò quan trọng - tiếp nhận dinh dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể. Do vậy, đường ruột khỏe giúp cho vi chất dinh dưỡng được hấp thu đầy đủ, tăng cường đề kháng, chống lại các nhiễm trùng.
Để tăng cường sức khỏe tiêu hóa cũng như sức đề kháng cho cơ thể, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị sử dụng thực phẩm giàu probiotic hàng ngày, nhằm tối ưu hệ vi sinh đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó nâng cao đề kháng, phòng chống bệnh tật, cho cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày.
Bảo quản sữa chua để đảm bảo an toàn
Liên quan tới vấn đề nhiều trẻ bị ngộ độc do ăn sữa chua tự làm tại trường học, PGS.TS.BS Lâm cho biết khi tự làm sữa chua, nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh, bảo quản không tốt thì sản phẩm có thể nhiễm các vi khuẩn có hại gây ra ngộ độc. Ngoài ra, việc không bảo quản tốt sẽ làm giảm đi chủng men tốt.
Sữa chua nên bảo quản kín ở nhiệt độ 4-8 độ C. Với nhiệt độ này, sữa chua không bị đóng đá, vẫn giữ được độ mềm mịn, ngon.
Theo PGS Lâm, chế độ ăn đa dạng đủ 4 nhóm thực phẩm, tăng cường rau xanh và quả chín mỗi ngày là "chìa khóa vàng" nâng cao sức khỏe đường tiêu hoá. Mọi người nên ăn từ 15 đến 20 thực phẩm/ngày, tùy theo nhóm tuổi nên có các chế biến phù hợp.
"Vào mùa hè cần lưu ý nên chế biến món ăn mềm, lỏng. Lưu ý cần đủ rau xanh, quả chín. Thực phẩm giàu chất xơ chính là thức ăn cho các lợi khuẩn đường tiêu hoá. Nếu có điều kiện nên bổ sung 1-2 hộp sữa chua vào chế độ ăn để tốt cho sức khỏe tiêu hoá", PGS Lâm nói.