Ông Trump lại gây bão vì "xuyên tạc" lịch sử?
Theo Washington Post, trong cuộc họp nội các ngày thứ 4 (2/1) vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có rất nhiều phát biểu kì lạ về các chủ đề được đưa ra tranh luận, nhưng kì lạ nhất có lẽ vẫn là "bài học lịch sử" về sự sụp đổ của Liên Xô được ông sử dụng để lí giải cho quyết định rút quân khỏi Afghanistan của mình.
Với lập luận rằng Nga, Ấn Độ và Pakistan gần gũi với Afghanistan hơn về vị trí địa lí, do đó các quốc gia này phải có trách nhiệm tiêu diệt khủng bố chứ không phải Mỹ, ông Trump đã đưa ra "phiên bản" của riêng mình về sự sụp đổ của Liên Xô (với nguyên nhân là Afghanistan):
"Trước đây Nga từng là Liên bang Xô viết. Chính Afghanistan đã biến họ thành Nga, bởi họ đã trở nên khánh kiệt sau khi tham chiến tại Afghanistan. Nước Nga.
... Lí do Nga tới Afghanistan là bởi lực lượng khủng bố đã tràn sang Nga. Họ đã đúng khi tới đó [Afghanistan]. Vấn đề là, cuộc chiến đó rất khó khăn. Và họ thực sự đã khánh kiệt, nên họ đành phải quay lại với thân phận nước Nga chứ không được làm Liên Xô nữa. Mọi người biết đấy, rất nhiều nơi trên thế giới hiện nay không còn thuộc về Nga nữa chính là vì Afghanistan đấy."
Thực tế, theo Washington Post, hai sự kiện Liên Xô can thiệp quân sự vào Afghanistan trong giai đoạn 1979-1989 và sụp đổ vào năm 1991 tuy có tính tiếp nối, nhưng không có mối quan hệ nguyên nhân - kết quả trực tiếp. Trái lại, trong phiên bản của ông Trump, thì việc Liên Xô tham chiến tại Afghanistan đã trực tiếp khiến liên minh này sụp đổ.
Tất nhiên, phát biểu của ông Trump về Liên Xô và Afghanistan đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Mỹ, không chỉ bởi ông phát biểu sai về sự kiện lịch sử, mà nhiều ý kiến còn cho rằng vị Tổng thống này đã làm trái với lập trường của Mỹ, đi ngược lại chính sách của cựu Tổng thống Ronald Reagan về việc Liên Xô can thiệp vào Afghanistan năm 1979, theo CNN.
Ông David Frum, người từng viết diễn văn cho cựu Tổng thống George W. Bush và hiện là cây viết của tờ The Atlantic đã bày tỏ sự phẫn nộ của mình trên tài khoản Twitter: "Rốt cuộc ông [Trump] đang theo phe nào vậy?"
Còn ông Michael Medved, cây bút của tờ USA Today, thì bình luận rằng vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã đi ngược lại chính sách của những người tiền nhiệm có xuất thân từ đảng Dân chủ là các cựu Tổng thống Ronald Reagan, George H.W. Bush và Jimmy Carter.
Ông Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, và một trong những phát biểu mới nhất của ông về vấn đề này là tuyên bố về kế hoạch rút nửa số binh lính Mỹ khỏi quốc gia Nam Trung Á này.
Quyết định trên đã được đưa ra vào tháng trước, gần thời điểm ông Trump tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Syria - những động thái này đã trở thành giọt nước tràn ly, khiến Tướng James Mattis quyết định nộp đơn từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vì lí do bất đồng quan điểm với Tổng thống.
Trong cuộc họp nội các hôm thứ 4 (2/1) vừa qua, ông Trump lại một lần nữa chỉ trích Tướng Mattis, đặc biệt là cách xử lý vấn đề Afghanistan của vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng.
"Ông ta đã làm được gì cho tôi? Ông ta đã làm được những gì ở Afghanistan? Không thể nói [những quyết định của ông Mattis] là 'tốt' được. Tôi không hài lòng về những việc ông ta đã làm ở Afghanistan", ông Trump phát biểu trước các quan chức Mỹ.
Theo CNN, Mỹ hiện có khoảng 14.000 binh sĩ đóng quân tại Afghanistan, phần lớn lực lượng này tham gia huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ các lực lượng của Afghanistan trong một chương trình của NATO. Mối quan hệ với NATO có thể sẽ khiến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trở nên phức tạp hơn, CNN kết luận.
Tổng thống Trump. Ảnh: AP.
Hội đồng Liên bang Nga: Ông Trump không nên thảo luận về lí do Liên Xô sụp đổ nữa
Trong 10 năm "sa lầy" trong cuộc chiến đẫm máu ở Afghanistan, Liên Xô đã phải chịu rất nhiều tổn thất về xương máu: 14.000 binh sĩ Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc chiến này, trước khi đội quân 100.000 người hùng mạnh của họ buộc phải rút khỏi Afghanistan.
Hơn nữa, CNN cho biết, trái với "phiên bản" của ông Trump, Liên Xô không sụp đổ vì rơi vào cảnh khánh kiệt, và trận chiến ở Afghanistan cũng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra điều đó.
Theo Sputnik, vừa qua, ủy viên Hội đồng Liên bang về Quốc phòng và An ninh Frants Klintsevich đã có phát biểu về câu chuyện được cho là "sai sự thật" của vị Tổng thống Mỹ.
Theo đó, ông khẳng định Liên Xô không sụp đổ vì cuộc chiến ở Afghanistan, mà vì rất nhiều lí do khác, trong đó chủ yếu là những vấn đề kinh tế:
"Thật kì lạ khi Tổng thống Mỹ đánh giá vội vã và nêu lí do dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô chỉ trong một cụm từ như thế. Nói chung, chúng ta sẽ tự mình tìm kiếm và đánh giá những sự kiện lịch sử của mình, trong đó bao gồm cả hậu quả của cuộc chiến tranh tại Afghanistan.
Có lẽ, sẽ tốt hơn nếu như ông Trump tự nhìn nhận và đánh giá về sự can thiệp của quân đội Mỹ tại Iraq, hoặc lệnh cấm vận về mọi mặt đối với Cuba đã kéo dài trong nhiều thập kỷ qua", ông Klintsevich nói.
Liên Xô từng mắc bẫy tại Afghanistan vì Mỹ
Theo RT, cách đây 20 năm, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Le Nouvel Observateur của Pháp năm 1998, ông Zbigniew Brzezinski, cố vấn Tổng thống Mỹ Jimmy Carter phụ trách về an ninh quốc gia từng tiết lộ về vai trò của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong cuộc chiến tại Afghanistan và kế hoạch ông đã trình Tổng thống vào thời điểm đó.
Cụ thể, vào tháng 7/1979, 5 tháng trước khi quân Liên Xô can thiệp vào Afghanistan, các nhân viên của CIA đã được điều tới Kabul với nhiệm vụ ngầm tác động tới tình hình tại đây.
Ngày 3/7/1979, Tổng thống Jimmy Carter đã đưa ra chỉ thị bí mật hỗ trợ các thế lực chống đối chính phủ Afghanistan thân Liên Xô theo lời cố vấn Brzezinski. Cùng ngày, ông Brzezinski đã gửi tờ trình Tổng thống Carter rằng động thái của Mỹ sẽ dẫn đến quyết định can thiệp quân sự của Liên Xô tại Afghanistan, và quả thực điều đó đã xảy ra vào tháng 12/1979.
Trong cuộc phỏng vấn với Le Nouvel Observateur, ông Brzezinski còn cho biết, khi binh sĩ Liên Xô tiến vào lãnh thổ Afghanistan, ông này đã rất vui mừng vì cho rằng đối thủ của Mỹ sẽ sa lầy ở đây rất lâu.
"Thật vậy, trong vòng gần 10 năm, Moskva đã 'sa lầy' trong một cuộc chiến không hề có lợi cho mình, một cuộc xung đột chỉ khiến Liên Xô thêm thoái chí, suy yếu, và cuối cùng khiến cả Liên Xô sụp đổ hoàn toàn", ông Brzezinski nói trong cuộc phỏng vấn với tờ tạp chí Pháp.
Như vậy, "bài học" lịch sử của ông Trump có những điểm khá trùng khớp với tuyên bố của cựu cố vấn Brzezinski.
Tuy vậy, việc hỗ trợ các thế lực chống đối chính phủ không chỉ dừng lại dưới thời Tổng thống Carter, mà còn được tiếp tục dưới thời Tổng thống Ronald Reagan - người đã gửi rất nhiều tiền và các loại vũ khí tới Afghanistan, trong đó bao gồm cả tên lửa phòng không. Một trong những đối tượng nhận được sự "hỗ trợ" này là Osama bin Laden - sai lầm của ông Reagan và nước Mỹ.
Hình ảnh chiến binh thánh chiến Osama bin Laden xuất hiện trên báo Independent của Anh năm 1993. Ảnh: RT.
Những chiến binh thánh chiến đầy tham vọng từ nhiều quốc gia Hồi giáo đã đổ tới Afghanistan để tham chiến. Giữa thập niên 90, sau khi Tổng thống Najibullah bị lật đổ và hành quyết, khiến Afghanistan rơi vào bất ổn vì nội chiến, những chiến binh thánh chiến này đã chuyển mục tiêu sang phương Tây. Năm 1996, trùm khủng bố Bin Laden đã tuyên bố thánh chiến chống Mỹ.
Khi được hỏi về điều này trong cuộc phỏng vấn năm 1998, ông Brzezinski không hề tỏ ra nuối tiếc: "Nuối tiếc gì chứ? Chiến dịch bí mật đó là một ý tưởng xuất sắc. Điều gì quan trọng hơn đối với lịch sử thế giới? Taliban, hay sự sụp đổ của Liên Xô? Giải quyết những người Hồi giáo kích động, hay giải phóng khu vực Trung Âu và chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh?"
Tháng 8 năm đó, Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania đã bị đánh bom khủng bố, và thủ phạm - không ai khác - chính là lực lượng khủng bố do Bin Laden dẫn đầu. tháng 10/2000, tàu khu trục USS Cole của Mỹ lại bị khủng bố tấn công ngoài khơi Yemen, và đỉnh điểm là vụ khủng bố rúng động nước Mỹ ngày 11/9.