300 người tử vong mỗi ngày
Theo thống kê GLOBOCAN 2018, trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca ung thư mới mắc hàng năm và có khoảng 8,2 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này; trong đó có tới 2/3 là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.000 người bệnh đang phải chiến đấu với ung thư.
Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết, ung thư gan đang dẫn đầu loại bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, kế tiếp là phổi, dạ dày, đại trực tràng. Ở nữ giới ung thư thường gặp lần lượt là vú, dạ dày, phổi.
Phần lớn bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người bệnh ung thư ở Việt Nam khám và điều trị ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống thấp.
Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K.
Sau ung thư gan là bệnh ung thư phổi, theo ghi nhận ở nước ta tỷ lệ mắc ung thư phổi chuẩn theo tuổi ở nam giới là 35,1/100 nghìn dân đứng đầu trong các bệnh ung thư ở nam giới, ở nữ tỷ lệ này cũng cao với 13,9/100 nghìn dân, đứng trong top 5 các bệnh ung thư phổ biến ở nữ sau ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Dù đến nay có nhiều biện pháp tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng ung thư phổi vẫn là bệnh ung thư gây tỷ lệ tử vong hàng đầu do ung thư.
GS Trần Văn Thuấn cho biết, khi có các dấu hiệu sau, người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế chuyên khoa ung bướu để kiểm tra vì có thể đó là những dấu hiệu cảnh báo bạn đã mắc ung thư.
Những triệu chứng phát hiện sớm ung thư
- Ho kéo dài (gợi ý ung thư phổi)
- Tiết dịch bất thường (ung thư vú, ung thư cổ tử cung)
- Đi ngoài ra máu (ung thư đại trực tràng)
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài, thay đổi thói quen đại tiện (ung thư đường tiêu hóa và ung thư tiết niệu)
- Đau nửa đầu, ù tai (ung thư vòm)
- Nói khó, nuốt vướng (ung thư thanh quản thực quản)
- Nổi u cục bất thường (ung thư phần mềm)
- Nổi hạch bất thường (ung thư hạch)
- Thay đổi tính chất nốt ruồi (ung thư sắc tố).
Tuy nhiên, GS Thuấn cũng khuyến cáo không cần phải chờ có dấu hiệu mới đi khám mà cần khám sàng lọc phát hiện sớm để đánh giá mỗi cá thể hay cộng đồng khỏe mạnh về mặt lâm sàng nhằm phát hiện ung thư tiềm ẩn hoặc tình trạng tiền ung thư.
Phòng bệnh như nào?
Theo GS Thuấn, yếu tố gây ung thư là bất cứ cái gì có thể ảnh hưởng tới khả năng mắc ung thư. Một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như các thói quen sinh hoạt, ăn uống, một số khác thì không thể thay đổi được đó là yếu tố gen và tuổi tác.
Tuổi càng cao thì nguy cơ ung thư càng lớn. Còn các yếu tố có thể thay đổi được như thói quen sinh hoạt, hút thuốc lá, nhai trầu không, uống rượu, thói quen ăn uống không lành mạnh như sử dụng thực phẩm không an toàn, thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán.
Ngoài ra, các thói quen như quan hệ tình dục không an toàn, lây nhiễm vi rút. Viêm gan B, viêm gan C, tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều cũng tăng nguy cơ ung thư da.
"Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng 1/3 bệnh ung thư có thể phòng được, 1/3 có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm, 1/3 có thể kéo dài được cuộc sống dù ở giai đoạn muộn. Cần có các biện pháp phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm. Khi bị bệnh người bệnh cần được điều trị đúng phương pháp để dự phòng và điều trị bệnh ung thư hiệu quả hơn"– GS Thuấn cho biết.
Khi bị bệnh ung thư nhiều người nghĩ rằng mình đã mang án tử, điều này hoàn toàn không đúng vì bệnh ung thư có thể chữa trị được. Hiện nay có gần 12 triệu người Mỹ đang hoặc đã từng mắc bệnh này. Ở Việt Nam cũng có nhiều người chữa ung thư và đang sống khỏe sau điều trị bệnh.
Chính vì thế, khi phát hiện mình bị ung thư, việc đầu tiên là bệnh nhân cần trao đổi với các bác sĩ điều trị và cần hiểu rõ tình hình bệnh tật của mình rõ nhất.