*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nga đã trở thành quốc gia có số người bị lây nhiễm cao thứ 7 thế giới, vượt cả các tâm dịch trước đây như Trung Quốc hay Iran.
Nga đang nhanh chóng trở thành một trong những điểm nóng của dịch Covid-19 trên thế giới và hôm qua (3/5), nước này ghi nhận con số kỷ lục hơn 10.000 ca mắc mới.
Nga hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 7 thế giới. Ảnh: Anadolu.
Tổng thống Nga Putin thông báo, hôm qua (3/5), nước này có thêm 10.633 ca mắc mới, nâng tổng số lên 134.687 ca. Nga đã trở thành quốc gia có số người bị lây nhiễm cao thứ 7 thế giới, vượt cả các tâm dịch trước đây như Trung Quốc hay Iran. Hơn một nửa số ca mắc ở Nga đều xảy ra ở thủ đô Moscow. Số ca tử vong tăng lên 1.280. Nga đã tiến hành hơn 4,3 triệu xét nghiệm để phát hiện sớm người mắc.
Tổng thống Nga Putin thừa nhận tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Nga chưa vượt qua đỉnh dịch và có thể sẽ phải đối mặt với giai đoạn dịch bệnh khó khăn hơn nữa. Bất chấp đà lây nhiễm vẫn tăng, chính phủ Nga ngỏ ý sẽ dần dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 12/5, tùy từng khu vực./.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây. https://vov.vn/the-gioi/nga-tr...
Kết quả thử nghiệm cho thấy, nhiều loại khẩu trang nhập khẩu vào Mỹ không đạt tiêu chuẩn của khẩu trang kháng khuẩn N95, đẩy các bác sĩ, y tá - những người đứng trên tuyến đầu chống dịch, đối diện với nguy cơ phơi nhiễm.
Một dây chuyền sản xuất khẩu trang ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Giới chức quản lý và quan chức chính quyền bang ở Mỹ phát hiện nhiều loại khẩu trang nhập khẩu có mẫu mã giống khẩu trang kháng khuẩn N95 không đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định. Kết quả thử nghiệm do Viện An toàn Lao động và Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIOSH) tiến hành cho thấy, khoảng 67-70% khẩu trang nhập khẩu thuộc nhiều chủng loại khác nhau không có khả năng chặn được phần lớn những hạt có kích thước siêu nhỏ (particle), vốn là tiêu chuẩn được công nhận cho ít nhất một loại khẩu trang của Mỹ - khẩu trang kháng khuẩn N95.
Một mẫu có quy cách đóng gói, logo chưa được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận chỉ lọc được khoảng 35% hạt kích thước siêu nhỏ, một mẫu khác dán mác KN95 – mẫu theo tiêu chuẩn Trung Quốc tương tự như loại N95 của Mỹ, cũng cho kết quả chỉ lọc được 15% hạt siêu nhỏ, kém xa mức 95% mà thương hiệu này quảng cáo. NIOHS – đơn vị trực thuộc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã tiến hành xét nghiệm tiêu chuẩn với 67 mẫu khẩu trang và mỗi mẫu thử nghiệm ít nhất 10 sản phẩm.
Thử nghiệm của NIOSH kết hợp với các đợt triệu hồi, xét nghiệm bổ sung tại nhiều bang cho thấy Mỹ đã nhập khẩu hàng triệu khẩu trang kém chất lượng từ Trung Quốc và một số nước khác khi nhu cầu về đồ bảo hộ cho nhân viên y tế chống COVID-19 tăng chóng mặt. Với năng lực sản xuất và kho dự trữ không đáp ứng đủ nhu cầu, kết quả thử nghiệm cho thấy nguy cơ cao đối với các bệnh viện, chính quyền địa phương; các công ty trong nhiều trường hợp phải trả mức giá cao cho các thiết bị bảo hộ y tế chưa được chứng nhận.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây. https://baotintuc.vn/the-gioi/...
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Đây là lần thứ hai Ấn Độ gia hạn lệnh phong tỏa, bởi giải pháp này được coi là hết sức cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại một quốc gia có tới hơn 1,3 tỷ dân, với mật độ dân cư tập trung đông đúc, hệ thống cơ sở hạ tầng vệ sinh nghèo nàn, tỷ lệ người dân từ nông thôn lên thành phố mưu sinh cao.
Tuy nhiên, đối với Sunil Das, một lao động nhập cư sống trong khu nhà ổ chuột ở Dharavi không xa trung tâm tài chính Mumbai, cảm giác tuyệt vọng lại đè nặng. Kể từ khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3, suốt nhiều tuần, Das cùng hơn 10 người khác sống cùng phòng, chật vật ‘tồn tại’ chỉ với gạo và muối. Hoàn cảnh của Das và những người quanh anh có lẽ không phải là số ít.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 270 triệu người dân Ấn Độ thuộc diện nghèo. Trong số 500 triệu lao động phi nông nghiệp, hơn 90% làm các công việc chân tay như thợ xây dựng, bán hàng rong, chạy xe kéo…, trong đó khoảng 120 triệu người là lao động nhập cư tại các thành phố như Das.
Nhìn từ một vài góc độ nào đó, các quy định về giãn cách xã hội hay các biện pháp cách ly có thể là khoảng lặng để nhiều người nghỉ ngơi và dành thêm thời gian cho bản thân hay gia đình. Song ở nhiều góc khuất của xã hội, những con người bình thường vốn đã phải chật vật vì cơm áo gạo tiền, nay lại càng khốn cùng hơn khi các hoạt động sản xuất và kinh tế dường như đều đóng băng, cắt đứt nguồn sống của họ.
Dịch bệnh đang làm cho hố sâu ngăn cách xã hội và tình trạng bất bình đẳng ngày càng rộng thêm. Tương tự như tất cả các cuộc khủng hoảng quy mô khác, đại dịch COVID-19 sẽ có những hiệu ứng domino. Bên cạnh những tác động rõ ràng đến sức khỏe và tài chính, hệ quả mà nó kéo theo sẽ lan rộng đến vấn đề an ninh lương thực và đói nghèo. Rõ ràng, trong trận tuyến đương đầu với kẻ thù vô hình này, người nghèo, người thất nghiệp, vô gia cư - nhóm người được gọi chung là "những nạn nhân không triệu chứng của COVID-19" - sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
AP dẫn các nguồn tin tình báo cho biết, quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc đã che giấu mức độ nguy hiểm của đại dịch để tích trữ các loại vật tư y tế cần thiết để chống dịch.
Cụ thể, theo báo cáo ngày 1/5 của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, phía Trung Quốc "đã cố tình che giấu sự nguy hiểm của đại dịch" vào hồi đầu tháng 1. Báo cáo này được đưa ra giữa lúc chính quyền ông Trump ngày càng gia tăng sự chỉ trích đối với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/5 cũng tuyên bố Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan của đại dịch.Những sự chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc trùng hợp với thời điểm chính quyền ông Trump bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp và thiếu sót trong quá trình chống dịch bệnh.
Các đối thủ chính trị của tổng thống Donald Trump đã cáo buộc ông đang đổ lỗi quá nhiều cho Trung Quốc - quốc gia vừa là đối thủ chính trị nhưng cũng vừa là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ - nhằm tránh phải chịu trách nhiệm ở trong nước.
Theo báo cáo mới nhất của Mỹ, Trung Quốc đã "nói giảm mức nguy hiểm của virus corona" trong khi tăng cường nhập khẩu và giảm xuất khẩu vật tư y tế. Trung Quốc làm điều này bằng cách "làm ngơ những hạn chế xuất khẩu, làm xáo trộn và trì hoãn cung cấp dữ liệu giao dịch", báo cáo của Mỹ viết.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây:
Một nhân viên y tế đứng chờ bệnh nhân trong một trạm xá ở thị trấn Irpin, Ukraine. Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images
Chính quyền Ukraine đã quyết định kéo dài phong tỏa tới ngày 22/5 nhưng cũng nới lỏng một số hạn chế bắt đầu từ ngày 11/5.
Một số hạn chế được gỡ bỏ từ ngày 11/5 bao gồm mở cửa lại các công viên, các cửa hàng thực phẩm và một số quán cafe mua đem về.
Tính tới hôm nay, Ukraine có 12.331 ca dương tính với COVID-19 và 303 ca tử vong. Quốc gia này đã áp dụng phong tỏa từ ngày 12/3.
Đại học Bonn (Đức) mới đây đã thực hiện một nghiên cứu thực địa tại một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 ở Đức. Kết luận được đưa ra là có thể số người nhiễm COVID-19 tại quốc gia này cao hơn gấp 10 lần số liệu được công bố.
Nhóm nghiên cứu cho biết, ước tính này đã chỉ rõ mức độ nguy hiểm của virus corona, đặc biệt đối với những bệnh nhân không có triệu chứng. Theo đó, có thể 1.8 triệu người Đức đã nhiễm bệnh (so với số liệu chính thức chỉ là 160.000 ca).
Báo cáo này được đưa ra giữa lúc Đức đang chuẩn bị giảm bớt một số hạn chế tại bảo tàng, tiệm cắt tóc, nhà thờ và các nhà máy sản xuất ô tô.
"Kết quả nghiên cứu có thể giúp cải thiện những mô hình tính toán cách thức virus corona lây lan. Hiện tại, những dữ liệu ẩn vẫn khá khó xác định," nhóm nghiên cứu cho biết.
Được biết, các nhà khoa học đã xét nghiệm mẫu máu và dịch mũi của 919 người ngẫu nhiên tại vùng Heinsberg ở biên giới với Hà Lan, nơi có số ca tử vong cao nhất Đức. Nghiên cứu cũng cho thấy cứ trong 5 người nhiễm bệnh, lại có 1 người không có triệu chứng.
Nhân viên y tế khử trùng phòng bệnh ở Vũ Hán. Ảnh: NYT
Theo The New York Times (NYT-Mỹ), mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy những dấu hiệu di truyền của virus trong các giọt bắn trong không khí, nhiều trong số đó có đường kính nhỏ hơn 1/10.000 inch, tạo thêm bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây lan qua không khí.
Điều này trước đây đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm nhưng giờ đây, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu trong điều kiện thực tế. Tại hai bệnh viện ở Vũ Hán, họ đã thu được những giọt bắn nhỏ chứa dấu hiệu di truyền của virus trong không khí.
Kết quả nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature hôm 27/4 vừa qua.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu virus trong các mẫu mà họ thu thập có lây nhiễm hay không nhưng những giọt nhỏ li ti được tạo ra qua hơi thở và nói chuyện có thể lơ lửng trong không khí và bị người khác hít vào.
Đọc toàn bộ bài viết dưới đây:
Khi nào thì có thuốc tiêm phòng? Các chuyên gia nói: khi hoàn thành các nghiên cứu lâm sàng. Ảnh: Guido Mieth/ Getty Images
Một câu hỏi lớn đã được đặt ra trên Tạp chí Der Spiegel nổi tiếng của Đức về vắc-xin chống Covid-19. Chủ tịch Uỷ ban Tiêm chủng của RKI (Đức) - GS Thomas Mertens trò chuyện về vấn đề này.
Không thể "làm đại đi xem thế nào!"
SPIEGEL: Thưa ông Mertens, cả thế giới chờ đợi vắc-xin chống SARS-CoV-2, để chúng ta yên tâm trở lại với cuộc sống bình thường hàng ngày. Hiện nay các nhà chế tạo trên thế giới đang có một cuộc chạy đua để tạo ra vắc-xin. Còn bao lâu nữa mới có thuốc, thưa ông?
GS Mertens: Sẽ lâu hơn sự trông đợi của một số người lạc quan. Tôi có thể hiểu được sự nôn nóng hiện nay cũng như nỗ lực muốn thúc đẩy nhanh nhất có thể sự phát triển này.
Nhưng các vị hãy tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra khi có một số người muốn tiêm chủng cho hàng tỷ người mà không biết thật chắc chắn vắc-xin sẽ phát huy đầy đủ tác dụng mà ta mong muốn và không gây tổn hại nào.
Chúng ta không thể tiêm chủng theo kiểu làm đại đi để xem thế nào!
SPIEGEL: Chính giới, nền kinh tế, xã hội và cuối cùng là cuộc sống của tất cả chúng ta phụ thuộc vào vắc-xin này, vậy tại sao sự phát triển không thể tiến hành nhanh hơn được?
GS Mertens: Để một loại vắc-xin được công nhận phải tiến hành một loạt thí nghiệm trong phòng, sau đó là thí nghiệm lâm sàng, để xem thuốc có công hiệu với bệnh hay không, liệu có chấp nhận được không, và trong trường hợp nhiễm trùng liệu nó có dẫn đến một quá trình nguy hiểm hơn hay không. Tất cả các xét nghiệm này đều đòi hỏi phải có thời gian.
Người ta còn phải xem, liệu những người tham gia thí nghiệm đã tạo ra đủ kháng thể và tế bào đặc chủng T chưa hoặc có tác dụng phụ hay không - và sau nữa là, trường hợp bị nhiễm trùng họ có khoẻ mạnh được không.
Cho đến khi vắc-xin được phê duyệt phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng qua ba giai đoạn. Để Viện Paul-Ehrlich đồng ý cho một vắc-xin tiềm năng vào thử nghiệm lâm sàng đối với con người thì nhà sản xuất phải trưng ra các dữ liệu rằng các chất này đã được thử nghiệm tiền lâm sàng đầy đủ - thí dụ thử nghiệm trên động vật.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Nga đã tính phí Mỹ gần 660.000 US cho chuyến bay chở vật tư y tế viện trợ đến New York hồi tháng trước - ABC News (Mỹ) ngày 2/5 đưa tin.
"Bộ ngoại giao [Mỹ] đã nhận được hóa đơn 659.283 USD từ chính phủ Nga," phát ngôn viên Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) nói với ABC.
"Bộ ngoại giao sẽ chuyển tiền thanh toán và FEMA chuyển hoàn cho Bộ ngoại giao."
Vận tải cơ quân sự Antonov An-124 của Nga hạ cánh xuống sân bay John F. Kennedy ở New York vào chiều ngày 1/4 (giờ miền Đông).
Chuyến bay chở hàng viện trợ Nga được cho là hành động "chớp nhoáng" sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 30/3. Ông Putin đồng ý cung cấp ngay các vật tư y tế thiết yếu giúp Mỹ ứng phó Covid-19.
Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, ngày 31/3, khẳng định "Tổng thống Trump đã đón nhận sự viện trợ nhân đạo này với thái độ biết ơn".
Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố lô hàng 60 tấn vật tư y tế từ Nga là một giao dịch chứ không phải viện trợ.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tăng trưởng GDP trong Quý I 2020 của đặc khu hành chính Hồng Kông sụt giảm 8.9%. Đây là mức suy giảm tăng trưởng lớn nhất của Hồng Kông kể từ khi thống kê hàng quý được thực hiện vào năm 1974.
Cơ quan thống kê của chính quyền Hồng Kông nêu, nguyên nhân sụt giảm GDP chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19, bên cạnh nhu cầu trong và ngoài đặc khu tiếp tục duy trì ở mức yếu.
Tiêu dùng cá nhân trong Quý I năm 2020 cũng giảm 10.2% so với năm 2019, và giảm 2.9% so với Quý IV năm 2019.
Chi tiêu của chính quyền trong Quý I tăng 8.3% so với cùng kỳ, và tăng 6.1% so với Quý IV năm trước.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng Nga và Trung Quốc đang tranh thủ tình hình dịch Covid-19 để thúc đẩy những lợi ích riêng tại châu Âu.
Cả hai nước đều đề nghị ủng hộ Italy - quốc gia châu Âu đầu tiên có dịch bùng phát, cũng như cử đội ngũ bác sĩ, chuyên gia, gửi vật tư y tế cho nước này.
Bình luận về khả năng Trung Quốc và Nga cố gắng nâng tầm ảnh hưởng đối với Italy thông qua các gói viện trợ, ông Esper nói với nhật báo La Stampa (Italy):
[Mỹ] nhận thấy rằng một số nước sẽ cố lợi dụng đại dịch như một cách để đầu tư vào các ngành công nghiệp và hạ tầng quan trọng, với tác động dài hạn về an ninh... Các đối thủ tiềm tàng gần như chắc chắn sẽ cố tận dụng lợi ích mà họ có để thúc đẩy các lợi ích khác và gây chia rẽ trong NATO và châu Âu. Huawei và mạng 5G là một ví dụ quan trọng về hoạt động ác ý này của Trung Quốc.
Bình luận của ông Esper đưa ra trong bối cảnh giới chức chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc che đậy thông tin về dịch bệnh, đồng thời cho rằng virus SARS-Cov-2 có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/5 tuyên bố Mỹ có "bằng chứng vững chắc" về giả thuyết nói trên. Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng bác bỏ toàn bộ các cáo buộc liên quan.
Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace đã từ chối bình luận về các báo cáo trên truyền thông, nói rằng một tài liệu của Liên minh tình báo Five Eyes - gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand - cho rằng Trung Quốc đã nói dối về dịch bệnh Covid-19.
Theo tài liệu mà báo Australia Sunday Telegraph có được, bản báo cáo tình báo 15 trang khẳng định Trung Quốc cố ý "tấn công nhằm vào sự minh bạch quốc tế", và có thể khiến hàng chục nghìn người trả giá bằng sinh mạng.
Tài liệu nói trên cho rằng Trung Quốc cố ý che đậy thông tin bằng cách bác bỏ khả năng lây từ người sang người của SARS-Cov-2, "bịt miệng" những bác sĩ lên tiếng cảnh báo sớm, hủy bằng chứng trong phòng thí nghiệm, và không cung cấp sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu vắc xin.
Đài NHK (Nhật Bản) đưa tin, chính phủ Nhật đã triệu tập hội nghị thảo luận về ứng phó dịch Covid-19, chính thức tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia đến hết ngày 31/5, được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Theo thống kê của NHK, tính đến 10h30 sáng nay 4/5 (giờ địa phương), Nhật Bản đã có thêm 202 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.079 trường hợp.
Số ca tử vong mới ghi nhận là 19 trường hợp, nâng tổng số người chết lên 536.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính phủ Nhật ngày 7/4 ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 khu vực - gồm Tokyo, Osaka,... Đến ngày 16/4, toàn bộ tỉnh thành của nước này đã được đặt vào tình trạng khẩn cấp.
Thủ tướng Shinzo Abe chỉ ra, muốn kiểm soát dịch bệnh lây lan thì cả nước buộc phải đồng loạt áp dụng biện pháp hạn chế đi lại.
Cơ quan chỉ đạo ứng phó Covid-19 của Nga thông báo, tính đến 10h55 sáng ngày 4/5 (giờ địa phương), nước này xác nhận thêm 10.581 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên 145.286 trường hợp.
Số ca tử vong mới ghi nhận trong vòng 24 giờ là 76 người, tổng số người chết do Covid-19 ở Nga là 1.356.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp Nga báo cáo số ca bệnh Covid-19 mới trên 10.000. Nước này đã vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành quốc gia xếp thứ 7 trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Thị trưởng thành phố Moskva ông Sergei Sobyanin ngày 2/5 ước tính có khoảng 2% cư dân thành phố này, tương đương hơn 250.000 người - bị nhiễm virus corona chủng mới.
Căn cứ theo kết quả xét nghiệm sàng lọc của các nhóm dân cư khác nhau, số lượng lây nhiễm thực tế là vào khoảng 2% tổng dân số của Moskva.
Giới chức Nga ngày 3/5 đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới tăng kỷ lục trong một ngày, với 10.633 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm lên 134.687 - xếp thứ 7 trên thế giới.
Theo thống kê chính thức, thủ đô Moskva có dân số khoảng 12.7 triệu người, nhưng con số thực tế được cho rằng lớn hơn.
Ông Sobyanin cho hay Moskva đã củng cố đáng kể năng lực xét nghiệm trong vài tuần qua, đồng thời tìm cách "ngăn chặn lây lan" của virus bằng cách thực thi nghiêm khắc các quy định hạn chế đi lại.
Ông nhấn mạnh Moskva vẫn chưa vượt qua đỉnh dịch và mối đe dạo vẫn còn leo thang.
Người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), ông Mi Feng, cho biết tính đến 24h ngày 3/5/2020, trên cả nước Trung Quốc có dưới 500 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị, thấp nhất kể từ ngày 23/1 - thời điểm "tâm dịch" Vũ Hán bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa.
Theo ông Mi, số ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 từ nguồn nhập cảnh cũng giảm xuống trong ba tuần liên tiếp. Hai tuần trở lại đây, Trung Quốc chỉ tăng thêm 92 bệnh nhân Covid-19 là các trường hợp nhập cảnh.
NHC lưu ý giới chức Trung Quốc cần tiếp tục đề phòng chặt chẽ rủi lo lây lan virus SARS-Cov-2 từ nguồn nhập cảnh.
Both confirmed and suspected overseas imported #COVID19 infections in China have been on a down spiral for the third week running. China has reported 92 new confirmed imported cases in the recent 2 weeks: National Health Commission pic.twitter.com/RagI7MpzA2
— Global Times (@globaltimesnews) May 4, 2020
Chính phủ Pháp ngày 3/5 cho biết, sẽ miễn cách ly đối với công dân nhập cảnh từ EU, Schengen và Anh.
Trước đó, ngày 2/5, Chính phủ Pháp đã tuyên bố sẽ mở rộng tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với dịch Covid-19 ít nhất là đến hết ngày 24/7 tới và bất kỳ ai nhập cảnh vào Pháp sẽ phải cách ly trong hai tuần.
Tuy nhiên, một ngày sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố việc kiểm dịch và cách ly sẽ không được áp dụng cho các đối tượng đến từ Liên minh châu Âu, khu vực Schengen hoặc Anh, bất kể mang quốc tịch nào.
Đối với các công dân nhập cảnh Pháp ngoài các khu vực trên phải áp dụng biện pháp kiểm dịch và cách ly ít nhất trong 14 ngày.
Số lượng ca tử vong do Covid-19 tại Pháp đã có dấu hiệu giảm trong những ngày gần đây với 135 ca tử vong được báo cáo trong vòng 24 giờ qua. Theo dự kiến, kế hoạch nới lỏng các hạn chế xã hội tại Pháp sẽ bắt đầu được áp dụng kể từ đầu tuần sau (11/5), các trường học sẽ mở cửa trở lại, một số doanh nghiệp được phép hoạt động và người dân được đi lại tự do nhưng vẫn bị giới hạn trong khoảng cách 100 km tính từ nơi cư trú.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, trong ngày 3/5, nước này đã ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tất cả các ca nhiễm này đều là từ nước ngoài về.
Tính đến ngày 3/5, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 82.880 ca nhiễm và 4.633 ca tử vong.
Trong khi đó, giới chức tỉnh Hồ Bắc cho hay tỉnh này đã không ghi nhận thêm ca nhiễm nào trong ngày 3/5.
Đây là ngày thứ 30 liên tiếp, toàn tỉnh "tâm dịch" trước đây không có thêm ca nhiễm nào. Tại những khu vực thuộc tỉnh Hồ Bắc bên ngoài thành phố Vũ Hán, đây là ngày thứ 60 liên tiếp không có thêm ca nhiễm mới nào.
Kể từ ngày 2/5, Hồ Bắc đã hạ mức ứng phó khẩn cấp dịch COVID-19 từ mức cao nhất xuống mức cao thứ hai. Trước đó, vào ngày 8/4 vừa qua, Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại tại Vũ Hán, thành phố từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, chấm dứt thời gian phong tỏa kéo dài 76 ngày đối với 10 triệu dân sinh sống tại đây.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Ngày 4/5, quan chức cấp cao Bộ Y tế New Zealand, Ashley Bloomfield thông báo nước này lần đầu tiên không ghi nhận thêm ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nào kể từ ngày 16/3 và chưa đầy một tuần sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhờ tình hình dịch bệnh đã nằm trong tầm quyền soát.
Phát biểu trước báo giới, ông Bloomfield nhấn mạnh: "Đây là ngày đầu tiên chúng tôi không ghi nhận thêm ca nhiễm bệnh mới".
Hiện tổng số ca ở New Zealand vẫn là 1.137 ca. Số ca tử vong cũng vẫn đang là 20 ca. Ông Bloomfield cho rằng cần duy trì bước tiến tích cực này, đồng thời khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội nhằm đảm bảo dịch bệnh không bùng phát trở lại.
Ngày 28/4 vừa qua, New Zealand đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau hơn 1 tháng triển khai. Theo lệnh phong tỏa, chính phủ nước này yêu cầu đóng cửa các văn phòng, trường học, trung tâm thương mại, các nhà hàng, khu vui chơi và các địa điểm công cộng khác.
Tuy một số hoạt động kinh tế đã được phép vận hành trở lại, nhưng một số biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội vẫn được duy trì với việc hàng triệu công dân New Zealand tiếp tục làm việc và học tập từ nhà.
Sau nhiều ngày cáo buộc virus corona chủng mới có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật (3/5) vừa qua cho biết ông tin rằng đại dịch COVID-19 là hậu quả do một "sai lầm khủng khiếp" của Trung Quốc , hãng CNBC đưa tin.
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News hôm 3/5, Tổng thống Trump đã nhận được câu hỏi rằng liệu Mỹ có đủ bằng chứng để chứng minh Trung Quốc nói dối cả thế giới về virus corona hay không, và sau đây là câu trả lời của nhà lãnh đạo Mỹ.
"Tôi cho rằng họ đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp nhưng không muốn thừa nhận điều đó", Tổng thống Trump cũng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho lập luận này.
Tuyên bố trên đã được ông Trump đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định trên kênh truyền hình ABC rằng "có nhiều bằng chứng" cho thấy virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đồng thời đề cập tới việc Trung Quốc từng có lịch sử lây nhiễm bệnh cho thế giới.
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Trump cho biết, số người tử vong ở Mỹ do Covid-19 có thể cán mốc 80.000 – 90.000 người, tăng lên đáng kể so với ước tính của ông hồi tháng trước.
Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi ông dự đoán khoảng 50.000 đến 60.000 ca tử vong ở Mỹ do Covid-19 tại cuộc họp báo của Nhà Trắng cách đây chưa đầy hai tuần.
"Tôi đã từng nói 65.000 người sẽ tử vong và bây giờ tôi đang nói 80.000 hoặc 90.000, con số tăng lên và tăng lên nhanh chóng."
Trước đó, hồi tháng 3, ông Trump thừa nhận rằng các ca tử vong ở Mỹ do Covid-19 có thể lên tới hơn 100.000 người, và nếu số người tử vong ở mức dưới 100.000, điều này có nghĩa, "tất cả chúng ta đã làm rất tốt."
Vào Chủ nhật, số người Mỹ bị nhiễm virus Corona đã "cán mốc" 1,1 triệu người và hơn 67.000 người tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/5 tự tin dự báo sẽ có vaccine chống Covid-19 vào cuối năm nay.
Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, Tổng thống Donald Trump dự báo sẽ có vaccine vào tháng 12 tới và cho biết ông rất tự tin về đánh giá của mình. Dự báo của ông Trump sớm hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia trước đó khi cho rằng phải mất 18 tháng hoặc thậm chí lâu hơn để có thể phát triển được vaccine.
Theo ông Trump, Mỹ sẽ tự sản xuất được kháng sinh trong vòng 2 năm thay vì phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Giới Cộng hòa ở Mỹ luôn chỉ trích nước này phải phụ thuộc vào các nguồn cung y tế bao gồm cả kháng sinh từ Trung Quốc.
Hôm Chủ nhật (3/5) vừa qua - theo giờ địa phương, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã tiếp tục "công kích" Quốc hội và các thống đốc tiểu bang trong một bài phát biểu bên ngoài dinh tổng thống tại thủ đô Brazilia, trước sự có mặt của hàng trăm người ủng hộ phong trào phản đối lệnh cách ly xã hội.
Ảnh: Getty
Động thái trên diễn ra khi số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận tại Brazil vượt mốc 100.000 người, cùng với đó là hơn 7.000 ca tử vong được ghi nhận. Hiện Brazil là "ổ dịch" lớn nhất tại khu vực Mỹ-Latinh và được nhận định là đang trên đà trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Theo Reuters, trong bài phát biểu hôm 3/5, nhà lãnh đạo Brazil đã chỉ trích các thống đốc tiểu bang vì tiếp tục áp dụng lệnh cách ly, gây thiệt hại tới nền kinh tế và khiến nhiều người dân mất việc làm. "[Brazil] sẽ phải trả giá đắt trong tương lai", ông Bolsonaro nói.
Mời quý độc giả đọc toàn bộ bài viết tại đây:
Ảnh: AP
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Fox News, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thừa nhận rằng ông lẽ ra nên đeo khẩu trang trong chuyến thăm bệnh viện tuần trước.
Cụ thể, ông Pence nói rằng ban đầu ông "không nghĩ điều đó là cần thiết", bởi ông được xét nghiệm virus corona thường xuyên, tuy nhiên ông thừa nhận rằng "lẽ ra tôi nên đeo khẩu trang ở trung tâm Mayo Clinic".
Hôm 4-5, AP công bố một báo cáo tình báo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) gồm 4 trang đề ngày 1-5, trong đó phân tích: "Trong khi hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2, Trung Quốc tăng nhập khẩu và giảm xuất khẩu vật tư y tế. Họ cố gắng che đậy việc đó, làm xáo trộn và trì hoãn việc cung cấp dữ liệu thương mại của mình".
Báo cáo cũng tiết lộ rằng cho tới cuối tháng 1, Bắc Kinh trì hoãn thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm. Qua đó, họ có thể đặt hàng vật tư y tế từ nước ngoài. Lượng nhập khẩu khẩu trang, áo choàng phẫu thuật và găng tay của Trung Quốc sau đó tăng mạnh.
Hôm 3-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho các quan chức tình báo nước ông vì không làm rõ mức độ nguy hiểm của Covid-19 sớm hơn.
Trước đây, ông chủ Nhà Trắng từng suy đoán Trung Quốc có thể đã "để xổng virus SARS-CoV-2 do sai sót". Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết vẫn đang xem xét giả thuyết này.
Phát biểu trên đài ABC hôm 3-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói "không có lý do nào để ông tin virus SARS-CoV-2 bị lây lan một cách có chủ ý". Tuy nhiên, ông nói thêm: "Hãy nhớ rằng Trung Quốc từng lây nhiễm (dịch bệnh) cho thế giới và họ có lịch sử vận hành các phòng thí nghiệm không đạt chuẩn. Đây không phải là lần đầu tiên virus lây lan bởi trục trặc của phòng thí nghiệm Trung Quốc. Tôi có thể khẳng định rằng có nhiều bằng chứng chỉ ra (virus SARS-CoV-2) bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán" – ông Pompeo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tố ông Pompeo "bịa đặt" vì không trưng ra bằng chứng cụ thể.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ảnh: Getty
Theo CNN, Tây Ban Nha đã bắt đầu bước vào "Giai đoạn số 0" của kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế trong ngày hôm nay (4/5), sau 8 tuần phong tỏa toàn quốc.
Các quan chức nước này cho biết kế hoạch 4 giai đoạn sẽ được quyết định dựa trên những yếu tố cụ thể như khả năng của hệ thống y tế, năng lực xét nghiệm, truy tìm và cách ly nguồn lây nhiễm cũng những trường hợp liên quan.
- Khi cần trợ giúp, công dân Việt Nam tại Hoa Kỳ có thể liên hệ:
Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ
001.202.716.8666
001.202.999.6938
001.202.999.6589
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco
001.415.619.2951
001.415.319.5446
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston
001.346.775.0555
Tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam
+84.981.84.84.84
---
Trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và các cơ quan chức năng của Việt Nam, từ giữa tháng 4/2020, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phối hợp liên hệ, lập danh sách để cơ quan có thẩm quyền trong nước tổ chức chuyến bay đưa các công dân Việt Nam tại Hoa Kỳ, chủ yếu là trẻ em , học sinh dưới 18 tuổi, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa, người cao tuổi , người có bệnh nền và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác về nước.
Tuy nhiên, do thủ tục phía Hoa Kỳ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau nên Vietnam Airlines chưa tiếp nhận đủ các giấy phép cần thiết để thực hiện chuyến bay theo thời gian dự kiến.
Hiện Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ đang tích cực phối hợp, hỗ trợ Vietnam Airlines làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, giải quyết các thủ tục cần thiết cũng như tìm các phương án phù hợp để đưa công dân ta về nước trong thời gian sớm nhất có thể.
Trước tình hình nhiều công dân đã di chuyển tới sân bay quốc tế San Francisco chờ chuyến bay để về nước, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đã cử nhiều nhóm cán bộ ra sân bay, tới các địa điểm những công dân này đang tạm trú để hỗ trợ, giúp thu xếp phương tiện di chuyển và đưa về nơi ở an toàn, cung cấp nhu yếu phẩm và đồ bảo hộ cho những người có nhu cầu, khuyến cáo công dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đang hết sức tích cực hỗ trợ công dân ta.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân bình tĩnh, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của sở tại và hướng dẫn của các Cơ quan đại diện Việt Nam.
Hết ngày 3/5, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 48.600 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 1.630 người tử vong. Trong ngày chỉ có bốn nước Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 48.616 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.431 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.636 người dân ở khu vực này, tăng 21 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.185 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực với 657 trường hợp, đồng thời tới nay cũng là nước thành viên ASEAN có tổng số ca COVID-19 cao nhất. Indonesia ghi nhận nhiều ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 nhất khu vực trong ngày 3/5, với 14 ca.
Nhìn chung, ở Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 đang có xu thế hạ nhiệt và dịch đáng lo ngại hơn tại nhóm 4 quốc gia gồm Singapore, Philippines, Indonesia và Malaysia. Thái Lan đa kiểm soát tốt hơn tình hình và số ca bệnh mới đang giảm dần đều. Trong khi các nước thành viên ASEAN còn lại đang khống chế và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch COVID-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 271 trong hai tuần liên tiếp và số ca khỏi bệnh hiện là 219.
Ngoài Việt Nam, Campuchia cũng thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 khi nước này chỉ có 122 ca mắc bệnh, không ca tử vong và nhiều ngày qua không ghi nhận ca dương tính mới.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ảnh: AFP
Theo CNN, trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News tối Chủ nhật (3/5) vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ rằng lần đầu tiên ông nhận được thông tin tình báo về virus corona chủng mới là ngày 23/1, và các cơ quan tình báo Mỹ sẽ đưa ra thông cáo trong những ngày tới.
"Vào ngày 23/1, tôi đã nhận được thông báo rằng virus có thể xâm nhập vào Mỹ nhưng lúc đó thông tin vẫn chưa được xác nhận. Khi đó dịch bệnh vẫn chưa lây lan tại Mỹ. [Lực lượng tình báo đã nói với tôi rằng] 'chúng ta phải làm gì đó, chúng ta cần hành động'. Đó chỉ là một cuộc trò chuyện ngắn giữa chúng tôi vào ngày 23/1".
SÁNG NAY KHÔNG CÓ CA MẮC COVID-19 MỚI
Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 4/5: 18 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 4/5: Việt Nam có tổng cộng 131 ca mắc được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- Tính từ 18h ngày 3/5 đến 6h ngày 4/5: 0 ca mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 27.409, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 238
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.871
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 21.300
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 12 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 9 ca.
Theo thông tin từ trung tâm ứng phó với dịch COVID-19 của Nga, tính đến cuối ngày 3/5 vừa qua, nước này đã ghi nhận thêm 10.633 ca nhiễm mới - ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm tại nước này liên tục tăng mạnh.
Bên cạnh đó, quốc gia châu Âu này cũng ghi nhận thêm 1.280 ca tử vong mới. Hiện tại Nga đang đứng thứ 7 trên thế giới, với tổng số ca nhiễm COVID-19 là 134.687 người, trong đó có khoảng 50% số ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng.
Thủ đô Moskva hiện là tâm dịch lớn nhất tại Nga, chiếm hơn 50% trong tổng số ca nhiễm toàn quốc.
Ngày 3/5, Bộ Y tế Brazil thông báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona SARS-Cov-2 tại nước này đã lên tới 101.147 trường hợp, trong đó có 7.052 ca tử vong.
Phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ Latinh dẫn thông cáo của cơ quan y tế Brazil nêu rõ, trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Mỹ đã ghi nhận 4.588 ca mắc mới với 275 trường hợp tử vong do dịch COVID-19.
Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân tại một bãi đỗ xe ở Brasilia, Brazil, ngày 21/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Brazil cũng xác nhận tới nay tổng số người được chữa khỏi là 42.991 người, chiếm 42,5% tổng số ca bệnh, trong khi 51.131 người khác (50,6%) hiện trong quá trình chữa trị và 1.364 trường hợp tử vong vẫn đang được điều tra để xác định nguyên nhân.
Hiện tâm dịch COVID-19 ở Brazil là bang Sao Paulo, với 31.772 ca được chẩn đoán dương tính với SARS-Cov-2 và 2.627 trường hợp tử vong, tiếp đó là bang Rio de Janeiro với 1.019 ca tử vong trong tổng số 11.139 ca nhiễm bệnh.
Brazil là quốc gia Mỹ Latinh chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với hệ thống bệnh viện, nhà tang lễ và nghĩa trang gần như "sụp đổ" do quá tải trong khi các ca mắc hàng ngày vẫn tăng theo cấp số nhân.
Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich hôm 1/5 dự báo số ca tử vong ở nước này có thể lên tới hàng nghìn người mỗi ngày nếu dịch tiếp tục lây lan mạnh. Ông cũng thừa nhận chưa thể bắt đầu nới lỏng việc giãn cách xã hội bởi đường cong trên biểu đồ dịch của Brazil vẫn tăng rõ ràng. Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo với tỷ lệ mắc bệnh hiện nay, Brazil có khả năng sẽ trở thành tâm dịch COVID-19 tiếp theo của thế giới.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây https://baotintuc.vn/the-gioi/...
Tính đến 7h sáng ngày hôm nay (4/5 - theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã xác nhận tổng cộng hơn 3,5 triệu ca nhiễm và gần 250 ngàn ca tử vong do đại dịch COVID-19, theo số liệu được cập nhật trên trang thống kê worldometers.info.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã lây lan tới 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Trong đó, Mỹ, Tây Ban Nha và Italy vẫn là 3 quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, tuy nhiên tình hình tại Tây Ban Nha và Italy đã dần được kiểm soát, trong khi số ca nhiễm mới và tử vong mới tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Bên cạnh Mỹ, Nga cũng xác nhận thêm kỷ lục buồn mới vào cuối ngày 3/5 vừa qua - với hơn 10.000 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận.
Mỹ và Anh là 2 quốc gia ghi nhận số ca tử vong mới do COVID-19 cao nhất trên thế giới trong 24h qua; hiện Anh đã vượt Italy và trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số người thiệt mạng trong đại dịch.