'Những nạn nhân không triệu chứng' của COVID-19

Thái Bình |

Chính phủ Ấn Độ đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 2 tuần sau ngày 4/5, trong bối cảnh số bệnh nhân mắc COVID-19 tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới tới thời điểm này đã tăng lên hơn 42.000 ca, trong đó gần 1.400 người tử vong.

Đây là lần thứ hai Ấn Độ gia hạn lệnh phong tỏa, bởi giải pháp này được coi là hết sức cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại một quốc gia có tới hơn 1,3 tỷ dân, với mật độ dân cư tập trung đông đúc, hệ thống cơ sở hạ tầng vệ sinh nghèo nàn, tỷ lệ người dân từ nông thôn lên thành phố mưu sinh cao.

Tuy nhiên, đối với Sunil Das, một lao động nhập cư sống trong khu nhà ổ chuột ở Dharavi không xa trung tâm tài chính Mumbai, cảm giác tuyệt vọng lại đè nặng. Kể từ khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3, suốt nhiều tuần, Das cùng hơn 10 người khác sống cùng phòng, chật vật ‘tồn tại’ chỉ với gạo và muối. Hoàn cảnh của Das và những người quanh anh có lẽ không phải là số ít.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 270 triệu người dân Ấn Độ thuộc diện nghèo. Trong số 500 triệu lao động phi nông nghiệp, hơn 90% làm các công việc chân tay như thợ xây dựng, bán hàng rong, chạy xe kéo…, trong đó khoảng 120 triệu người là lao động nhập cư tại các thành phố như Das.

Nhìn từ một vài góc độ nào đó, các quy định về giãn cách xã hội hay các biện pháp cách ly có thể là khoảng lặng để nhiều người nghỉ ngơi và dành thêm thời gian cho bản thân hay gia đình. Song ở nhiều góc khuất của xã hội, những con người bình thường vốn đã phải chật vật vì cơm áo gạo tiền, nay lại càng khốn cùng hơn khi các hoạt động sản xuất và kinh tế dường như đều đóng băng, cắt đứt nguồn sống của họ.

Dịch bệnh đang làm cho hố sâu ngăn cách xã hội và tình trạng bất bình đẳng ngày càng rộng thêm. Tương tự như tất cả các cuộc khủng hoảng quy mô khác, đại dịch COVID-19 sẽ có những hiệu ứng domino. Bên cạnh những tác động rõ ràng đến sức khỏe và tài chính, hệ quả mà nó kéo theo sẽ lan rộng đến vấn đề an ninh lương thực và đói nghèo. Rõ ràng, trong trận tuyến đương đầu với kẻ thù vô hình này, người nghèo, người thất nghiệp, vô gia cư - nhóm người được gọi chung là “những nạn nhân không triệu chứng của COVID-19” - sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Những con số đáng báo động

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Sáng kiến phát triển con người và đói nghèo Oxford (OPHI), dịch COVID-19 sẽ có những ảnh hưởng trên quy mô đặc biệt nghiêm trọng đối với các khu vực đang phát triển. Nếu dịch bệnh lây lan mạnh hơn, dự kiến khoảng 22% người dân tại vùng Hạ Sahara châu Phi và hơn 5% cư dân châu Á rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng, thiếu nước sạch và nhiên liệu, trong khi con số này tại châu Âu và Trung Á là vào khoảng 0,3%.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ khiến lần đầu tiên từ năm 1998 - thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á - tình trạng đói nghèo trở nên tồi tệ hơn. Theo các dự đoán mới, số người nghèo – với mức sống ít hơn 1,9 USD/ngày – sẽ tăng từ 8,2% năm ngoái lên 8,6% trong năm nay, tương đương 665 triệu người. Đáng chú ý, theo tính toán, dịch bệnh sẽ đẩy ít nhất 49 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực.

Tác động từ dịch COVID-19 được đánh giá sẽ tạo ra thách thức đáng kể cản trở thế giới thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ nhằm chấm dứt tình trạng đói nghèo vào năm 2030. Tổ chức phi chính phủ Oxfam ước tính cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra có thể khiến khoảng 500 triệu người (tức khoảng 10% dân số thế giới) lâm vào nghèo đói, nếu không có các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn. Tương tự, các chuyên gia Trường King’s London và Đại học Quốc gia Australia (ANU), trong một nghiên cứu, ước tính số người nghèo trên thế giới sẽ tăng thêm 400-600 triệu người. Như nhận định của chuyên gia Christopher Hoy, một trong những người tham gia nghiên cứu: “Khủng hoảng kinh tế sẽ còn tồi tệ hơn khủng hoảng y tế”.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ dự báo số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể tăng gần gấp đôi trong năm nay, lên tới 265 triệu người vì tác động của đại dịch COVID-19.

Cuộc chiến không của riêng ai

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện mà các nước trên thế giới áp dụng đã ảnh hưởng tới khoảng 2,7 tỷ người lao động, tương đương 81% lực lượng lao động toàn cầu. Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm.

Các biện pháp phong tỏa nhằm đảm bảo giãn cách xã hội thật sự là thách thức đối với nhiều nước đang phát triển, nhất là những quốc gia có các thành phố đông dân cư với những khu nhà của người lao động thu nhập thấp. Người cao tuổi được cho là đối tượng tấn công chính của virus SARS-CoV-2, song có một sự thật nghiệt ngã là những người nghèo mới là nạn nhân của dịch bệnh này. Đơn cử ở Mỹ, thống kê của truyền thông cho thấy phần lớn nạn nhân của COVID-19 tại quốc gia này là người Mỹ gốc Phi, điều mà giới chức và bản thân Tổng thống Donald Trump cũng phải thừa nhận. Tại thành phố Chicago, tỷ lệ người da màu thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 cao gấp 6 lần so với người da trắng. Bang Louisiana ghi nhận 70% bệnh nhân tử vong thuộc cộng đồng người Mỹ gốc Phi, vốn chỉ chiếm có 32% dân số của bang. Tình trạng này diễn ra tương tự tại các bang Michigan, New Jersey hay Bắc Carolina.

Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng ấy. Những người thu nhập thấp thường khó có cơ hội tiếp cận các biện pháp phòng ngừa và hướng dẫn về y tế, trong khi mức sống thấp dễ dẫn đến nguy cơ có bệnh lý nền, khiến họ trở nên mong manh hơn trước dịch bệnh. Dịch bệnh không phân biệt giàu nghèo, nhưng cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế khi bị nhiễm bệnh thì có. Không phải quốc gia nào cũng đảm bảo chữa trị miễn phí cho người dân khi họ nhiễm virus SARS-CoV-2.

Người dân sinh sống trong các không gian chật hẹp, đông đúc và việc đảm bảo vệ sinh hay giữ khoảng cách là thứ gì đó xa xỉ khi điều kiện không cho phép. Khoảng 160 triệu người Ấn Độ không được sử dụng nước sạch, 74 triệu người, tương đương 1/6 dân số, sống trong các khu ổ chuột lèn chặt người, nơi hệ số lây nhiễm COVID-19 ước tính cao hơn 20% so với thế giới.

Xét ở quy mô lớn hơn, ngay cả các nước giàu có cũng đang chật vật với việc kiểm soát dịch COVID-19 và rơi vào tình trạng thiếu hụt các trang thiết bị, vật tư y tế cùng các bộ xét nghiệm hay thậm chí là giường bệnh. Các nước đang phát triển chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức lớn hơn nếu phải đối diện với những đợt bùng phát mạnh như ở châu Âu hay Mỹ hiện nay.

Dịch bệnh và nghèo đói là vòng tròn luẩn quẩn, chúng sẽ làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, gia tăng chi phí sinh hoạt, làm nảy sinh những vấn đề về an ninh xã hội nói chung, khiến những thách thức nghiêm trọng càng trở nên tồi tệ hơn.

Đi tìm giải pháp

Song song cùng cuộc chiến chống COVID-19 là yêu cầu cấp thiết của cuộc chạy đua hỗ trợ người nghèo và người yếu thế trong xã hội, những mắt xích dễ tổn thương nhất khi nền kinh tế suy thoái.

Trước thềm các cuộc gặp quan trọng của WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tổ chức phi chính phủ Oxfam đã kêu gọi các nhà lãnh đạo nhanh chóng ủng hộ chương trình “Gói giải cứu khẩn cấp cho tất cả” để giúp các nước nghèo hỗ trợ tài chính cho người bị mất thu nhập và giải cứu các doanh nghiệp nhỏ. Hội nghị Phát triển và Thương mại LHQ (UNCTAD), cũng kêu gọi gói viện trợ trị giá 2,5 nghìn tỷ USD để giải cứu nền kinh tế của các nước đang phát triển, bao gồm các biện pháp giãn nợ, huy động vốn và hỗ trợ hệ thống y tế.

Các chính phủ châu Âu đã bổ sung khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thường niên và lên phương án triển khai Quỹ Bình ổn châu Âu (ESM) để hỗ trợ nền kinh tế nói chung. Nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ đã công bố các chương trình giải cứu tài chính cho ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa phòng dịch bệnh.

Các nước châu Á cũng đang triển khai nhanh chóng nhiều biện pháp thiết thực. Chính phủ Hàn Quốc đã tung gói hỗ trợ tài chính thứ hai trị giá 7.600 tỷ won (6,2 tỷ USD) để hỗ trợ các gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp. Nhật Bản có kế hoạch triển khai thêm gói biện pháp kinh tế khẩn cấp đối phó với dịch bệnh bằng việc viện trợ tổng số tiền 300.000 yen (2.780 USD) cho những hộ gia đình gặp khó khăn. Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá 22,6 tỷ USD để hỗ trợ người nghèo và miễn phí các hoạt động xét nghiệm, điều trị COVID-19.

Nhiều nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Philippines Indonesia… cũng đều thông báo các gói cứu trợ để hạn chế tác động của dịch COVID-19, chủ yếu là những biện pháp hỗ trợ trả lương cho người phải nghỉ việc, giảm giá sinh hoạt, và các gói cứu trợ người nghèo.

Tại Việt Nam, quốc gia được quốc tế đánh giá là có tiềm lực hạn chế song lại là một trong những hình mẫu về hiệu quả phòng chống dịch COVID-19, chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn vì dịch bệnh. Khoảng 20 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 đã bắt đầu nhận được khoản hỗ trợ trong gói an sinh 62.000 tỷ đồng này, được ví như “phao cứu sinh” giúp người nghèo vượt qua khó khăn.

Nhiều biện pháp có thể là ở tầm vĩ mô khi nhìn vào những con số, song tất cả là để giảm thiểu bất ổn và những tác động tiêu cực của nó. Bởi tình trạng nghèo đói do dịch bệnh có thể dẫn tới bất ổn xã hội, và điều này sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực chung hơn nữa trong tương lai để đối phó nếu không có các biện pháp ứng phó ngay từ bây giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại