WaPo: Chiến thắng trước đại dịch COVID-19 của Việt Nam là "trường hợp ngoại lệ" và bài học dành cho Mỹ

Hồng Anh |

Việt Nam đã có những quyết định đúng đắn và nhanh chóng hành động từ rất sớm để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, bài viết trên tờ Washington Post của Mỹ nhận định.

Việt Nam là một trường hợp thành công "ngoại lệ"

Nước Mỹ vừa trải qua một cột mốc đau thương trong tuần này vì đại dịch COVID-19, báo Washington Post (Mỹ) viết. Chỉ chưa đầy 3 tháng dịch bệnh bùng phát trên lãnh thổ của Mỹ, nước này đã liên tục lập những kỷ lục buồn và đứng đầu thế giới về số ca nhiễm (hơn 1,1 triệu) cũng như số ca tử vong (hơn 66 ngàn) do COVID-19.

Trong khi đó, tình hình tại Việt Nam có thể nói là trái ngược so với Mỹ: Việt Nam đã hơn 2 tuần không có ca nhiễm mới và cũng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng mới.

Tác giả của bài xã luận được đăng tải trên báo Washington Post hôm 30/4 vừa qua cho rằng thành công của Việt Nam có thể trở thành những "bài học" dành cho Mỹ, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.

Theo lời tác giả bài viết, mặc dù Việt Nam có vị trí địa lý giáp với Trung Quốc và người dân có thu nhập không cao, mật độ dân số lại dày đặc, nhưng Việt Nam đã đạt được thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và đã bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế được áp dụng từ hồi tháng 2 và cao điểm là trong tháng 4 này.

Theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam "về cơ bản đã đẩy lùi dịch bệnh". Tác giả bài viết đã nhận định rằng Việt Nam chính là một trường hợp thành công ngoại lệ.

Vì sao Việt Nam lại là "ngoại lệ"? Bởi Việt Nam không phải là nơi nổi tiếng về công nghệ như Hàn Quốc hay Đài Loan, và cũng không phải là nơi có diện tích nhỏ để dễ dàng kiểm soát như đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) hay Iceland... Vậy, điều gì đã làm nên thành công của Việt Nam?

Ba chiến lược chống dịch trọng tâm của Việt Nam

Các nhà nghiên cứu Robyn Klingler-Vidra từ trường King’s College London và Tran Ba Linh từ trường Đại học Bath đã chỉ ra 3 chiếc lược trọng tâm trong công tác ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam: kiểm tra nhiệt độ cơ thể và sàng lọc, phong tỏa theo cụm và liên tục trao đổi thông tin.

Tất nhiên cũng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới tiến hành xét nghiệm để phát hiện người nhiễm COVID-19, và nếu xét trên tổng số xét nghiệm mà Việt Nam đã thực hiện thì con số này có phần khiêm tốn hơn rất nhiều so với những quốc gia như Mỹ (5 triệu xét nghiệm). Việt Nam chỉ tiến hành khoảng 200.000 xét nghiệm.

Tuy nhiên, nếu xét về tỉ lệ xét nghiệm bình quân trên tổng số ca nhiễm, thì con số của Việt Nam quả thực vượt trội, "là ngoại lệ" so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, tác giả của bài viết nhận định.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được thành công đã được đề cập trong bài viết của Washington Post và các bài viết trên báo khác, đó là Việt Nam đã hành động từ rất sớm. Việt Nam đã tăng cường nghiên cứu và sản xuất các bộ xét nghiệm sau khi những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là những người đến/trở về từ tâm dịch Vũ Hán được phát hiện.

Sau đó, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai rà soát các ca nghi nhiễm, theo dõi nghiêm ngặt và cách ly các trường hợp này tại cơ sở do chính quyền quản lý.

Song song với những biện pháp theo dõi, kiểm soát ca nhiễm và nghi nhiễm, chính phủ Việt Nam đã minh bạch trong thông tin và sử dụng nhiều kênh như tin nhắn, ứng dụng điện thoại để kết nối với người dân. Các thông tin về dịch bệnh cũng được cập nhật nhanh chóng, đầy đủ trên trang web của Bộ Y tế, bài viết nêu rõ.

Thành công của Việt Nam đã được nhiều chuyên gia, truyền thông quốc tế đánh giá cao. Các chuyên gia y tế Mỹ đã khẳng định họ tin tưởng số liệu thống kê về dịch bệnh của Việt Nam.

Kinh nghiệm đối đầu với đại dịch SARS cũng là một yếu tố quyết định thành công của Việt Nam, theo bài báo của Washington Post: "Việt Nam từng bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt đại dịch SARS năm 2003, nhưng họ đã được quốc tế khen ngợi khi trở thành quốc gia đầu tiên ngăn chặn được dịch bệnh này lây lan trong cộng đồng".

Tác giả bài viết cũng đã đề cập tới mối quan hệ hữu nghị của hai nước Mỹ-Việt Nam và những sự hỗ trợ lẫn nhau của hai nước trong cuộc khủng hoảng COVID-19, đó là sự hỗ trợ trong thủ tục chuyển giao chuyến hàng 450.000 bộ đồ bảo hộ made in Vietnam do Mỹ đặt hàng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời cảm ơn. Và gần đây nhất là khoản viện trợ gần 9,5 triệu USD Mỹ dành cho Việt Nam, theo thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.

WaPo: Chiến thắng trước đại dịch COVID-19 của Việt Nam là trường hợp ngoại lệ và bài học dành cho Mỹ - Ảnh 4.

Trong phần kết luận của bài viết, tác giả đã dẫn lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Phải tuyệt đối không được chủ quan. Dù có từng lúc tình hình có tốt thì chúng ta chỉ nói thắng từng trận đánh, từng chiến dịch nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước”.

Tuy cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn chưa kết thúc, nhưng tác giả cho rằng Mỹ có thể học hỏi từ thành công của Việt Nam. Sự thành công của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào những quyết định quan trọng được đưa ra từ đầu năm nay, vào thời điểm đó nhiều người Mỹ vẫn còn chưa nhận thức rõ ràng về đại dịch, tác giả viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại