Thận có chức năng giúp cần bằng lượng nước và muối trong cơ thể, giúp kiểm soát huyết áp và tiết ra nhiều loại hormone cần thiết. Khi bị tổn thương, thận sẽ bị mất chức năng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về mối liên quan giữa suy thận và bệnh đái tháo đường.
Bệnh thận đái tháo đường là gì?
Thận và bệnh đái tháo đường có liên quan với nhau rất mật thiết. Bệnh nhân đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt đường huyết sẽ có biến chứng tổn thương các động mạch, trong khi đó thận có chức năng quan trọng là lọc máu từ các động máu đó. Ước đoán có khoảng 40% người bị đái tháo đường type 2 có biến chứng tại thận.
Bệnh thận đái tháo đường là biến chứng xảy ra ở trên tất cả những người có đái tháo đường, bất kể type 1 hay 2, cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng của tổn thương thận kéo dài, bất hồi phục và dẫn tới "bệnh thận mạn giai đoạn cuối".
Ảnh minh họa
Đây là lúc thận bị tổn thương đến mức hoàn toàn không thể thực hiện các chức năng, các bác sĩ sẽ có chỉ định các phương pháp điều trị thay thế thận trên các bệnh nhân này.
Bệnh thận đái tháo đường là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh thận mạn giai đoạn cuối tại Mỹ, có tới khoảng 40-50% những ca bệnh thận mạn giai đoạn cuối là có liên quan đến đái tháo đường.
Nguyên nhân
Bệnh đái tháo đường khiến cho thận giảm khả năng lọc máu, cho phép albumin (một loại protein được tạo từ gan) đi vào trong nước tiểu. Càng tiểu ra nhiều albumin thì tổn thương thận càng nặng nề.
Bệnh thận đái tháo đường tiến triển rất chậm chạp và thường xảy ra trên những người bị đái tháo đường trên 20 năm. Đặc biệt là ở những người có mức đường huyết trong máu cao mà không kiểm soát được. Các bệnh lý tại thận cũng là nguyên nhân trực tiếp làm tăng huyết áp, qua đó khiến cho bệnh thận đái tháo đường diễn tiến nhanh hơn.
Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh thận đái tháo đường bao gồm:
• Tuổi tác, càng lớn tuổi càng dễ bị bệnh
• Giới tính, thường gặp nhiều nhất ở nam giới
• Chủng tộc, thường gặp nhiều ở ở người Mỹ gốc Phi và Người Mỹ gốc Mexico
• Béo phì
Các triệu chứng và giai đoạn
Mặc dù bệnh đái tháo đường sẽ làm cho thận bị tổn thương nặng nề, nhưng ở các bệnh nhân giai đoạn sớm có thể sẽ không có triệu chứng do thận lúc này có khả năng bù trừ tốt.
Tuy nhiên, ở các bệnh nhân bị bệnh thận đái tháo đường, dù ở giai đoạn sớm chưa có triệu chứng nhưng có sự thay đổi trong huyết áp và sự cân bằng dịch trong cơ thể.
Theo thời gian, sự mất cân bằng này dẫn tới việc hình thành và tăng nồng độ các chất thải trong máu mà thận không thể đào thải ra ngoài nước tiểu do mất chức năng lọc, bệnh nhân lúc này thông thường sẽ có biểu hiện rất mệt mỏi.
Các triệu chứng nặng nề xảy ra ở giai đoạn 4 hoặc 5 của bệnh thận đái tháo đường. Bao gồm:
Sưng to các mắt cá chân, bàn chân là triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường
• Sưng to các mắt cá chân, bàn chân, chi dưới, hoặc bàn tay do ứ nước trong cơ thể
• Nước tiểu sậm màu do có máu trong nước tiểu
• Thở nhanh
• Mệt mỏi, do thiếu oxy trong máu
• Buồn nôn hoặc nôn
• Rối loạn vị giác
Các giai đoạn của bệnh thận đái tháo đường được xác định dựa trên tiến triển của tổn thương thận và độ lọc cầu thận (tiếng Anh gọi là GFR). Độ lọc cầu thận giúp phản ánh thông tin cho bác sĩ về khả năng làm việc của thận. Độ lọc cầu thận giảm cho thấy thận đang bị tổn thương.
• Giai đoạn 1: Thận tổn thương nhưng chức năng thận bình thường, độ lọc cầu thận trên 90
• Giai đoạn 2: Thận tổn thương và mất một vài chức năng thận, độ lọc cầu thận từ 60 đến 89.
• Giai đoạn 3: Thận mất chức năng từ nhẹ đến nặng, độ lọc cầu thận từ 30 đến 59.
• Giai đoạn 4: Thận mất chức năng nặng; độ lọc cầu thận từ 15 đến 29.
• Giai đoạn 5: Suy thận; độ lọc cầu thận dưới 15.
Điều trị
Các bước điều trị ở bệnh nhân giai đoạn sớm hoặc có nguy cơ bao gồm làm chậm diễn tiến hoặc ngăn chặn tổn thương thận trên bệnh nhân đái tháo đường. Ở những bệnh nhân đái tháo đường, bắt buộc cần phải được tầm soát mỗi năm để tìm các biến chứng trên thận.
Các bác sĩ sẽ thực hiện tầm soát bằng các chỉ định phân tích nước tiểu để xem liệu có protein trong nước tiểu hay không. Tuy nhiên, dù cho một người nếu thử ra có đạm trong nước tiểu không có nghĩa là đã mắc bệnh thận, có thể họ có một nhiễm trùng đường tiểu cũng gây ra tiểu đạm.
Mục tiêu quan trọng nhất của điều trị là duy trì thật tốt đường huyết và huyết áp cho bệnh nhân. Phương pháp có thể là điều chỉnh chế độ ăn hoặc sử dụng thuốc.
Nếu bệnh thận đái tháo đường diễn tiến đến giai đoạn cuối, lúc này chỉ còn cách sử dụng các phương pháp điều trị thay thế thận cho bệnh nhân, bao gồm chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc và ghép thận.
Phòng ngừa
Bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát thật tốt đường huyết và huyết áp, giúp giảm thiểu nguy cơ tiến triển bệnh thận đái tháo đường.
Điều quan trọng không kém bên cạnh sử dụng thuốc là thay đổi lối sống hợp lý, sau đây là những việc bạn cần phải làm để kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp:
• Ăn theo chế độ ăn ít năng lượng, chứa ít carbohydrate và đường
• Tập thể dục thường xuyên
• Tránh xa rượu và thuốc lá
• Kiểm tra đường huyết thường xuyên.
Ăn theo chế độ ăn ít năng lượng, chứa ít carbohydrate và đường
Lời kết
Khả năng sống của bệnh nhân bị bệnh thận đái tháo đường tùy thuộc và giai đoạn bệnh của họ. Khởi động điều trị càng sớm, khả năng sống càng cao.
Nếu bệnh thận đái tháo đường đã diễn tiến đến giai đoạn cuối, sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận và tim mạch. Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở các bệnh lý thận trên bệnh nhân đái tháo đường.
Điều trị tốt giúp làm chậm diễn tiến và ngăn ngừa tiến triển của bệnh. Bệnh nhân bị bệnh thận đái tháo đường nếu được điều trị và theo dõi sớm, có thể kéo dài tới hơn 20 năm mới diễn tiến đến giai đoạn cuối.
*Theo Medicalnewstoday