Ngày 25-7, PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Việt Đức rơi vào cảnh quá tải , lượng bệnh nhân tới khám tăng tới 300% so với những năm trước đó. Số bệnh nhân tới khám tăng đột biến, nhất là sau khi dịch Covid-19 ổn định, các hoạt động xã hội trở lại bình thường.
Theo PGS Khánh, nếu như trong 6 tháng của năm 2021, bệnh viện tiếp nhận hơn 51.000 lượt người tới khám chữa bệnh, thì riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 140.000 bệnh nhân tới khám (tăng gần 100.000 trường hợp).
Lượng bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Việt Đức tăng mạnh sau dịch Covid-19
Cùng đó, lượng bệnh nhân có chỉ định chụp X-quang của 6 tháng năm 2022 cũng tăng hơn 50%, bệnh nhân chụp cộng hưởng tăng 200%; chụp CT tăng 300%. Cùng đó, số bệnh nhân có chỉ định siêu âm, xét nghiệm đều tăng gần 3 lần....
"Là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành, dù số lượng bệnh nhân tăng đột biến nhưng bệnh viện không thể tăng thêm cán bộ, nhân lực. Do vậy, hầu hết các nhân viên y tế của bệnh viện phải tăng giờ làm từ 8 giờ đến 12-16 giờ để kịp thời giải quyết hết cho nhu cầu của bệnh nhân"- PGS Khánh nói.
PGS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết nhân viên của bệnh viện đều phải tăng giờ làm để phục vụ người bệnh
Ông Khánh cho biết bệnh viện được giao hơn 1.500 giường bệnh, tuy nhiên lượng bệnh nhân thực tế luôn đông, lên tới 2.000 bệnh nhân nội trú/ngày. Để bệnh nhân không phải nằm ghép, bệnh viện đã phải trưng dụng thêm những khu vực có thể biến thành phòng bệnh để bố trí thêm giường bệnh, cáng cho bệnh nhân nội trú nằm có điều hòa, quạt...
Hơn 6 tháng qua, 51 phòng mổ của bệnh viện hoạt động liên tục, các bác sĩ của bệnh viện đã mổ tới trên 35.000 ca. Để giảm số bệnh nhân phải chờ mổ, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu các khoa phòng có biện pháp giảm tải bệnh nhân như: Mổ ngoài giờ, thực hiện các ca mổ không phải là cấp cứu vào các ngày nghỉ, ngày lễ Tết...
Lý giải nguyên nhân bệnh nhân tới khám gia tăng đột biến, PGS Khánh cho rằng đây là bệnh viện tuyến cuối với chất lượng điều trị tốt, có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giỏi nên nhu cầu khám chữa bệnh của người dân cũng cao hơn. Ngoài bệnh nhân cấp cứu từ các tuyến chuyển lên bệnh viện đều tiếp nhận còn có bệnh nhân tự đến khám.
Bên cạnh đó, sau 2 năm dịch Covid-19, nhiều trường hợp bệnh nhân không phải cấp cứu nên không tới khám, khi dịch bệnh kiểm soát tốt, mọi người dồn đi khám nên xảy ra hiện tượng đông bệnh nhân.
Ông Khánh cho rằng có thể còn nguyên nhân là tại nhiều cơ sở y tế chưa giải quyết tốt những vướng mắc về chuyên môn hay trang thiết bị, nguồn nhân lực nên bệnh nhân vượt tuyến, dẫn tới hiện tượng lượng bệnh nhân tăng 200-300% so với các năm trước.
Số lượng bệnh nhân khám cấp cứu cũng tăng cao hơn
"Với bệnh nhân tới đăng ký khám bệnh, bệnh viện không thể từ chối nên chỉ có thể cố gắng giải quyết hết các ca bệnh đăng ký khám trong ngày. Trường hợp bệnh nhân phẫu thuật các bệnh lý thông thường, bác sĩ cũng tư vấn để bệnh nhân chuyển về tuyến dưới hoặc chuyển đến các bệnh viện khác, tránh việc phải chờ đợi quá lâu"- PGS Khánh nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết trước tình hình trên bệnh viện đã phải tăng cường công suất phục vụ, nhân viên y tế gần như đi làm cả tuần, số thời gian làm không còn 8 tiếng mà chia nhau gối ca kíp, các khu vực khám bệnh, chụp chiếu, nội soi… bố trí nhân lực đi làm từ 6 giờ sáng khám đến 7 giờ tối, thậm chí khi nào hết bệnh nhân mới dừng.
Về việc sử dụng Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam, để giảm tình trạng quá tải, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết cơ sở 2 của bệnh viện do chủ đầu tư là Bộ Y tế thi công. Khi nào được bàn giao bệnh viện sẽ triển khai nhân lực để sử dụng khám chữa bệnh cho người dân.