Ngày 2/10, tờ Dailymail xuất bản bài viết: Don't be fooled by China's impressive show of military strength - it is a wounded behemoth (tạm dịch: Đừng để màn trình diễn sức mạnh quân sự ấn tượng của Trung Quốc đánh lừa: Đó là con quái vật bị thương) của tác giả George Marcus.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan và đa chiều, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc càng ngày càng muốn chứng minh sức mạnh để đương đầu với các áp lực từ Hoa Kỳ, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Thông điệp quân sự của Bắc Kinh gửi tới Mỹ?
Khi một tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân được thiết kế để "đánh bại" các tuyến phòng thủ của Hoa Kỳ nặng nề di chuyển qua đám đông cổ vũ, chúng ta thấy rằng thông điệp từ Bắc Kinh ngày hôm qua (1/10) đã được thể hiện một cách không thể rõ ràng hơn.
Đông Phong 41 (Dongfeng 21) là tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân mới được trang bị năm 2017 đã lần đầu tiên "xuất đầu lộ diện". Các nhà phân tích cho biết Dongfeng 41 nếu được Trung Quốc khai hỏa có thể tiếp cận nước Mỹ sau 30 phút.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 của Trung Quốc trong buổi lễ duyệt binh hôm 1/10.
Đó là một ngày đặc biệt cho 1,4 tỷ người của Trung Quốc đánh dấu lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
15 nghìn binh lính và sĩ quan cùng 580 loại vũ khí công nghệ cao, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu đều có mặt. Đó cũng chưa phải là những vũ khí cuối cùng của Trung Quốc, các loại vũ khí hiện đại hơn nhiều khả năng đã được Trung Quốc giữ bí mật.
"Không một thế lực nào có thể làm lung lay nền tảng của quốc gia vĩ đại này", nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tuyên bố như vậy trong khi mặc một bộ đồ màu xám để tỏ lòng tôn kính với người tiền nhiệm Mao Trạch Đông.
Tên lửa siêu thanh DF-17 di chuyển qua Quảng trường Thiên An Môn.
Các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc thì tuyên bố có hơn 100.000 người dân đã tham gia các hành động "phô trương" ngày hôm qua, bao gồm màn bắn pháo hoa khổng lồ.
Để chuẩn bị cho ngày này, các nhà máy gây ô nhiễm thành phố đã bị đóng cửa. Ngay cả những người nuôi chim bồ câu đã được yêu cầu là giữ chim của họ trong lồng để không có "thứ gì đó khó chịu" rơi xuống đầu quần chúng đang tưng bừng.
Lễ kỷ niệm được lên kế hoạch tỉ mỉ để thể hiện sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là thế lực thống trị ở châu Á, hay nói cách khác hoa mỹ hơn là "tiếng gầm thét của rồng".
Chim bồ câu được cho là đã bị "cấm bay" vào ngày 1/10.
"Hai cuộc chiến" của Trung Quốc
Trung Quốc sở hữu một lực lượng quân sự không ngừng phát triển, giờ đây đã không còn là một "đối thủ tiềm tàng" mà đã bắt đầu cạnh tranh mạnh mẽ với phương Tây.
Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào (đôi khi với tâm trạng lo lắng) Trung Quốc ngày hôm nay, chúng ta không nên "quy mọi thứ ra tiền" với quan điểm dự đoán thông thường là đến năm 2030, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đó có thể chỉ là một huyền thoại. Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể "mong manh dễ vỡ" hơn nhiều. Cả trong đối nội lẫn đối ngoại, họ đang phải đối mặt với các mối đe dọa mới và ở một số mặt trận là khá nghiêm trọng.
Trung Quốc có ngân sách quân sự cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và nó đã tăng trưởng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua. Trong ảnh là các binh sĩ Trung Quốc tham gia duyệt binh với súng trường tấn công mới (được cho là QBZ-16-1).
Tất cả các dự đoán đáng tin cậy cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang "chậm dần đều". Một bất ngờ lớn hơn nữa là sự mất giá của đồng nhân dân tệ, điều đó đồng nghĩa với việc trong thập kỷ tới GDP (tổng sản phẩm nội địa) của Trung Quốc sẽ rất khác so với ngày hôm nay.
Nợ công của Trung Quốc ngày càng tăng là cái giá trả cho sự tăng trưởng. Trong khi đó các động lực cải cách, và khai thác thị trường rộng rãi hơn, đã bắt đầu có dấu hiệu "chùn bước".
Đồng thời, Trung Quốc đã thi hành chính sách giám sát người dân thông qua các hệ thống camera được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Trung Quốc cũng là quốc gia lão hóa nhanh nhất trên Trái đất. Trong 22 năm tới, họ sẽ già đi nhanh chóng như hầu hết các nước phương Tây đã trải qua (nhưng trong thời gian dài hơn tới 50-75 năm). Như nhiều dự báo đưa ra, Trung Quốc sẽ "già đi trước khi trở nên giàu có".
Xe bọc thép chỉ huy ZSD-89 trong lễ duyệt binh hôm 1/10.
Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng trong nước. Nhưng ở nước ngoài thì sao? Điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc hiện tại là cuộc "thương chiến" đang diễn ra với nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump.
Nhìn bề ngoài, đó là cuộc chiến tranh thương mại nhưng sâu xa hơn đó là cuộc chiến về chính sách công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc, cuộc đấu tranh cho sự thống trị thương mại và quân sự, và cuối cùng là về các tiêu chuẩn, niềm tin và giá trị.
Đó là lý do tại sao cuộc chiến đã leo thang từ thuế quan sang hàng hóa xuất khẩu, từ đầu tư nước ngoài sang các công ty Trung Quốc (ví dụ Huawei) - các "mục tiêu quan trọng" đã bị cáo buộc là có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Sau đó, tất nhiên là Hong Kong, nơi các cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn kể từ tháng 6 và nơi mà chính quyền đặc khu cho đến nay vẫn chưa thể dập tắt chúng.
Nếu các cuộc biểu tình không thể kiểm soát, Bắc Kinh có thể sẽ thu hồi khẩu hiệu "một nước hai chế độ" đã từng sử dụng để trấn an người dân Hong Kong khi Anh bàn giao khu vực này năm 1997.
Khi Trung Quốc vẫn đang "say men chiến thắng" họ có thể nhìn lại các khía cạnh phát triển của 70 năm qua với niềm tự hào. Tuy nhiên, họ cũng nên tỉnh táo về các sự kiện trong và ngoài nước đang đe dọa hai điều quan trọng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ và ổn định.
May mắn cho Trung Quốc, một cơn mưa không xảy ra đúng buổi duyệt binh mặc dù bầu trời xám xịt. Tuy nhiên, thập kỷ tới hứa hẹn những "cơn bão" kinh tế và chính trị mà không có bất kỳ tên lửa nào có thể đánh bại.
Trung Quốc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh