Bác sĩ xương khớp cảnh báo: Nhiều người Việt mắc chứng bệnh này xương chẳng khác gì gỗ mục

Như Loan |

Khi bệnh nhân bị gãy xương sẽ gây hạn chế các hoạt động. Nhiều bệnh nhân phải nằm liệt giường, chính vì lý do này dẫn đến hàng loạt biến chứng như loét xương cụt, gót chân.

Loãng xương nặng, vừa trượt chân đã gãy xương cột sống

Bà Hà Thị Phượng (70 tuổi, Định Công - Hoàng Mai – Hà Nội) vào khoa phẫu thuật cột sống – viện chấn thương chỉnh hình – BV Hữu Nghị Việt Đức trong tình trạng chấn thương vùng cột sống do trượt chân ngã từ cầu thang xuống đất. Sau thăm khám và chụp chiếu, bệnh nhân được chẩn đoán lún xương cột sống.

Tuy chấn thương không quá nặng nhưng vì sức khỏe yếu, lại kèm theo theo chứng loãng xương nặng ở người già nên bệnh nhân mất một thời gian phải nằm một chỗ trên giường.

Qua trao đổi thông tin, bà Phượng cho biết: "Nhiều năm nay, tôi thường phải chịu các cơn chuột rút, đau cơ, nhất là mỏi lưng khi ngồi nhưng không biết là mắc bệnh gì. Tần suất chuột rút rơi vào khoảng 2-3 lần/tuần, đặc biệt tôi có chứng hay quên, cứ nghĩ do tuổi già trí nhớ giảm sút nhưng sau khi được BS phân tích tôi mới biết mình đã mắc phải bệnh thiếu canxi trầm trọng.

Chính vì thiếu canxi mà khi vừa mới trượt chân một chút là tôi bị lún cả xương cột sống, sau phẫu thuật, các BS cũng khuyên tôi cần bổ sung canxi nhiều hơn như ăn hải sản, xương ống và trứng, uống sữa để giúp cơ thể khắc phục tình trạng thiếu canxi loãng xương".

Bác sĩ xương khớp cảnh báo: Nhiều người Việt mắc chứng bệnh này xương chẳng khác gì gỗ mục - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng bệnh nhân loãng xương nặng như bà Phượng

Ths, BS Đỗ Mạnh Hùng – Khoa Phẫu thuật Cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, trên thực tế đã có thống kê, với những bệnh nhân loãng xương, trên 5% bệnh nhân có nguy cơ gãy xương trong năm đầu tiên, năm thứ hai nguy cơ gãy lần 2 sẽ lên đến 21 %.

Khi bệnh nhân bị gãy xương sẽ gây hạn chế các hoạt động. Nhiều bệnh nhân phải nằm liệt giường, chính vì lý do này dẫn đến hàng loạt biến chứng như loét xương cụt, gót chân.

Những dấu hiệu của việc thiếu canxi

Khi người bệnh thiếu canxi huyết thể nhẹ, họ sẽ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện tê ở một số bộ phận trên cơ thể như lưỡi, môi, tay, các đầu ngón tay, đầu ngón chân nếu nặng có thể xảy ra hiện tượng co cơ xảy ra trên toàn thân, chân tay đột nhiên bị co rút, khó cử động, đau đớn. Có thể co thắt cơn hô hấp gây khó thở dễ nhầm với bệnh uốn ván.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị tiểu buốt, chướng bụng, "Một bệnh nhân bị thiếu canxi lâu dài, sẽ dẫn đến hệ quả loãng xương. Có thể ví von hệ thống xương của một người trưởng thành vững chắc như gỗ lim, còn với cơ thể con người bị thiếu canxi lâu ngày, xương sẽ càng ngày càng yếu, xốp hơn, trở thành gỗ mục" – Bs Hùng nói.

Bác sĩ xương khớp cảnh báo: Nhiều người Việt mắc chứng bệnh này xương chẳng khác gì gỗ mục - Ảnh 2.

Biểu hiện của những bệnh nhân loãng xương thường âm thầm

Tuy nhiên, biểu hiện của những bệnh nhân loãng xương thường âm thầm không rõ ràng, bệnh nhân chỉ thấy đau nhức sâu ở bên trong nhưng không rõ nguyên nhân, hoặc những bệnh nhân đau vùng cột sống ngực, cổ có thể đau âm ỉ kéo dài hàng tháng trời.

Đến một ngày khi xương quá yếu tự nó gục xuống, hoặc vô tình lúc đó bị chấn thương nhẹ như bị ngã sẽ gây ra những chấn thương lớn, những trường hợp như vậy có thể nghĩ đến khả năng bệnh nhân trước đó bị thiếu canxi trầm trọng, đang bị loãng xương.

Tầm quan trọng của canxi đối với cơ thể con người

Canxi là một khoáng chất vô cùng thiết yếu của cơ thể, tham gia vào quá trình xây dựng hệ xương răng chắc khỏe, sản xuất và bài tiết một số hormone.

- Không chỉ đóng vai trò trong việc phát triển xương, canxi còn giúp duy trì hoạt động của các cơ bắp, kích thích máu lưu thông và phát tín hiệu cho các tế bào thần kinh, đồng thời điều tiết các hóc môn trong cơ thể.

- Trong cơ thể con người có một hệ thống xương bao bọc cơ thể, canxi được ví như những viên gạch xếp nên xây dựng hệ thống xương, hệ thống này có vai trò vô cùng quan trọng làm giá đỡ để đỡ các tạng trong cơ thể.

- Nếu như một cá nhân bị thiếu canxi, thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ đến vai trò của chuyển hóa, cấu trúc bảo vệ cơ thể của bệnh nhân, ảnh hưởng đến điểm bám các cơ gân, tác động đến chức năng vận động của con người.

- Thiếu canxi là một căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, trong thời kỳ phát triển, trẻ sẽ tăng trưởng kém, chậm mọc răng, đổ mồ hôi trộm, khóc đêm, kém ăn, ảnh hưởng đến phát triển chiều cao và cân nặng.

- Nếu thiếu canxi kéo dài trẻ sẽ bị còi xương gây biến dạng lồng ngực, xương sọ, biến dạng xương như chân dạng hình chữ X, chữ O hoặc biến dạng khung xương chậu.

- Phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh cũng là đối tượng rất cần phải bổ sung canxi kịp thời. Nếu người mẹ không cung cấp, bổ sung đầy đủ canxi thì em bé sẽ bị còi xương từ trong bụng mẹ, khi sinh ra bé sẽ bị còi xương, sinh non, sinh thiếu tháng, trường hợp nặng hơn sẽ bị những dị dạng về xương.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị bổ sung canxi

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, có khoảng 99% canxi trong cơ thể chúng ta nằm trong xương và răng. Một lượng nhỏ canxi còn lại phân bố trong các mô mềm, máu, gan và tim.

Trong số đó thì một nửa số canxi trong máu tồn tại dưới dạng ion hòa tan Ca 2+, 40% số canxi trong máu gắn với các protein và 7-10% canxi trong máu tồn tại dưới dạng phức hợp ion như canxi citrate, canxi phosphate. Tuy rằng chỉ có một lượng nhỏ canxi nằm ngoài tế bào nhưng chúng cũng có một vai trò sống còn với cơ thể.

Bác sĩ xương khớp cảnh báo: Nhiều người Việt mắc chứng bệnh này xương chẳng khác gì gỗ mục - Ảnh 4.

PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh

Mỗi ngày chúng ta mất canxi qua da, móng, tóc, mồ hôi, nước tiểu và phân, nhưng cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất canxi mới. Đó là lý do tại sao việc nạp canxi từ thực phẩm chúng ta ăn là điều rất quan trọng. Khi chúng ta không có đủ canxi cho các nhu cầu của cơ thể, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương để ưu tiên cho các hoạt động quan trọng.

Cũng theo chuyên gia, độ tuổi 2-6 tuổi cũng là độ tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở tất cả các thể (nhẹ cân, thấp còi, gầy còm). Trẻ trong độ tuổi này đặc biệt dễ mắc nhiều bệnh như còi xương, thiếu máu, nhiễm giun sán, tiêu chảy…

Do đó, PGS. TS Ninh khuyến nghị, trẻ cần được bổ sung thêm rau xanh, trái cây, ngũ cốc, bánh mỳ, sữa, sữa chua, phô mai, thịt, cá, trứng… với các khẩu phần tiêu chuẩn nhất định.

Bên cạnh bổ sung dinh dưỡng, cần rèn luyện cho trẻ 2-6 tuổi có chế độ luyện tập hợp lý như:

- Hoạt động thể chất ít chất 60 phút/ngày thông qua hình thức đi bộ, bơi lội, ném bóng.

- Hạn chế thời gian trẻ ngồi một chỗ xem TV, nghịch điện thoại, máy vi tính (dưới hai tiếng/ngày); nên để trẻ tiếp xúc với tự nhiên nhiều hơn…

Với những nhóm đối tượng có nguy cơ loãng xương như phụ nữ 50 tuổi trở lên, giai đoạn mãn kinh, cần có hoạt động thể thao như khiêu vũ, tennis, dưỡng sinh để tăng độ chắc khỏe cho hệ thống xương của mình.

Với những đối tượng được chẩn đoán loãng xương, thiếu canxi cần đến cơ sở y tế, bệnh viện tuyến chuyên khoa để được xác định định lượng mức độ loãng xương của bệnh nhân như thế nào, mức độ canxi của bệnh nhân ra sao. Để từ đó, bác sĩ có hương can thiệp canxi bằng đường tiêm hay đường uống sao cho hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại