Mạng lưới Y tế cộng đồng Anh (NHS) từng khuyến cáo đội ngũ y tế phải điều trị bệnh nhân nhiễm trùng máu cấp bách giống như với bệnh nhân bị đau tim.
Nhiễm trùng máu là một trong những hội chứng lâm sàng nguy hiểm, có nguyên nhân bắt nguồn từ sự xâm nhập vào máu bởi các vi sinh vật (vi khuẩn, ký sinh trùng...) với một loạt các triệu chứng như sốt, rét run, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở và ý thức.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hơn 1,5 triệu người bị nhiễm khuẩn huyết ở Mỹ mỗi năm, trong đó ít nhất 250 nghìn người Mỹ chết vì căn bệnh này.
TS Carmen Polito, trợ lý giáo sư tại trường Đại học Yale cho biết: "Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm khuẩn huyết có thể tiến triển thành tình trạng sốc nhiễm khuẩn, dạng nặng nhất của nhiễm trùng có thể làm tổn thương hệ thống tim mạch và gây ra tình trạng huyết áp thấp, khiến máu không được phân bổ đủ đến các cơ quan quan trọng".
Tình trạng nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn rất khó chẩn đoán. Theo bác sĩ Craig Coopersmith tại Trường Đại học Y khoa Emory, các dấu hiệu nhiễm trùng thường dễ bị nhầm lẫn với tình trạng sốc nhiễm khuẩn, cả 2 hội chứng này đều có thể xuất hiện triệu chứng như đau khi đi tiểu, khó thở.
Dưới đây là 5 dấu hiệu của nhiễm trùng huyết cảnh báo cơ thể bạn đang lâm vào tình trạng nguy hiểm
1. Da và bàn tay trở lên lạnh hơn. Khi bị nhiễm khuẩn huyết, cơ thể bạn tập trung vào bơm máu tới các cơ quan quan trọng nhất như tim, thận và não và hạn chế bơm máu tới các cơ quan khác như các chi. Tiến sĩ Christopher Seymour tại Đại học Y khoa Pittsburgh cho biết, khi bị nhiễm trung huyết, da của bạn bắt đầu bị lạnh hơn và ướt hơn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hạ thân nhiệt có thể cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng hơn và tiên lượng thường sẽ xấu hơn.
2. Ít đi tiểu
Thận là một trong những cơ quan dễ bị tổn thương nhất nếu cơ thể bị nhiễm khuẩn huyết, bởi thận rất nhạy cảm với sự thay đổi lưu lượng máu. Khi cơ thể luôn trong tình trạng huyết áp thấp, nó sẽ cố gắng giữ càng nhiều chất lỏng càng tốt, kết quả là chất lỏng thải ra qua nước tiểu ít hơn và sẫm màu hơn.
Thêm một nguyên nhân khác của triệu chứng này là do tình trạng mất nước - kết quả của việc cơ thể bị mất nước.
3. Hoa mắt, chóng mặt
Chóng mặt có thể là hệ quả của lưu lượng máu thấp đến não, mất nước và các chất độc không được thải ra khỏi cơ thể do hậu quả của nhiễm trùng. Nếu bạn đang bị sốc nhiễm khuẩn, tất cả các triệu chứng này cực kỳ rõ nét.
4. Nhịp tim đập nhanh
Khi bị nhiễm khuẩn huyết, tim sẽ cố gắng bơm máu để có thể chống lại nhiễm trùng. Theo các chuyên gia y tế, hai cách mà cơ thể thực hiện để tăng lượng máu được bơm đi đó là tăng nhịp tim hoặc tim sẽ co bóp mạnh hơn. Nhịp tim trên 90 lần/phút có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết.
5. Thở nhanh và thở hụt hơi
Nhiễm khuẩn huyết cũng gây khó thở cho người bệnh. Nếu nhiễm trùng xảy ra ở phổi thì lượng oxy hít vào sẽ bị giảm đi và cơ thể sẽ đáp ứng với việc này bằng cách thở nhanh hơn, từ đó gây khó thở.
*Theo Womenshealthmag