Mẹo hạ sốt không cần thuốc của phương Tây: Người Việt có nên học?

Hoàng Hương - Tiểu Nhã |

Nhiều bà mẹ ở phương Tây rất ưa chuộng 1 phương pháp dân gian để hạ sốt cho trẻ, đó là dùng một đôi tất ngâm giấm. Tuy nhiên, bác sĩ ở Việt Nam lại không ủng hộ phương pháp này.

Bài thuốc áp dụng ở Áo

Khi con bị sốt, điều đầu tiên chúng ta thường nghĩ tới là thuốc hoặc miếng dán hạ sốt. Nhưng với nhiều bà mẹ bỉm sữa ở phương Tây, họ lại tin dùng một số bài thuốc, mẹo dân gian.

Tất ngâm giấm là liều thuốc đầu tiên các bậc phụ huynh ở Áo sử dụng khi bọn trẻ sốt cao và đổ nhiều mồ hôi. Cách làm của họ như sau:

* Nguyên liệu: 500ml nước lạnh, 1-2 thìa cà phê giấm nuôi, 1 đôi tất len dài, 1 hoặc 2 chiếc khăn.

* Cách thực hiện:

- Đặt bệnh nhân nên nằm trên giường. Đổ nước lạnh và giấm vào một chiếc thau.

- Ngâm tất trong dung dịch này, sau đó vắt nhẹ và đi tất vào chân.

- Đặt một chiếc khăn khô xung quanh tất để tránh làm ướt giường.

- Sau 45 phút, nếu nhiệt độ vẫn không giảm, hãy tiếp tục làm lại như các bước trên.

- Tháo tất nếu bàn chân hoặc bàn tay của bệnh nhân bị lạnh hay cơ thể bắt đầu run rẩy.

* Dược tính: Giấm kích thích sự lưu thông máu và có tác dụng giảm sốt. Nó cũng tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp các chất độc trong cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng hơn.

* Lưu ý: Nếu ngoài triệu chứng sốt, người bệnh còn cảm thấy lạnh và run rẩy thì tốt nhất nên đưa đi khám bác sĩ.

Tiến sĩ Kathleen Jade, một bác sĩ trị liệu tự nhiên, Tổng biên tập Trang Viện Tư vấn sức khỏe tự nhiên đã giải thích về cách thức hoạt động của phương pháp tất ướt này.

Khi nhiệt độ của nước thấp hoặc cao hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể, nó sẽ kích thích cung phản xạ, bao gồm dây thần kinh gửi tín hiệu tới các cơ, mạch, tuyến và các bộ phận trong cơ thể.

Bởi tất cả chất lỏng trong cơ thể, như máu và bạch huyết, đang ở trong một mạch kín. Bất cứ lúc nào bạn tác động đến một phần chất lỏng này, nó sẽ có tác động vào các bộ phận khác.

Khi bạn sử dụng phương pháp nóng hoặc lạnh, chẳng hạn như một đôi tất ướt, độ ẩm sẽ thâm nhập sâu hơn vào da và tác động của các mạch máu và bạch huyết thay vì ảnh hưởng chỉ các cơ bắp hoặc da.

Ban đầu, những chiếc tất gây ra phản ứng co thắt mạch máu nhưng sau đó lại làm giãn nở mạch máu, làm lưu thông máu, điều tiết nhiệt độ, tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp các chất độc trong cơ thể thoát ra ngoài.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyêntrưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai lại khẳng định: Hạ sốt cho trẻ bằng tất ngâm giấm không có tác dụng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết hiện nay tất cả các bài thuốc vật lý trị sốt đều không có tác dụng như mong muốn và được khuyến cáo không nên dùng.

PGS Dũng nhấn mạnh các bài, các biện pháp vật lý như chườm lạnh, đắp cái này, cái khác đều không có tác dụng hạ sốt lâu dài mà nó chỉ làm giảm thân nhiệt được khoảng 1 tiếng sau đó lại sốt lại.

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng

Nhiều thí nghiệm ở Châu Âu cho thấy các biện pháp này chỉ có tác dụng trong trường hợp say nóng, say nắng còn sốt do bệnh lý nhiễm khuẩn thì không có tác dụng.

Theo đó, nghiên cứu cho thấy các biện pháp chườm lạnh tại chỗ, nếu chỉ chườm từng vùng (trán, nách...) thì thấy không có tác dụng hạ sốt mà có hai yếu tố bất lợi:

Thứ nhất, nó khiến trẻ khó chịu thêm. Nhiều trẻ thấy sợ miếng dán lạnh, mỗi lần bị dán lên trán là lập tức khóc inh ỏi, đòi vứt đi.

Thứ hai, với những trẻ bị viêm phổi khi sử dụng phương pháp chườm lạnh lại làm tăng việc sử dụng ôxy khiến bệnh phổi nặng thêm.

Hiện nay ở các nước phương tây, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng các biện pháp vật lý trên không có tác dụng trong điều trị hạ sốt nhất là sốt do viêm nhiễm như viêm phế quản, viêm hô hấp trên…

Bệnh nặng thêm vì chữa sai cách

PGS Dũng kể ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì viêm phổi do cha mẹ chữa sốt sai cách. Thấy con sốt lại tránh gió và bịt kỹ con, chườm đá lạnh, chườm chanh, cạo gió, dán miếng dán hạ sốt.

Theo bác sĩ Dũng trẻ bị sốt do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi không rõ nguyên nhân cha mẹ không nên tự chữa cho con.

Đặc biệt nguy hiểm nhất là các mẹ thường cho nước đá vào túi ni-lông hoặc bọc vải rồi chườm cho trẻ.

Cách này chỉ giúp làm mát tại vị trí chườm nhưng lại dễ làm trẻ bị “bỏng lạnh”, gây co mạch khiến nhiệt càng khó thoát ra ngoài dẫn đến sốt cao hơn. Ngoài ra, đá lạnh có thể khiến trẻ bị sưng phổi.

Còn cách hạ nhiệt bằng việc dùng chanh xoa cho trẻ sẽ làm phỏng da hay hư da vì trong chanh có chứa axit loãng. Nếu nặn chanh hay chất gì vào miệng khi trẻ sốt cao dễ gây sặc và tử vong ở trẻ. Với dấm cũng tương tự.

Hiện nay, theo bác sĩ Dũng chỉ có hai loại thuốc được sử dụng khi sốt đã được khuyến cáo đó là paracetamol và thuốc hoạt chất ibuprofen.

Tuy nhiêm hiện nay, loại thuốc được ưu tiên dùng, ít tác dụng phụ với trẻ nhất vẫn là paracetamol với liều 15mg/kg cân nặng từ 4 - 6 tiếng uống một lần khi trẻ sốt 38,5 độ trở lên.

Khi dùng thuốc đúng liều, các mẹ cũng cần phải kiên nhẫn vì cái gì cũng cần có thời gian. Với thuốc hạ sốt paracetamol sau uống khoảng gần 1 tiếng thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng và hạ sốt dần.

Trong thời gian chờ thuốc có tác dụng, cha mẹ có thể chườm ấm cho trẻ vùng nách, bẹn để hạ sốt.

PGS Dũng khuyến cáo tuyệt đối không tự ý dùng phối hợp thuốc.

Vì dù không kéo thân nhiệt hạ xuống dưới nhiệt độ cơ thể cho phép, nhưng việc hạ nhiệt nhanh khi dùng hai loại thuốc phối hợp rất nguy hiểm, nhất là trên một đứa trẻ bị sốt vì nhiễm trùng.

Một kinh nghiệm cần được chia sẻ rộng rãi nhưng rất ít người biết đó là để trẻ ở nơi thoáng mát, mặc thoáng không phải thấy con sốt, có triệu chứng rét làm quấn thật chặt như thế càng dễ bị viêm phổi.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại