Lý do ung thư gan trở thành căn bệnh ám ảnh số 1
Theo ước tính năm 2018, Việt Nam có 164,671 ca mắc ung thư mới, số ca tử vong do ung thư là 114,871 ca.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, tại Việt Nam ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày là 3 căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất hiện nay.
Trong đó, bệnh ung thư gan tỷ lệ mắc đứng hàng đầu, tỷ lệ tử vong do căn bệnh ung thư gan cũng tương đương với số bệnh nhân mắc. Có nghĩa là các phương pháp chẩn đoán, sàng lọc phát hiện sớm rất ít bệnh nhân làm được.
Theo bác sĩ Phương đa phần các bệnh nhân ung thư gan tới bệnh viện điều trị đã ở giai đoạn muộn nên số lượng tử vong do căn bệnh này cũng rất cao. Tại Nhật Bản 90% số bệnh nhân ung thư gan phát hiện được khi khối u dưới 2cm do vậy hiệu quả điều trị cũng rất tốt.
Bác sĩ Phương đang khám bệnh cho bệnh nhân.
Ung thư gan có yếu tố nguy cơ cao ở nhóm người nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C, lạm dụng rượu bia và tiếp xúc với aflatoxin. Tại Việt Nam ung thư gan thường gặp ở người nhiễm virus (do làm trong vùng dịch tễ nhiễm virus cao) diễn biến xơ gan và trở thành ung thư.
Ung thư gan hiện đang trở thành căn bệnh "ám ảnh" và gánh nặng số 1 tại Việt Nam. Bởi vì, tại thời điểm chẩn đoán có tới gần 50% số bệnh nhân đã ở giai đoạn di căn xa. Dưới 30% bệnh nhân có có phẫu thuật, bao gồm cắt gan bán phần hoặc ghép gan. Tỷ lệ tái phát ung thư gan nguyên phát 5 năm sau cắt gan có thể lên tới 80%.
"Điều trị ung thư gan muốn có hiệu quả phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa trong đó có ung bướu và truyền nhiễm, để có thể kiểm soát được ung thư và virus của người bệnh", bác sĩ Cẩm Phương nói.
Theo chuyên gia để phòng căn bệnh ung thư gan cách đơn giản nhất là phải tiêm phòng vắc xin viêm gan B, không lạm dụng rượu bia, tránh ăn những thực phẩm nghi ngờ mốc. Đi siêu âm kiểm tra gan 6 tháng/lần là các đơn gian có thể phát hiện ra những bất thường của gan sớm.
Đối với người đã nhiễm virus viêm gan cần phải điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, giúp ngăn ngừa diễn biến của bệnh thành xơ gan và ung thư gan.
Ung thư phổi
Theo GLOBOCAN 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 ca tử vong do căn bệnh này.
Bác sĩ Cẩm Phương cho hay: "Cũng giống như bệnh ung thư gan, ung thư phổi bệnh nhân đa phần được chẩn đoán phát hiện đã ở giai đoạn 3 và 4, lên tới 67%. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi sống sau 5 năm thấp, nếu được phát hiện sớm tỷ lệ sống thêm 5 năm lên tới 80%".
Căn bệnh ung thư phổi ở Việt Nam cao có liên quan tới hút thuốc lá, nguy cơ tăng lên theo số lượng thuốc hút, thời gian và tuổi bắt đầu hút thuốc.
Ung thư phổi có tỷ lệ mắc thứ 2 tại Việt Nam.
Theo các nghiên cứu trên thế giới nếu hút 1-9 điếu thuốc/ngày, khả năng mắc ung thư phổi ở nam giới là 4,6%, nữ giới 1,3%; 10-19 điếu/ngày, con số này tăng lên 8,6% ở nam, 2,4% ở nữ; với 20-30 điếu ngày, nam giới dễ mắc ung thư phổi tới 14,7%, nữ là 4,9%.
Để dự phòng ung thư phổi, chuyên gia khuyến cáo nên chụp X quang ít nhất 6 tháng/lần, không đợi có triệu chứng ho, khó thở… mới đi khám bệnh đã diễn biến tới giai đoạn muộn.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc đúng thứ 5 trên toàn cầu và tỷ lệ tử vong đứng thứ 3. Tại Việt Nam ung thư dạ dày có tỷ lệ mắc và tử vong chỉ đứng sau ung thư gan và phổi. Tỷ lệ sống của bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc vào giai đoạn và xếp loại khối u tại thời điểm chẩn đoán.
Tại Mỹ ung thư dạ dày tại chỗ điều trị khỏi lên tới 68,8%; giai đoạn lan rộng 31%; di căn xa 5,3%.
"Ung thư dạ dày ở Việt Nam là căn bệnh hay gặp, nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược để sàng lọc và phát hiện sớm căn bệnh này. Chính vì vậy mà hầu hết các bệnh nhân ung thư dạ dày được chẩn đoán ở gia đoạn 2 và 3 thậm chí đã ở giai đoạn có di căn xa", bác sĩ Cẩm Phương nói.
Ung thư dạ dày vẫn chưa rõ nguyên nhân, một số yếu tố thuận lợi có thể dẫn tới bệnh mọi người cần lưu ý: 70% hợp mắc ung thư dạ dày có vi khuẩn HP; 10% do di truyền.
Một số yếu tố còn lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể tới như: hút thuốc lá, căng thẳng, ăn các thực phẩm kích thích mạnh như cay, nóng, mặn, béo phì...
Cách phát hiện ung thư dạ dày tốt nhất là nội soi ống mềm. Người trên 40 tuổi nên thực hiện mỗi năm 1 lần. Những người nằm trong yếu tố nguy cơ cao như gia đình có tiền sử, nhiễm vi khuẩn HP thì từ trên 30 tuổi nên thăm khám dạ dày hàng năm từ 1-2 lần.