Theo nhiều nguồn tin, Zircon là phiên bản cải tiến của tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos – mẫu thiết kế chung giữa Nga và Ấn Độc dựa trên nền tảng tên lửa P-800 Onyx. Do đó, Zircon có thể đạt tầm bắm hiệu quả khoảng 400 km.
Hãng tin Nga Zvezda dẫn tin từ tờ Washington Times của Mỹ nói rằng, việc phát triển tên lửa Zircon là một bước tiến vượt bậc trong phát triển vũ khí phi đối xứng đủ sức chống lại một cuộc tấn công hạt nhân.
"Với tiến bộ này, hệ thống phòng thủ của Mỹ như đi vào dĩ vãng" - Washington Times viết.
Trong lần thử nghiệm tháng 4/2017, Zircon đã đạt tốc độ Mach 8 (gấp 8 lần tốc độ âm thanh), khiến nó trở thành loại tên lửa bất khả chiến bại với mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của đối phương, theo Zvezda.
Các chuyên gia quân sự nhận xét, tên lửa hành trình siêu vượt âm X-51A Waverider đang được Mỹ thử nghiệm đã trở nên mờ nhạt trước Zircon.
Trong lần thử nghiệm vào tháng 8/2014, một tên lửa X-43A đã đạt tới vận tốc đỉnh 6.500 km/h nhưng lại phát nổ trên không trung ngay sau 7 phút bay.
Theo các chuyên gia, tên lửa Zircon 3M22 của Nga chưa bao giờ gặp phải sự cố như vậy kể từ khi bắt đầu thử nghiệm năm 2016.
"Điều đó giải thích tại sao trong tương lai gần, Zircon sẽ trở thành con át chủ bài trong bất cứ cuộc đối đầu nào có thể diễn ra với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ" - chuyên gia quân sự Nga Oleg Bozhov nhận xét trong bài viết trên Zvezda.
Theo Oleg Bozhov, điều quan trọng là Zircon có thể phóng từ chính các ống phóng dùng cho tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa diệt hạm Oniks.
Bozhov cho biết thêm, hệ thống tên lửa Zircon dự kiến sẽ được bổ sung vào kho vũ khí của Nga trong giai đoạn từ 2018 đến 2020.
Theo Bozhov, các tên lửa Zircon có thể được bố trí trên tàu tác chiến tên lửa hạt nhân hạng nặng Pyotr Veliky và tuần dương hạm Admiral Nakhimov, sau đó là các tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm thế hệ 5.
"Khi các nhà phát triển ngoại quốc vẫn còn đang tìm biện pháp đối phó, thì trong vòng 12-15 năm nữa sẽ không có một vũ khí mới nào đủ sức đánh chặn Zircon" - Bozhov kết luận.