Yếu tố 'giúp' Trung Mỹ thoát đại nạn châu chấu

Lê Hà |

Những trận mưa giông kéo dài tại Trung Mỹ, do ảnh hưởng của những cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp tại vùng biển Caribe trong hơn 1 tháng qua, đã giúp khu vực này thoát được đại nạn châu chấu tàn phá mùa màng.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, từ cuối tháng 7 vừa qua, các đàn châu chấu Trung Mỹ, có tên khoa học là Schistocerca piceifrons piceifrons, đã bắt đầu dịch chuyển từ phía Nam của Mexico và Guatemala về hướng Panama, đặt ngành nông nghiệp của tất cả các nước Trung Mỹ trong tình trạng báo động cao độ.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Sức khỏe Cây trồng thuộc Bộ Phát triển Nông nghiệp Panama (MIDA) Olegh Aguilar khẳng định điều kiện thời tiết trong 1 tháng vừa qua đã khiến các đàn châu chấu không vượt qua lãnh thổ Nicaragua và thậm chí giảm thiểu tại các "ổ dịch" tại Guatemala, El Salvador và bán đảo Yucatán (Mexico) “tới mức rất thấp gần như không đáng kể”.

Ông Aguilar khẳng định ngành nông nghiệp các nước Trung Mỹ giờ đây đã có thể yên tâm với mối đe dọa này, dù khuyến cáo vẫn tiếp tục đề cao cảnh giác trong trường hợp bùng phát một ổ dịch quy mô nhỏ trong khu vực.

Loài châu chấu Trung Mỹ có thể bay xa tới 150km mỗi ngày, tấn công hơn 400 loại thực vật, bao gồm cả các loại cây trồng phổ biến như ngô, lúa gạo, đỗ đen, cao lương, đậu tương, lạc, mía, ớt tiêu, cà chua, hoa quả có mũi, dừa, xoài và các đồng cỏ chăn thả gia súc.

Mức độ “dữ tợn” của loài sâu bọ đặc chủng này ở chỗ chúng có thể tiêu thụ mỗi ngày lượng thức ăn nặng tương đương 70% trọng lượng cơ thể của chúng – trung bình khoảng 2gr/con – đồng nghĩa với việc 1 đàn châu chấu khoảng 80 triệu con có thể tàn phá 100 tấn lương thực xanh mỗi ngày trong khu vực có diện tích 1km2.

Ngoài việc có sức tàn phá hơn hầu hết các loài sâu bọ “địa phương” khác, mối uy hiếp của châu chấu Schistocerca piceifrons piceifrons còn ở chỗ chúng có thể di chuyển nhanh khắp khu vực Trung Mỹ, hình thành các “đám mây châu chấu”.

Tháng 2 vừa qua, loài châu chấu sa mạc – được coi là “anh em họ” của châu chấu Trung Mỹ - đã gây ra đợt bùng phát sâu bệnh nặng nề nhất trong 70 năm qua tại Kenia và sau đó còn lan ra cả khu vực phía Đông và Sừng châu Phi, tàn phá mùa màng tại Somalia, Etiopia, Nam Sudan, Djibouti và Tanzania.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại