Ý tưởng không mới
Những đàn châu chấu khổng lồ ở các nước Đông Phi đang đe dọa nguồn lương thực của hơn 20 triệu người giữa bối cảnh thực phẩm đã ít đi rất nhiều do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hiện tại, các chuyên gia đang tìm những ý tưởng mới lạ để đối phó với châu chấu - bao gồm cả việc ăn chúng.
Được biết, châu chấu sa mạc được coi là loài côn trùng di cư có sức tàn phá khủng khiếp nhất. Chúng thường sống đơn độc trong môi trường sa mạc, nhưng những đợt mưa lớn đã giúp trứng châu chấu sinh tồn và phát triển với số lượng chưa từng thấy trong mùa hè năm nay.
Các đàn châu chấu lần đầu tiên xuất hiện ở Kenya vào cuối tháng 12/2019, với các đợt châu chấu thứ 2 xuất hiện tiếp sau đó vào tháng 4. Hiện tại, vùng này đang chuẩn bị đối phó với đợt châu chấu thứ 3, có thể các đợt sau đàn châu châu sẽ lớn hơn trong những tuần tới. Trong vòng 70 năm qua, đây là lần đầu tiên châu chấu xuất hiện với số lượng lớn như vậy.
Theo Liên Hợp Quốc, một đàn châu chấu bao phủ diện tích 1km2 có thể ăn số lượng thực phẩm của 35.000 người trong một ngày - một thiệt hại cực kỳ kinh hoàng đối với người nông dân địa phương.
Biến châu chấu sa mạc thành đồ ăn. Nguồn: Business Insider
"Chúng đã hủy hoại các cánh đồng ngô, cây pawpaw, chúng khiến chúng tôi gặp khó khăn,"
một người nông dân tên Kenyan nói.Các biện pháp kiểm soát châu chấu đã được thực hiện, bao gồm dùng thuốc trừ sâu truyền thống, dùng thuốc trừ sâu sinh học hoặc bắt châu chấu để ăn.
Chrystanus Tanga, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc tế về Côn trùng ở Nairobi, cho biết: "Tại một số vùng hẻo lánh, nhiều người đang bắt đầu ăn châu chấu".
"Chúng tôi nghĩ đây là điều cần được khuyến khích để nhiều người ăn châu chấu hơn thay vì coi rằng đây là loại thực phẩm của 'người cổ đại'," ông Tanga nói.
Điều cần lưu ý
Tuy nhiên, ăn châu chấu cũng có thể gây ra vấn đề về sức khỏe nếu châu chấu đã ăn những cây cối được xịt thuốc trừ sâu.
"Nếu loài sinh vật này bị tiêu diệt bởi chất hóa học và con người ăn chúng, thì nhất định sẽ có những vấn đề về sức khỏe".
Arnold van Huis, một nhà nghiên cứu côn trùng tại Đại học Wageningen (Hà Lan) và là một trong những nhà đồng tổ chức hội thảo "Côn trùng nuôi thế giới", nói về vị của châu chấu: "Cũng giống như thịt gà hay thịt bò, nếu không thêm gia vị mọi người sẽ không thấy châu chấu ngon. Cần phải nấu chúng đúng cách và còn tùy thuộc vào từng loại côn trùng".
"Có thể thêm một ít muối, cà chua và hành vào món ăn. Đôi lúc chúng ta cũng có thể nghiền châu chấu và biến chúng thành nhiều loại sản phẩm khác nhau".
Ông Arnold van Huis nói tiếp: "Hơn 70% đất nông nghiệp trên khắp thế giới được dùng để chăn nuôi gia súc. Khi nhu cầu thịt tăng gấp đôi, chúng ta phải tìm những nguồn protein mới. Và côn trùng - về mặt dinh dưỡng mà nói - cũng khá tương tự thịt gia súc. Chúng thậm chí còn tốt hơn".
"Bên cạnh đó, côn trùng còn tạo ra ít khí nhà kính hơn. Chúng chuyển hóa đồ ăn thành trọng lượng cơ thể khá hiệu quả. Có thể do côn trùng là sinh vật máu lạnh nên không cần thêm thực phẩm để giữ ấm. Để tạo ra 1kg thịt bò, trung bình cần 25kg thức ăn chăn nuôi. Đối với 1kg châu chấu, chỉ cần khoảng 2kg thức ăn."
Mới đây, các nhà khoa học tại các trung tâm nghiên cứu cũng đang tìm những giải pháp khác, bao gồm sử dụng một loại pheromone để kích thích châu chấu tập trung (rồi tiêu diệt bằng thuốc trừ sâu), hoặc dùng một loại nấm có thể khiến châu chấu bị nhiễm độc và chết mà không tổn hại tới môi trường xung quanh.
Mặc dù một số các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ đã quyên góp 160 triệu USD để kiểm soát châu chấu, nhưng nhiều người lo ngại rằng những tháng tới đại dịch châu chấu vẫn sẽ không kết thúc.