Kiribati: Từ "lời nguyền" cấm rẽ trái cho tới phong tục gây tranh cãi nảy lửa trong buổi đón tiếp đại sứ TQ

Tất Đạt |

Marakei là hòn đảo có nhiều truyền thuyết và phong tục đa dạng. Tại Kiribati, Marakei được biết đến là "hòn đảo của phụ nữ".

Một góc nhìn khác

Mới đây, bức ảnh đại sứ Trung Quốc ở Kiribati bước qua lưng những người dân bản địa đã gây ra hàng loạt tranh cãi trên nhiều diễn đàn thế giới. Trong bức ảnh này, nhiều thanh niên ở đảo Marakei đã nằm úp mặt xuống đất, tạo thành một đường đi cho đại sứ và đồng nghiệp bước qua khi họ vừa từ máy bay đi xuống.

Một video được chia sẻ trên Facebook cho thấy khi đại sứ Trung Quốc bước tới cuối đường, nhiều nam thanh niên khác của đảo nhanh chóng tới "góp vui" và kéo dài hàng người. Theo người dân đảo, buổi lễ diễn ra trong bầu không khí rất vui vẻ và trọng thị.

Tuy nhiên, nhiều người trên thế giới lại không nghĩ như vậy. Một số nơi cho rằng đây là "sự nhục nhã", "xấu hổ" và thậm chí là "vi phạm quyền con người". Ngoài ra, một số nhà bình luận còn nói bức hình đã thể hiện hình tượng Trung Quốc "bước qua mọi người dân ở Kiribati".

Kiribati: Từ lời nguyền cấm rẽ trái cho tới phong tục gây tranh cãi nảy lửa trong buổi đón tiếp đại sứ TQ  - Ảnh 1.

Bức ảnh đại sứ Trung Quốc bước qua lưng người dân gây tranh cãi.

Trong khi đó, người dân ở Kiribati lại không nghĩ như vậy. Rae Baintein, một thủ lĩnh trẻ có quê gốc ở đảo Marakei, nói: "Bức ảnh là một lời nhắc nhở rằng đôi lúc, cộng đồng quốc tế cần tôn trọng những nghi thức văn hóa bản địa và trách nhiệm cộng đồng của chủ nhà đối với các vị khách."

Kiribati không còn là cái tên lạ với truyền thông quốc tế. Đảo quốc này có khoảng 115.000 dân sinh sống trên 32 đảo san hô thấp và 1 đảo san hô cao. Trong thời gian qua, các lãnh đạo của Kiribati đã cố gắng đấu tranh cho các chính sách chống biến đổi khí hậu và hành động vì tương lai của nhân loại.

Truyền thuyết địa phương

Marakei là hòn đảo có nhiều truyền thuyết và phong tục đa dạng. Tại Kiribati, Marakei được biết đến là "hòn đảo của phụ nữ". Tương truyền, trên đảo có 4 linh hồn - và cũng là 4 nữ thần - bảo vệ Marakei và người dân đảo khỏi những kẻ xâm lược. Mỗi du khách tới đây đều phải đi một vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh đảo, tự giới thiệu bản thân với các nữ thần và để lại một món quà - có thể là thuốc lá hoặc tiền.

Nghi thức này là bắt buộc đối với bất kì ai tới đảo lần đầu tiên, dù là bằng thuyền hay máy bay. Theo lời người dân đảo, từ thời xa xưa, đã có một vị vua tới để chinh phục đảo Marakei. Lần đầu tới nơi, nhà vua đã cử hai người lính đi vòng quanh để khám phá xung quanh. Một người đi theo chiều kim đồng hồ, một người còn lại đi ngược chiều kim đồng hồ. Hai người sẽ gặp nhau ở giữa đường và sẽ kể lại cho nhà vua những gì họ thấy.

Kiribati: Từ lời nguyền cấm rẽ trái cho tới phong tục gây tranh cãi nảy lửa trong buổi đón tiếp đại sứ TQ  - Ảnh 2.

Tượng thờ thần Nei Nantekimam. Ảnh: Marita Davies/The Guardian

Tuy nhiên, khi hai người lính gặp mặt, người đi từ phía bên trái - tức xuôi chiều kim đồng hồ - bất ngờ tử nạn trong khi người còn lại bình an vô sự. Từ đó tới nay, khách tới thăm Marakei lần đầu đều phải đi một vòng ngược chiều kim đồng hồ. Nếu đi ngược lại, du khách có thể sẽ gặp xui xẻo.

Nơi thờ 4 vị nữ thần được đặt ở 4 hướng đông, tây, nam, bắc của Marakei. Ở phía bắc, gần sân bay và ngôi làng Rawannawi là nơi thờ nữ thần Nei Nantekimam. Bà đem lại của cải và thịnh vượng, mang tới cá tôm và nhiều loại hải sản khác để người dân có đồ ăn cũng như hàng hóa trao đổi.

Ở phía đông, gần làng Noraueu, nữ thần Tangaangau giúp bảo hộ đảo khỏi những kẻ có ý định xâm chiếm. Nhờ nữ thần này, người dân đã sống trong hòa bình trong nhiều năm.

Nữ thần Nei Rotebenua là nữ thần của sức khỏe, giúp người dân khỏe mạnh và có sức lực chinh phục biển cả. Cuối cùng, người dân đảo còn thờ nữ thần Nei Reei - nữ thần của sự may mắn, giúp mùa màng bội thu.

Các phong tục trên Marakei đều dựa trên sự tôn thờ các nữ thần, và quyết định thường được đưa ra bởi các bô lão tại nhà truyền thống trên đảo. Trong đó, nghi lễ bước qua lưng thường được thực hiện để đón tiếp các vị khách đặc biệt, thường được thấy tại đám cưới. Được biết, người nằm dưới đất sẽ rất vinh dự khi được người khác bước qua và nếu một người từ chối làm như vậy, thì đó sẽ là sự xúc phạm rất lớn. Cụ thể, người nằm dưới đất sẽ cho rằng vị khách "không coi họ ra gì" nên mới từ chối bước qua.

Do đó, đặt trong tình huống đại sứ Trung Quốc, có thể thấy đây là điều phù hợp với văn hóa ở địa phương và thể hiện sự hiếu khách cũng như mối quan hệ tốt giữa hai phía.

Katerina Teaiwa, một phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia chuyên nghiên cứu về Thái Bình Dương, tiết lộ rằng đại diện Trung Quốc không phải người duy nhất nhận được sự đón tiếp như vậy. Trước đó, một quan chức cấp cao Australia cũng đã thực hiện nghi lễ khi tới dự buổi khánh thành một trường cấp 2 ở Marakei nhiều năm trước. Một số bức hình cho thấy đại diện của Đài Loan (Trung Quốc) được đón chào tương tự hồi năm 2011.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại