Yết Kiêu thời hiện đại

VĂN TUẤN - PHÚ SƠN |

Đội nắng thắng mưa, thả trôi người vài chục giờ liên tục hay lặn sâu hơn 50m dưới biển… là chuyện “cơm bữa” đối với các chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, Quân chủng Hải quân.

Kiên trì vượt qua gian nan thử thách, làm những điều tưởng như rất khó trở thành bình thường, các anh xứng đáng là hậu duệ của Yết Kiêu, tiếp nối tổ tông viết nên trang sử vàng chói lọi của Bộ đội Hải quân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Tài không đợi tuổi

Để đạt đến trình độ tinh thông, nhuần nhuyễn về kỹ và chiến thuật của đặc công hải quân, ắt hẳn nhiều người nghĩ ngay rằng đó phải là quá trình rèn luyện công phu qua nhiều năm. Về cơ bản là như vậy, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, bằng ý chí quyết tâm cao độ, niềm say mê ngày đêm luyện tập, một chiến sĩ trẻ hoàn toàn có thể đạt được điều đó trong thời gian ngắn.

Yết Kiêu thời hiện đại - Ảnh 1.

Các chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 thực hành huấn luyện.

Sau buổi huấn luyện bơi, làn da của Hạ sĩ Nguyễn Văn Vĩ sạm nắng, dù đã khô nhưng thỉnh thoảng có những vết mốc, nồng nồng vị mặn mòi của biển. Gặp ánh mắt liếc nhìn của khách, Vĩ vui vẻ tếu táo: "Vết mốc được ví là phù hiệu của lính đặc công nước". Rồi Vĩ giải thích, là lính đặc công hải quân nên các bài tập chủ yếu gắn với thao trường biển.

Thời gian luyện tập có khi một vài giờ nhưng cũng có lúc lên tới hàng chục giờ liên tục nên dường như nước biển đã ngấm vào một phần da thịt, tạo nên màu và chất đặc trưng rất riêng. Khoe độ bóng cháy của da mình, Vĩ tự hào lắm! Vì đó như một minh chứng ngầm về sự trải nghiệm, ý chí kiên cường khắc phục khó khăn, gian khổ.

Thượng tá Trần Văn Nghĩa, Phó chính ủy Lữ đoàn cho biết: "Vĩ là một chiến sĩ triển vọng của đơn vị, mặc dù tuổi đời và tuổi quân còn rất trẻ. Vĩ sinh năm 1995, nhập ngũ tháng 2-2017 nhưng khả năng bơi, lặn khá toàn diện, được đơn vị tin tưởng giao thực hiện những nhiệm vụ quan trọng".

Trong cơn bão số 12 năm 2017, tàu du lịch Jupiter gặp nạn ở phao số 0, cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, nhiều thuyền viên bị mất tích. Sau khi có công văn đề nghị của Bộ CHQS tỉnh Bình Định và chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên, Lữ đoàn 126 đã thành lập đội cứu nạn tham gia tìm kiếm. Lần đó, Vĩ cũng được tham gia.

Mặc dù vận tốc dòng chảy là 3-4m/s, nhưng Vĩ và các đồng đội vẫn lặn sâu đến hơn 50m để thực hiện nhiệm vụ. Lặn xuống độ sâu đó là một thách thức rất lớn.

Vĩ nhớ lại: "Xuống độ sâu như vậy, ngực, phần giữa của tai, các hốc xương ở mũi, trán... của tôi cảm thấy đau nhức. Đặc biệt là màng nhĩ. Dù nút kín lỗ tai để tránh áp suất tác động nhưng xuống chừng 3m tôi đã cảm thấy khó chịu. Màng nhĩ không cảm nhận được thay đổi về áp suất ở độ sâu, do đó cơ chế thích nghi không làm việc".

Nếu như trên cạn, cơ thể chỉ chịu áp lực của không khí (khoảng 1atm) thì ở dưới nước chúng ta phải chịu thêm áp lực của nước (cứ 10m nước là thêm 1atm) cộng với không khí. Nghĩa là mỗi 1cm2 sẽ tăng thêm áp lực là 1kg. Ở các buổi huấn luyện, Vĩ và các đồng đội lặn sâu 20m-30m là bình thường.

Tôi nhẩm tính, nếu chúng ta lặn sâu 30m thì cơ thể đã chịu lực ép tương đương 45.000kg! Vậy làm sao cơ thể có thể chịu đựng được. Vĩ nhoẻn miệng cười lý giải: "Do sự cân bằng áp suất giữa bên trong và bên ngoài cơ thể, cơ quan của người trưởng thành có tới hơn 60% là nước.

Mặt khác, không khí nén mà người đó hít vào lại có áp suất bằng áp suất mà nước tác dụng vào người đó, giúp đối trọng lại sức đè này". Tuy nhiên, áp suất bên trong và bên ngoài còn cân bằng nhau thì người lặn vẫn trong trạng thái an toàn, một khi áp suất bên ngoài quá lớn so với áp suất bên trong, cơ thể sẽ bị nước "đè" chết!

Vĩ khoe, vừa rồi cùng với một số đồng đội trong đơn vị đi huấn luyện chuyên sâu ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, Vĩ phải luyện tập khả năng làm việc dưới nước. Mặc dù lặn sâu nhiều chục mét, nhưng Vĩ và các đồng đội vẫn phải làm việc tìm kiếm và các hoạt động quân sự khác trong khoảng 30 đến 40 phút.

Vĩ cũng là một trong số rất hiếm chiến sĩ sau gần một năm huấn luyện đã bơi được hơn 20km, thành tích mà một người bình thường phải rèn luyện liên tục trong 4 đến 5 năm. Để đạt được trình độ như vậy, Vĩ không nhớ hết bao nhiêu lần bị say lặn, say nước, say sóng biển. Cơ thể đau nhức, đầu óc chênh chao hàng tuần.

"Hơn một người"

Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 là một đơn vị có bề dày lịch sử, hai lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1969 và 1971), 4 tập thể được phong tặng anh hùng, trong đó riêng Đội 1 của lữ đoàn đã 3 lần được phong anh hùng. Có 12 cá nhân được phong anh hùng.

Ngay sau khi được thành lập, Đoàn 126 đã tham gia hàng trăm trận đánh, trong đó có những trận đánh để đời: Trận đánh sập cầu Thủy Tú ngày 2-4-1967; trận đánh tàu chở dầu USS Noxubee ngày 9-9-1969; Chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa, tháng 4-1975.

Là một đơn vị có thành tích đặc biệt như vậy nên lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn trăn trở làm sao để hiệu suất chiến đấu của anh em cũng phải đặc biệt, cần có một phong trào thôi thúc con người luôn vượt qua giới hạn của bản thân, không những giỏi việc của mình mà giỏi việc khác, một người có thể làm việc nhiều hơn chính mình, bằng hai mình, ba mình, thậm chí "n" mình… và tạo nên sức mạnh xứng đáng là một quân nhân ở trong một đơn vị tinh nhuệ, đặc biệt.

Xuất phát từ thôi thúc đó, mô hình "Hơn một người" của lữ đoàn đã ra đời, gắn liền với đó là Phong trào "5 giỏi": Bơi lặn giỏi, bắn giỏi, võ giỏi, tác chiến giỏi và giỏi chịu đựng khó khăn, gian khổ.

Yết Kiêu thời hiện đại - Ảnh 2.

Cán bộ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi bước vào huấn luyện.

Trung úy QNCN Hoàng Anh Cường là một trong những tấm gương tiêu biểu của các phong trào đó. Trở về đơn vị sau hai tháng huấn luyện thực tế tại vùng biển tỉnh Quảng Trị, cơ thể của Cường lột ra từng mảng da chết.

Cường chia sẻ: "Sau mỗi đợt huấn luyện chuyên sâu, hầu hết ai cũng bị như vậy cả. Chúng tôi thường xuyên huấn luyện liên tục dưới nước từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối". Đặc thù của bộ đội đặc công hải quân là hoạt động trong môi trường nước nên ngoài việc phải tinh thông mảng miếng võ thuật, các chiến sĩ phải có kỹ năng hoạt động trong nước. Bơi đường dài và thả trôi là hai trong nhiều kỹ năng cơ bản của đặc công hải quân.

Cường kể: "Trong suốt hành trình bơi 12 tiếng liên tục, mỗi chiến sĩ được nghỉ hai lần. Nhưng cũng chỉ được ôm phao nghỉ tại chỗ. Tranh thủ thời gian đó, anh em ăn cơm nắm muối vừng cho đỡ đói".

Dù đã được ăn loại thực phẩm đặc biệt có đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng nhưng cơm nắm muối vừng vẫn là món khoái khẩu của các chiến sĩ. Thời gian mỗi lần nghỉ vẻn vẹn 15 phút nên không khí hết sức khẩn trương.

Cường kể: "Vừa đưa cơm lên miệng sóng đánh ập tới. Không cầm chắc là bay cơm. Cơm muối vừng trộn nước biển mặn đắng mà ăn vẫn thấy ngon lành". Trong mỗi lần bơi xa như vậy, các chiến sĩ hải quân thường bơi theo tốp và phải kéo theo hàng trăm ki-lô-gam vật nặng.

Chiến thuật của bộ đội đặc công là thọc sâu đánh hiểm. Trên mặt đất hay mặt nước cũng đều vậy. Tuy nhiên, do điều kiện mặt nước bằng phẳng nên bộ đội phải học cách thả trôi. Thời gian có thể lên đến hơn 20 giờ liên tục. Khi chúng tôi trao đổi về kỹ thuật này, cả Vĩ và Cường đều cho biết, đây là kỹ thuật rất khó.

Dù thả trôi nhưng các chiến sĩ trong tổ vẫn phải giữ được đội hình và cần một nền tảng thể lực rất tốt. Mặc dù mặc quần áo chuyên dụng nhưng nước vẫn ngấm qua. Hơn 20 giờ ngâm nước, cơ thể dễ bị nhiễm lạnh. Chưa kể yếu tố nắng, mưa thất thường trên biển.

Các chiến sĩ phải thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau. Vì suốt thời gian thả trôi cần phải tỉnh táo, chỉ cần một phút lơ là, thiếp đi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Suốt thời gian làm việc với các chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, chúng tôi đi từ ngạc nhiên tới khâm phục. Có những lúc nghẹn ngào trước những khó khăn, vất vả mà các anh phải trải qua.

Nhưng điều chúng tôi nói lên được một thì sự vất vả đó phải gấp cả trăm lần. Bởi không chỉ đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ về quân sự, khi có yêu cầu tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều phải tham gia.

Trong những lần thực hiện nhiệm vụ như vậy, các anh phải đương đầu với biết bao nguy hiểm tiềm ẩn. Đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng của mình. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, sự hy sinh của các chiến sĩ đặc công hải quân rất thầm lặng.

Được tiếp xúc, tìm hiểu truyền thống và sự phát triển của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với các lực lượng khác, sự đóng góp của các anh sẽ giúp cho vùng biển rộng lớn của đất nước được bình yên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại