Ý tưởng về "hạm đội tàu thồ" có phải là giải pháp tăng cường sức mạnh cho hải quân các nước?

Quế Mai |

Được cải tạo từ một tàu chở dầu và đưa vào trang bị năm 2021, cho tới nay IRINS Makran dài 230 mét vẫn là ESB (Căn cứ Viễn chinh Di động) duy nhất của Hải quân Iran.

Đúng như cái tên ESB, con tàu có thể được sử dụng như một căn cứ hải quân di động với 82.000 tấn vật tư và là nơi xuất phát của các trực thăng và máy bay không người lái (UAV) và các tàu tấn công nhanh.

Với không gian và trọng tải lớn - về mặt lý thuyết IRINS Makran có thể mang nhiều vũ khí và đạn dược hơn, thậm chí có thể mang theo bệ phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa tầm xa cỡ lớn.

Những năng lực nêu trên cho thấy IRINS Makran khá phù hợp để hoạt động như tàu mẹ trong các hoạt động đặc biệt hoặc tác chiến phi đối xứng - nó sẽ là nơi xuất phát của UAV, tàu tấn công nhanh, người nhái hoặc thậm chí là rải thủy lôi.

Ý tưởng về hạm đội tàu thồ có phải là giải pháp tăng cường sức mạnh cho hải quân các nước? - Ảnh 1.

Các tàu tấn công nhanh cùng sàn đáp trực thăng trên IRINS Makran của Hải quân Iran.

Tuy nhiên theo các chuyên gia quân sự Mỹ - nếu xung đột nổ ra, ESB của Iran sẽ trở thành một "mục tiêu lớn".

Bất chấp nhận xét này, thực tế là IRINS Makran không phải là ESB đầu tiên trên thế giới và người Iran cũng không phải là những người đầu tiên có ý định xây dựng một "hạm đội tàu thồ" từ các ESB.

Hải quân Mỹ hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này - họ đã trang bị 4 ESB thuộc lớp Lewis B. Puller từ năm 2017 đến 2022 và hiện 2 chiếc khác cũng đang được sản xuất để chuẩn bị gia nhập "hạm đội".

Ý tưởng về hạm đội tàu thồ có phải là giải pháp tăng cường sức mạnh cho hải quân các nước? - Ảnh 2.

ESB USS Miguel Keith (ESB-5) lớp Lewis B. Puller của Hải quân Mỹ.

Các ESB này được phát triển để hỗ trợ các nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt , hoạt động chống cướp biển, buôn lậu, đảm bảo an ninh hàng hải và rà phá bom mìn...

Nhưng chúng cũng có thể là nơi xuất phát của trực thăng chống ngầm MH-53E Sea Dragon, máy bay lên thẳng MV-22 Osprey và thậm chí là cả tiêm kích tàng hình F-35B - có thể nói chúng đang đóng vai trò gần như một tàu sân bay cỡ nhỏ.

Người Trung Quốc cũng không đứng ngoài xu thế này.

Vào năm 2020, một ESB đã xuất hiện trong video ghi hình một cuộc tập trận của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN). Nó đóng vai trò như căn cứ cho ít nhất hai trực thăng quân sự.

Ý tưởng về hạm đội tàu thồ có phải là giải pháp tăng cường sức mạnh cho hải quân các nước? - Ảnh 4.

Như vậy là - dù các chuyên gia quân sự đánh giá thấp ý tưởng cải tạo các tàu chở hàng hay chở dầu thành khí tài quân sự - điều đó đã, đang và sẽ diễn ra.

Trong một bài viết được đăng tải trên tờ Forbes, nhà phân tích David Axe đã nhận xét:

"Mặc dù được chế tạo theo tiêu chuẩn thương mại, chậm chạp, không bọc thép và không trang bị vũ khí hiệu quả nhưng với chi phí khoảng 500 triệu USD mỗi chiếc, ESB vẫn là cách rẻ tiền nhất để bổ sung năng lực cho các lực lượng hải quân thế giới".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại