Hậu cần luôn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến kéo dài. Xung đột giữa Ukraine - Nga không phải là một ngoại lệ. Điểm yếu về hậu cần của phương Tây đã bộc lộ rõ.
Xe tăng Nga nã pháo trong xung đột Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Đúng là có những đội quân nổi dậy đánh bại lực lượng mạnh hơn nhờ vào lòng quyết tâm. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng đa phần lực lượng được trang bị tốt hơn sẽ giành chiến thắng trước bên được trang bị kém hơn. Tướng Mỹ Omar Bradley từng nói rằng "người không chuyên thì nói chiến lược, còn người chuyên nghiệp lại nói hậu cần".
Hiện nay, Ukraine đang đối mặt với vấn đề rất lớn về hậu cần - những thứ rất cụ thể, sát sườn về đạn dược, vũ khí và nhân lực. Trong xung đột Ukraine hiện nay, khối phương Tây đang cạn dần cả 3 yếu tố này.
UAV, trọng pháo và máy bay Nga đã đánh mạnh vào cơ sở công nghiệp của Ukraine. Thiệt hại kinh tế của Ukraine là vô cùng to lớn. Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn ước tính 113 tỷ USD viện trợ quốc phòng và tài chính cho Ukraine kể từ tháng 2/2022 - nhiều hơn một nửa GDP trong năm của Ukraine.
Mỹ và khối quân sự NATO đang ngày càng nhận thức rõ thực tế nghiệt ngã là kho vũ khí của phương Tây suy giảm mạnh mỗi ngày và họ hiện không có năng lực công nghiệp để bổ sung chính kho vũ khí của họ, chưa nói đến việc tiếp tục vũ trang cho Ukraine.
Sự trở lại của chiến tranh công nghiệp tiêu hao
Sau khi kết thúc Thế chiến II, nhiều nhà hoạch định quân sự phương Tây cho rằng "chiến tranh lai" (hay chiến tranh tổng hợp) đã thay thế chiến tranh quy ước quy mô lớn.
Trong một bài tiểu luận gần đây trên Tạp chí Nghiên cứu an ninh toàn cầu, "chiến tranh lai" thường được tiến hành thông qua hoặc là chống lại các nhân tố ủy nhiệm hoặc phi nhà nước, thường sử dụng chiến thuật mưu mẹo và chiến tranh mạng, chiến tranh kinh tế.
Năm 2009, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Anh khi đó, tướng David Richards, đã bác bỏ ý tưởng cho rằng Nga hoặc Trung Quốc sẽ không dám đối mặt với phương Tây bằng vũ khí thông thường. Tuy nhiên Porter chứng minh rằng cách nhìn nhận này sai rõ rệt.
Một trong các thí dụ rõ ràng nhất về cách nghĩ này là kế hoạch tác chiến chỉ yêu cầu các nước NATO tích trữ đủ vật liệu để duy trì chiến đấu cường độ cao chỉ trong 30 ngày.
Cách chuẩn bị cho chiến tranh đầy lạc quan như thế này là điển hình cho các nhà hoạch định chính sách thời bình. Về điểm này, tác giả Barbara Tuchman đã nêu trường hợp các chính phủ tích trữ đạn pháo trước Thế chiến I mà họ tin sẽ đủ cho họ dùng trong một cuộc chiến giả định. Tuy nhiên, sau những diễn biến chiến trường vào tháng 8/1914, kho vũ khí của các phe trong Thế chiến II đã bị suy giảm nhanh chóng trong vài tháng.
Một trong những đặc điểm nổi bật của xung đột Ukraine - Nga hiện nay là việc hai bên dựa nhiều vào đạn pháo và lực lượng bộ binh dự bị. Chính vì vậy, phương Tây đã bị động, bất ngờ, phát động cuộc chiến tiêu hao ủy nhiệm mà không có nền tảng công nghiệp để đạt được điều đó. Trái lại, ngành công nghiệp quốc phòng Nga, theo ngôn từ của John Mearsheimer, "được thiết kế để chiến đấu trong Thế chiến I".
Cạn kiệt vũ khí
Tổng thống Mỹ Joe Biden công khai thừa nhận rằng quân đội Mỹ gửi đạn chùm cho Ukraine bởi vì Mỹ không thể cung cấp đủ số đạn pháo mà Ukraine cần. Rò rỉ tình báo của Lầu Năm Góc vào thời điểm trước đó trong năm 2023 chỉ ra rằng Mỹ đã gây sức ép để Hàn Quốc gửi thêm 330.000 quả đạn pháo 155mm cho Ukraine, có thể là qua ngả Ba Lan. Có các tin tức nói rằng Hàn Quốc cho Mỹ vay nửa triệu quả đạn pháo 155mm. Nhưng ngay cả khi Hàn Quốc gửi hẳn 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine thì điều này vẫn khó bù đắp được cho sự mất cân bằng lớn về pháo binh.
Sự thiếu cân bằng nói trên là một trong các triệu chứng của vấn đề lớn hơn: Phương Tây không thể chuyển sang nền kinh tế thời chiến.
Một bản báo cáo gần đây của Viện Royal United Services (RUSI, có trụ sở ở Anh) ước tính rằng Nga bắn 12 triệu đạn pháo trong năm 2022 và sẽ bắn 7 triệu quả đạn pháo trong năm 2023 này.
Kho đạn thời Xô viết của Nga đang cạn đi nhưng hiện nay Nga có khả năng sản xuất 2,5 triệu quả đạn pháo mỗi năm, bên cạnh đạn pháo nhập từ một số nước châu Á.
Trái lại, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, có trụ sở tại Mỹ) ước tính vào tháng 2/2023 rằng Mỹ có thể chỉ sản xuất được 93.000 quả đạn pháo 155mm mỗi năm - tất cả số này dùng cho cho huấn luyện. Nếu quân đội Mỹ đẩy nhanh được hoạt động sản xuất đạn, họ sẽ tạo ra được 240.000 quả đạn mỗi năm nhưng con số này vẫn kém mức sản xuất hiện hành của Nga. Thậm chí nếu Lầu Năm Góc đạt được mục tiêu đã tuyên bố là sản xuất 90.000 quả đạn pháo mỗi tháng vào năm tài khóa 2025, thì vẫn chỉ bằng một nửa mức độ sản xuất hiện nay của Nga.
Các thành viên khác của NATO còn gặp trạng thái tệ hại hơn. Hồi tháng 6, quân đội Đức phát hiện ra rằng chỉ còn 200.000 quả đạn pháo 155m trong toàn bộ kho vũ khí của họ. Nước Anh thì không thể sản xuất nổi nòng súng cỡ lớn cho xe tăng và pháo binh. Lượng lớn vũ khí khí tài mà NATO gửi cho Ukraine được bảo dưỡng kém. Trong khi đó, ít nhất 20% thiết bị mặt trận mà phương Tây tích góp cho cuộc phản công của Ukraine đã bị phá hủy trong riêng tuần đầu tiên.
Đây là chưa kể những vấn đề lớn khó tránh khỏi khi xây dựng một đội quân từ các kho dự trữ của thế giới. Xe thiết giáp bị hư hỏng ở tiền tuyến không dễ sửa chữa do thiếu một loạt vật liệu, sự bảo dưỡng và huấn luyện cần thiết để duy trì từng loại thiết bị. Ukraine hiện đang sử dụng tới 14 loại lựu pháo 155mm khác nhau, khiến cho việc này thêm khó khăn.
Thực tế khó khăn của xung đột vũ trang
Ukraine thiếu nghiêm trọng vũ khí và nhân lực. Đỉnh cao viện trợ cho Ukraine đã qua và khó trở lại trong những tháng năm tiếp theo. Nga đang giành lợi thế trên chiến trường nên việc đàm phán theo hướng có lợi cho Ukraine sẽ khó xảy ra.
Hiện nay còn ít bằng chứng cho thấy phương Tây có thể dùng chiêu thức gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Nga Putin đến tạo ra sự sụp đổ bên trong chế độ.
Nếu tình hình cứ tiếp diễn như hiện nay, vị thế của Ukraine sẽ có khả năng xấu đi tiếp. Sự thiếu cân bằng về mặt cấu trúc bên phía Ukraine sẽ không cải thiện chỉ nhờ vào vài chuyến vận chuyển vũ khí khí tài từ phương Tây sang. Nếu muốn so Ukraine với Nga thì liên minh phương Tây phải tái công nghiệp hóa chuỗi cung ứng quân sự trên quy mô lớn. Hiện nay không chắc liệu phương Tây có khả năng đó hay không.
Trong khi đó, phía Nga có thể sẽ có một đợt gọi nhập ngũ mới, càng làm tăng lợi thế của Nga trên chiến trường. Một bài viết của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho chiến sự dài hơi.
Thực tế hậu cần khó thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine. Cũng không có dấu hiệu phương Tây sẽ quyết tâm huy động lực lượng tới mức độ như Nga làm. Thời gian đang có lợi cho Nga hơn.