Xung đột Nagorno-Karabakh: Nga “muốn lặng” nhưng Thổ Nhĩ Kỳ “chẳng đừng”

Kiều Anh |

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang đối đầu nhau về một loạt vấn đề trong khi những căng thẳng vẫn không ngừng gia tăng, từ cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan cho tới thỏa thuận quốc phòng với Ukraine.

Nga vẫn “nhịn” Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Nagorno-Karabakh

Lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian trong cuộc xung đột Nagorno - Karabakh đã sụp đổ. Azerbaijan và Armenia tăng cường tiến hành các chiến dịch quân sự.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AFP

Theo trang Asia Times, tờ Izvestia dẫn lời các chuyên gia Nga khẳng định cuộc xung đột trên sẽ tiếp diễn mà không có sự can thiệp của bên thứ ba.

Đây cũng là lập trường của Moscow trong cuộc giao tranh này và dường như xuất phát từ những bình luận hôm 14/10 của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng điện Kremlin sẽ không loại trừ khả năng các nhà quan sát quân sự sẽ có trong cơ chế kiểm soát ngừng bắn ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Ông Lavrov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông: "Hiện nay, đây thậm chí không phải là lực lượng gìn giữ hòa bình (những người sẽ tham gia vào cơ chế xác minh) mà chỉ là các nhà quan sát quân sự, như vậy là đủ rồi. Chúng tôi cho rằng việc cử các nhà quan sát quân sự tới là hoàn toàn đúng đắn nhưng lựa chọn cuối cùng như thế nào sẽ thuộc về các bên".

"Rõ ràng chúng ta đang tính tới giả thiết cả Armenia và Azerbaijan đều quan tâm đến liên minh và các mối quan hệ đối tác chiến lược với chúng ta", phía Nga cho hay.

Nói một cách cụ thể, Nga đang tự thay mặt Nhóm Minsk và coi việc Azerbaijan phải chấp nhận việc này như một điều tất nhiên giữa bối cảnh một tuyên bố chung trong cuộc gặp cấp Ngoại trưởng giữa 3 bên Nga, Armenia và Azerbaijan đã được đưa ra hôm 9/10 tại Moscow.

Ông Lavrov giải thích cơ chế kiểm soát việc ngừng bắn nên được thực hiện dọc khu vực đường liên lạc của các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh. Ông cũng tiết lộ Tổng thống Nga Putin sẽ có hướng tiếp cận chủ động và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đang trong quá trình trao đổi với những người đồng cấp của Armenia và Azerbaijan.

Nga đang làm mọi cách để tránh những diễn biến thảm khốc trên thực địa giữa 2 quốc gia trên. Ngoại trưởng Lavrove cho hay: “Việc tổ chức ngay lập tức một cuộc trao đổi quân sự để thống nhất về cơ chế ngừng bắn là điều vô cùng cần thiết. Tôi tin rằng đây là chìa khóa để chấm dứt cuộc xung đột, vốn đang ảnh hưởng đến cơ sở vật chất và người dân".

Tuy nhiên, một điều dễ thấy là Nga dường như đang phớt lờ sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một bên can thiệp vào khu vực Kavkaz. Azerbaijan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ nên có trong các cuộc trao đổi liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh và rằng cuộc xung đột này sẽ không thể giải quyết nếu không có sự can thiệp của Ankara.

Dù vậy, Moscow đã phớt lờ điều này.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết hôm 14/10 rằng những chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Azerbaijan.

Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng?

Sự "làm thinh" của Nga khiến Thổ Nhĩ Kỳ không muốn bỏ cuộc. Do đó, không mấy ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch cho chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần này và nhiều khả năng một thỏa thuận hợp tác quân sự giữa 2 bên sẽ được ký kết.

Một số thỏa thuận vũ trang quan trọng dường như đã đi vào thực hiện sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tới Kiev hồi tháng 7.

Điều đáng nói là, theo Defense News đưa tin gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ tiếp nhận công nghệ kỹ thuật chiến đấu cơ từ Ukraine. Theo bài báo trên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn phát triển công nghệ kỹ thuật quân sự cho các loại máy bay khác nhau mà nước này đã phát triển.

Bài báo này cũng dẫn nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hãng SE Ivchenko-Progress của Ukraine đang sản xuất động cơ AI-35 cho dòng tên lửa Gezgin nội địa mới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây có thể là một dự án quốc phòng quan trọng của Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Trang Defense News cho biết: "SE Ivchenko-Progress, một công ty con của tập đoàn quốc phòng Ukroboronprom của Ukraine đã thiết kế và sản xuất các động cơ cho 66 loại chiến đấu cơ của hơn 100 quốc gia trên thế giới".

"Dòng động cơ AI-35 được phát triển để vận hành hệ thống máy bay không người lái tốc độ cao và các tên lửa hành trình tiên tiến. Các nhà phân tích đã ví tên lửa Gezgin của Thổ Nhĩ Kỳ tương tự như Tomahawk do Mỹ chế tạo. Chương trình Gezgin được thiết kế để phát triển khả năng tấn công tầm xa theo quy ước cho các phương tiện và vũ khí trên biển. Loại tên lửa mới này được cho là có tầm bắn xấp xỉ 1.000 km".

Moscow hẳn đã biết về những động thái này và rõ ràng đang tìm cách đẩy Ankara khỏi khu vực Kavkaz do lo ngại về những hệ lụy ở nơi được coi là "sân sau" này. Hôm 14/10, Ngoại trưởng Nga đã công khai thể hiện sự bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vốn cho rằng các biện pháp quân sự có thể giải quyết được cuộc xung đột ở Karabakh.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky ủng hộ việc mời các cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tới nước này. Một tuyên bố từ chính quyền Kiev về chuyến thăm của Tổng thống Zelensky tới Ankara đã khẳng định rằng, thỏa thuận quân sự đề xuất với Thổ Ngĩ Kỳ "phản ánh sự đảm bảo về an ninh và hòa bình tại khu vực Biển Đen".

Rõ ràng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine khiến Nga lo ngại sâu sắc bởi việc này có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng quân sự ở Biển Đen giữa bối cảnh NATO đang tăng cường hiện diện trong khu vực này.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo nên những rắc rối khiến Nga "đau đầu" khi mà quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang căng thẳng về nhiều vấn đề, trong đó có vụ đầu độc chính trị gia đối lập ở Nga Alexei Navalny. Quan trọng hơn, diễn biến mới này có thể làm suy giảm sự hợp tác truyền thống giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen.

Liệu những rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có "phủ bóng" lên tình hình hiện nay tại Syria hay không? Chắc chắn nếu Nga muốn gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ, không lúc nào thuận lợi hơn lúc này để các lực lượng chính phủ Syria tấn công giành lại Idlib.

Dù vậy, việc này có thể gây nên những hâu quả khó lường khi khoảng 12.000 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng quân ở 140 căn cứ tại Idlib.

Mỹ sẽ không thể tới hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Hơn nữa, Washington và Ankara cũng bất đồng với nhau về những diễn biến tại Đông Địa Trung Hải. Trong một tuyên bố hôm 13/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phàn nàn về hoạt động nghiên cứu mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển này.

Mỹ đã đặc biệt cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ: "Các biện pháp cưỡng ép, đe dọa, bắt nạt và các hành vi quân sự sẽ không thể giải quyết được những căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải. Chúng tôi hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hành vi khiêu khích có tính toán này và ngay lập tức bắt đầu trao đổi với Hy Lạp. Những hành động đơn phương không thể xây dựng lòng tin và sẽ không tạo ra những giải pháp lâu dài".

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đơn giản đã "bỏ ngoài tai" lời cảnh báo trên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại