Xung đột bạo lực và những thương vụ mua bán vũ khí béo bở

Duy Ân |

Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu ở SIPRI, nhận định: “Mỹ xuất khẩu vũ khí đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời một số lớn các nước sẵn sàng bỏ tiền ra mua vũ khí Mỹ”. Xuất khẩu vũ khí Mỹ cao hơn 58% so với Nga – quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ 2 thế giới.

Mỹ dẫn đầu và sự tăng trưởng nhanh của Trung Quốc

Nội chiến khốc liệt ở Syria và Yemen kết hợp với sự cạnh tranh quyền lực trở lại giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc làm bùng nổ thị trường vũ khí hết sức nóng bỏng.

Kể từ đó, không có gì ngạc nhiên khi chứng kiến nền công nghiệp vũ khí toàn cầu phát triển "thịnh vượng" với thị trường vũ khí hiện nay trị giá khoảng 100 tỷ USD/năm – theo số liệu thống kê do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đặt trụ sở tại Thụy Điển.

Cũng theo SIPRI, số lượng vũ khí bán trên thị trường từ năm 2013 đến 2017 tăng 10% so với khoảng các năm 2008 – 2012. Trong đó, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về giao dịch xuất khẩu vũ khí – chiếm đến 34%.

Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu ở SIPRI, nhận định: "Mỹ xuất khẩu vũ khí đến rất nhiều quốc gia trên thế giới đồng thời một số lớn các nước sẵn sàng bỏ tiền ra mua vũ khí Mỹ". Xuất khẩu vũ khí Mỹ cao hơn 58% so với Nga – quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ 2 thế giới.

Các quốc gia Trung Đông được coi là những khách hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó đứng đầu danh sách là Ả Rập Xê Út.

Lượng vũ khí nhập khẩu vào Trung Đông tăng gấp đôi trong 10 năm qua do hàng loạt xung đột bạo lực diễn ra khắp khu vực, chủ yếu là nội chiến khốc liệt ở Syria và Yemen – những nơi mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) mô tả là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới do con người gây ra.

Năm 2010, Washington thông báo một giao dịch xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong lịch sử: Ả Rập Xê Út có kế hoạch mua của Mỹ số máy bay chiến đấu trị giá 42 tỷ euro (60 tỷ USD) trong thời gian từ 5 đến 10 năm.

Tiền bạc không thành vấn đề, và không quân Ả Rập Xê Út sẽ nhận được những chiếc máy bay chiến đấu ném bom hiện đại F-15, máy bay trực thăng tấn công Apache, tên lửa, thiết bị radar và bom.

Theo tờ Wall Street Journal, đơn đặt hàng vũ khí của Ả Rập Xê Út đủ để bảo đảm cho 77.000 việc làm ở công ty Boeing! Ngoài ra, hoàng gia Ả Rập Xê Út còn dành đến 30 tỷ USD để hiện đại hoá lực lượng hải quân.

Năm 2010, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đặt mua vũ khí Mỹ trị giá 40 tỷ USD. Để có thể bắn rơi tên lửa của Iran, UAE cũng đặt mua hệ thống phòng không hiện đại nhất của Mỹ.

Về phía mình, Washington thật sự cũng muốn đặt một hệ thống phòng không tương tự trong toàn khu vực. UAE cũng biết cách tiêu tiền của mình bởi vì họ cũng sợ đất nước Iran láng giềng.

Theo các tài liệu ngoại giao mật của Đại sứ quán Mỹ ở Abu Dhabi được Wikileaks tiết lộ, UAE tiêu bạc tỷ để mua vũ khí một cách ồ ạt. Tuy nhiên UAE không muốn "đặt toàn bộ trứng vào một cái giỏ", nên họ khôn ngoan mua vũ khí cả từ những nước khác như Pháp, Anh và ngay cả Trung Quốc.

Xung đột bạo lực và những thương vụ mua bán vũ khí béo bở - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ trong cuộc diễn tập ở Hàn Quốc.

Ở Trung Quốc, khi kinh tế tăng trưởng thì ngân sách dành cho quốc phòng cũng tăng lên theo giúp nước này trở thành một trong những nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu quan trọng và hiện nay được xếp vào hàng thứ 5 trên thế giới – đứng sau Mỹ, Nga, Pháp và Đức song đứng trước Anh.

Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng 38% giữa các năm 2008 – 2017, và ngân sách quốc phòng hiện nay là 105 tỷ USD - đứng hàng thứ 2 trên thế giới sau Mỹ (602 tỷ).

Khi Trung Quốc tiêu nhiều tiền hơn vào nền công nghiệp quốc phòng, điều đó có nghĩa là nước này cũng thách thức các quốc gia phương Tây về công nghệ cao trong các hệ thống vũ khí.

Nữ chuyên gia nghiên cứu Meia Nouwens ở Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đặt trụ sở tại London (Anh), đánh giá: "Chắc chắn rằng PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) không còn đứng sau phương Tây trong một số lĩnh vực công nghệ quốc phòng.

Điều đó có nghĩa là ưu thế trên không của phương Tây đang ngày càng bị Trung Quốc đe dọa. Trung Quốc có lẽ chưa có khả năng sản xuất được động cơ máy bay chiến đấu uy lực cao song trong tương lai thì họ có thể".

Ngoài ra, Trung Quốc còn chi tiêu mạnh tay để phục vụ tham vọng trở thành cường quốc hải quân trên thế giới.

Từ năm 2000, Trung Quốc sản xuất thành công nhiều tàu chiến hơn Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cộng lại và trong 4 năm qua PLA đã cho hạ thủy nhiều tàu chiến mới còn to lớn hơn cả các tàu của Hải quân Pháp.

Veerle Nouwens, chuyên gia phân tích nghiên cứu Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), bình luận: "Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để trở thành cường quốc quân sự hàng đầu thế giới".

Trong các năm 2013 – 2017, Trung Quốc bán được vũ khí đến 48 quốc gia mà trong đó Pakistan là khách hàng lớn nhất. Chuyên gia phân tích Lucie Beraud-Sudreau ở IISS đánh giá: "Trung Quốc xuất khẩu vũ khí đến tận một số nước như Iran, Venezuela, Sudan và Zimbabwe. Tức là các nước mà phương Tây không thể cung cấp vũ khí".

Vũ khí Đức và châu Âu

Trước đây phương Tây có những hợp đồng bán vũ khí trị giá tỷ USD cho thế giới Arập để giúp họ củng cố chế độ. Từ đó nhiều lãnh đạo Arập sẵn sàng mua bất cứ thứ gì mà nền công nghiệp quốc phòng phương Tây đưa ra bán.

Xung đột bạo lực và những thương vụ mua bán vũ khí béo bở - Ảnh 2.

Thiết bị phóng tên lửa chống tăng MILAN của Anh.

Đây chắc chắn là trường hợp của công nghiệp quốc phòng Đức. Theo SIPRI, mặc dù còn tụt hậu khá xa đằng sau Mỹ và Nga, nhưng Đức đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ 3 trên thế giới trong những năm gần đây.

Số liệu thống kê của SIPRI cho thấy, trong hơn thập niên qua, phần đóng góp của công nghiệp quốc phòng Đức trên thị trường vũ khí toàn cầu đã tăng gấp đôi đến 11%.

Năm 2008, tổng giá trị doanh thu từ giao dịch bán vũ khí của Đức lên đến gần 6 tỷ euro. Nước Đức chủ yếu cung cấp những sản phẩm quốc phòng kỹ thuật cao – như là tàu ngầm và thiết bị điện tử quân sự. Các tập đoàn quốc phòng Đức – như là EADS, Rheimetall và Heckler & Koch – cùng nhau thuê dụng khoảng 80.000 người.

Vũ khí của Đức tốt đến mức ngay cả Nga cũng trở thành khách hàng thường xuyên của nước này. Mặc dù vũ khí của Nga đặc biệt thích hợp cho chiến tranh du kích ở châu Phi, nhưng bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov thừa nhận rằng những sản phẩm này đã không còn phù hợp với "những nhu cầu hiện đại".

Do đó, Nga có kế hoạch đặt mua vũ khí quân dụng hạng nặng trị giá gần 500 tỷ euro vào năm 2020, trong đó bao gồm nhiều sản phẩm của phương Tây.

Quân đội Nga thay thế loại xe tăng T-90 của mình bằng Leopard 2 của Đức, và tập đoàn Đức Rheinmetall sẽ cung cấp vỏ thép cho những chiếc xe quân sự khác của Nga.

Thậm chí, những doanh trại di động của Nga chẳng bao lâu nữa cũng sẽ là "Made in Germany" ("chế tạo ở Đức"). Karcher Futuretech, công ty đóng ở Winnenden gần thành phố Stuttgart miền tây nam nước Đức, chế tạo những dụng cụ nhà bếp và hệ thống lọc nước tốt nhất thế giới.

Xung đột bạo lực và những thương vụ mua bán vũ khí béo bở - Ảnh 3.

Trụ sở Tập đoàn Đức Rheinmetall.

Năm 2009, Đức cung cấp trang thiết bị quân sự trị giá gần 80 triệu euro cho Ai Cập; phần lớn trong số đó là những thiết bị cho xe tăng và thiết bị điện tử quân sự, nhưng cũng có cả súng tiểu liên.

Người ta chưa rõ số vũ khí và thiết bị quân sự do Đức cung cấp hiện nay được sử dụng để đứng về phe người dân hay chống lại họ. Khi tình hình ở Ai Cập bắt đầu trở nên bất ổn, Đức đã nhanh chóng huỷ bỏ những giấy phép xuất khẩu vũ khí đến nước này.

Ở Đức, mỗi giao dịch xuất khẩu vũ khí phải được phê chuẩn chính thức. Hội đồng An ninh liên bang Đức (FSC), bao gồm các bộ trưởng và thủ tướng, sẽ có những quyết định tế nhị đối với loại giao dịch bán vũ khí đằng sau những cánh cửa đóng kín.

Thật ra, không chỉ có Đức mà các quốc gia phương Tây khác từ lâu đã cố gắng tạo dựng những mối quan hệ buôn bán như thế với nhiều quốc gia trong thế giới Arập.

Ví dụ, hoàng tử Andrew của Anh đã có cuộc viếng thăm tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh ở Sana vào cuối năm 2009. Trong bữa ăn thân mật trong cung điện Andrew, một đại diện thương mại của chính quyền Anh ca ngợi "sự thống nhất, ổn định và phát triển" của Yemen.

Kết quả là chẳng bao lâu sau chuyến đi của hoàng tử Andrew, chính quyền Anh cho phép bán những lô hàng đạn dược và áo chống đạn trị giá đến 183.000 euro cho Yemen. Dĩ nhiên lực lượng an ninh của Yemen đã sử dụng đạn của Anh để bắn vào đám người biểu tình!

Hiệp ước Buôn bán Vũ khí (ATT) và cảnh báo về nhân quyền

Kể từ khi cuộc nội chiến ở Yemen bắt đầu nổ ra vào năm 2015, Ả Rập Xê Út cùng với 8 quốc gia Arập khác tiến hành chiến dịch không kích ủng hộ lực lượng trung thành với tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi của Yemen chống lại phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn về quân sự.

LHQ báo cáo hồi cuối tháng 11-2017 có ít nhất 5.295 dân thường bị giết chết và 8.873 người bị thương mặc dù con số thực tế cao hơn nhiều.

Xung đột đẫm máu ở Yemen đặt ra vấn đề đạo đức trong những thương vụ vũ khí quốc tế ở nhiều nước phương Tây. Pieter Wezeman nhận định:

"Ả Rập Xê Út, Ai Cập và UAE chính là các nước nhập khẩu vũ khí phương Tây và sự khác biệt là họ sử dụng số vũ khí này tại Yemen".

Không chỉ có những cuộc không kích dồn dập của liên quân do Ả Rập Xê Út dẫn đầu gây thương vong lớn cho dân thường mà phiến quân Houthi cũng chịu trách nhiệm khi nã đạn pháo vào các thành phố như Taiz và Aden cũng như vào khu vực miền nam Ả Rập Xê Út.

Oliver FeeleySprague, chuyên gia về xuất khẩu vũ khí Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đặt trụ sở tại London (Anh), chỉ trích: "Rõ ràng là những thương vụ mua bán vũ khí góp phần cho hàng loạt vi phạm nhân quyền từ các bên".

Sự leo thang chiến tranh ở Yemen buộc một số quốc gia như Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển và Đức phải hành động với những quy định hạn chế bán vũ khí cho những khu vực xung đột mà đặc biệt là châu Phi.

Mặc dù vậy, vũ khí nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào châu Phi để duy trì những cuộc xung đột nhất là nội chiến ở Nam Sudan. Oliver Feeley-Sprague phân tích: "Thực tế không thể chối cãi là xung đột ở Nam Sudan không hề giảm bớt do những loại vũ khí nhỏ và hạng nhẹ được đặt mua ồ ạt. Trong khi đó các loại vũ khí này không được đưa vào số liệu thống kê".

Năm 2014, ATT bắt đầu có hiệu lực nhằm quản lý hoạt động buôn vũ khí quy ước trên thế giới. ATT đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có trách nhiệm giám sát hoạt động xuất khẩu vũ khí đồng thời cam kết vũ khí xuất khẩu không được sử dụng để vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, nhiều người phê bình tác động của ATT vẫn còn hạn chế.

Oliver Feeley-Sprague tuyên bố: "Chúng tôi vẫn cảm thấy bất mãn khi nhiều nước vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của ATT. Chúng tôi nhìn thấy Anh, Mỹ và Pháp cũng như số quốc gia khác vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út và các đồng minh nước này trong chiến dịch quân sự ở Yemen".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại