Newsweek đăng tải, các quốc gia trên thế giới đang theo dõi cuộc bầu cử Mỹ một cách chặt chẽ, thậm chí còn không kém hơn so với chính người dân Mỹ. Mặc dù không thể bỏ phiếu nhưng ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi ích của nhiều nước.
Trong một năm 2020 có quá nhiều sự kiện bất thường với những tác động to lớn như đại dịch COVID-19 mang tính lịch sử, các cuộc chiến tranh nước ngoài và những vụ bạo động, bắt bớ xuất phát từ nguyên nhân kinh tế - xã hội…, cuộc đụng độ nổ ra từ cuối tháng Chín giữa hai đối thủ vùng Nam Caucasus là Armenia và Azerbaijan – dường như nằm ngoài phạm vi lợi ích của Mỹ.
Tuy nhiên, là thành viên của Nhóm Minsk cùng với Nga và Pháp, Washington vẫn có trách nhiệm phải đứng ra hòa giải xung đột. Minsk ra đời khi một cuộc chiến tranh đẫm máu khác giữa Armenia và Azerbaijan bùng nổ vào đầu những năm 1990. Trong lần đụng độ mới nhất của hai đối thủ truyền thống, cộng đồng quốc tế cũng không ngừng nỗ lực để dàn xếp được một lệnh ngừng bắn.
Cuộc xung đột liên quan tới Nagorno-Karabah, một khu vực phần lớn do người Armenia kiểm soát nhưng lại được quốc tế công nhận là nằm trong lãnh thổ Azerbaijan. Baku muốn lấy lại vùng đất còn Yeveran tin rằng, quyền quyết định nằm trong tay những người dân đang sinh sống ở đó.
Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabah đã khiến nhiều binh lính và dân thường thiệt mạng (ảnh: Getty)
Là một trong số rất ít các đồng minh có ràng buộc với Nga thông qua hiệp ước, Armenia luôn nhận được sự ủng hộ từ Moscow. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại có sự can thiệp mạnh mẽ và đứng về phía Azerbaijan. Thế cục tạo nên những nguy cơ chồng chéo do cả Moscow và Ankara đều đang hiện diện và có tiếng nói quan trọng trong các xung đột tại Syria và Libya.
Cho tới thời điểm hiện tại, Washington chưa tỏ rõ lập trường nghiêng về phía nào.
Bề ngoài, chính quyền Trump đưa ra nhiều tuyên bố có lợi cho Armenia. Trong một cuộc mít tinh, Tổng thống Trump nhận xét các tay súng Armenia "chiến đấu như đến từ địa ngục" sau khi ông nhận thấy sự ủng hộ của những người ủng hộ gốc Armenia. Còn Ngoại trưởng Mike Pompeo trực tiếp chỉ trích sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột, thậm chí còn bày tỏ "người Armenia có khả năng chiến đấu với những gì mà người Azerbaijan đang làm".
Trong thời gian gần đây, Mỹ cũng lên tiếng phê phán các động thái của Ankara tại Libya. Năm ngoái, quan hệ giữa Washington và Ankara từng gia tăng căng thẳng liên quan tới tình hình Syria. Không chỉ đe dọa trừng phạt, thậm chí công khai thể hiện thái độ phản đối Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức Mỹ còn dọa công nhận vụ Đế chế Ottoman sát hại người Armenia trong và sau Thế chiến thứ Nhất là tội ác diệt chủng.
Nhà Trắng cũng thay đổi lập trường và thu hẹp sự hiện diện của Mỹ khi những lực lượng nổi dậy tại Syria được Ankara hậu thuẫn đụng độ với các tay súng người Kurds được Lầu Năm góc "chống lưng".
Về phần mình, ông Joe Biden từng gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách tiếp cận bị cho là "xoa dịu" của Tổng thống Trump đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ứng viên Đảng Dân chủ cũng cam kết sẽ công nhận vụ diệt chủng người Armenia – một động thái chắc chắn sẽ ngay lập tức đe dọa mối quan hệ của Washington với Ankara.
Cả hai ứng viên đều có lợi ích trong việc thu hút sự ủng hộ của những người Mỹ gốc Armenia có ảnh hưởng tại Mỹ (trong đó bao gồm cả "nữ hoàng thị phi" Kim Karrdashian West, nhạc sỹ kiêm ca sỹ từng đoạt giải thưởng Serj Tanian cùng nhiều ngôi sao và nhà hoạt động nổi tiếng khác).
Đại sứ Azerbaijan tại Mỹ Elin Suleymanov chia sẻ với Newsweek, ông không thật sự tán thành ứng viên tổng thống nào. Liên quan tới vai trò của các Tổng thống Mỹ trong việc triển khai một thỏa thuận hòa bình, "tình huống khó khăn nhất cho họ tất nhiên là có thể thúc đẩy thỏa thuận này một cách công bằng trong bối cảnh áp lực gia tăng từ Quốc hội và những chiến dịch vận động hành lang từ cộng đồng người Mỹ gốc Armenia", ông Suleymanov nói.
Một yếu tố trong các hoạt động vận động này là "quốc gia tự xưng" Cộng hòa Artsakh. Mặc dù hiện diện phi chính thức tại Washington, đại diện của chính quyền do Armenia lãnh đạo tại Nagorno-Karabakh kêu gọi Mỹ tham gia nhiều hơn vào tình hình khu vực tranh chấp.
"Tại Artsakh, chúng tôi hy vọng sau khi hoàn tất bầu cử, chính quyền Mỹ sẽ để ý nhiều hơn tới tình huống tại Nam Caucasus", đại diện của Artsakh tại Mỹ Robert Avetsiyan nói.
Chiến dịch vận động của Israel tại Mỹ cũng đứng về phía Azerbaijan. Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel đã cung cấp các máy bay không người lái hiện đại giúp Azerbaijan chiếm ưu thế trên chiến trường trong cuộc chiến đang diễn ra với Armenia.
Nếu nhìn vào thái độ "ngầm" mặc nhận của Tổng thống Trump là đồng ý để Ankara đảm nhận một vai trò lớn trong hơn khu vực cũng như lập trường ủng hộ của ông dành cho Israel, chiến thắng của ông gần như chắc chắn sẽ có lợi cho Azerbajian - nếu Mỹ chấp nhận để các nước lớn trong khu vực giải quyết xung đột ở Nam Caucasus. Mặt khác, thắng lợi của ông Biden có thể đồng nghĩa với những nỗ lực nhằm chấm dứt ưu thế của Azerbaijan trên chiến trường, đồng thời sự xoay trục trong lập trường của Washington là nghiêng về phía để người Armenia nắm quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh.