Nga nhận "quả đắng" khi trung gian hòa giải Armenia-Azerbaijan: Vì sao Moscow nói không ai nghe?

Thu Ngọc |

Nga đã đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh, nhưng đến nay vai trò của Moscow không mang lại kết quả.

Các cuộc đụng độ giữa binh lính Azerbaijan và Armenia đã bước sang tuần thứ năm khi cả hai nước chiến đấu để kiểm soát Nagorno-Karabakh, một khu vực ly khai ở Nam Caucasus. Khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng có tỷ lệ lớn dân số là người Armenia và đòi hỏi sáp nhập vào quốc gia này.

Cuộc chiến tranh trong khu vực đã được coi là một "cuộc xung đột đóng băng" trong nhiều thập kỷ, dẫn đến sự nản lòng của cộng đồng quốc tế khi tranh chấp âm ỉ kéo dài đã bùng phát dữ dội vào cuối tháng 9.

Trong khi cả hai bên vẫn tranh cãi về những báo cáo con số tử vong, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm tuần trước, 22/10, cho biết khoảng 5.000 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh bùng nổ trở lại. Nga, nước có lợi ích chiến lược lâu dài trong khu vực và có chung một phần biên giới phía nam với Azerbaijan, đã đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột.

Giới chức Điện Kremlin nhanh chóng mời các nhà ngoại giao của cả hai nước tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn, dẫn đến hai thỏa thuận được kí kết vào ngày 10 và 18/10 vừa qua. Tuy nhiên, hai thỏa thuận này đều bị phá vỡ chỉ vài giờ sau khi được ký kết.

Một loạt các cuộc đàm phán mới, lần này diễn ra ở thủ đô Washington vào cuối tuần trước, mang đến lệnh ngừng bắn thứ ba cũng đã bị phá vỡ vào ngày 26/10.

Nga nhận quả đắng khi trung gian hòa giải Armenia-Azerbaijan: Vì sao Moscow nói không ai nghe? - Ảnh 1.

Khói bốc lên sau một vụ pháo kích ở thành phố Stepanakert vùng Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP)

Rào cản đối với Nga

Việc Nga thất bại trong việc thuyết phục các bên ngừng chiến được coi là một điều bất thường trong lịch sử chính sách đối ngoại của nước này. Trong các cuộc xung đột đóng băng lãnh thổ khác tại Liên Xô cũ (bao gồm Transnistria ở Moldova, Donbass ở Ukraine và cả Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia), Nga được coi là có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, các lựa chọn của Moscow tại cuộc xung đột Nagorno-Karabakh bị hạn chế hơn do yếu tố lịch sử phức tạp trong khu vực và mối quan hệ của các bên tham chiến với một cường quốc khác trong khu vực: Thổ Nhĩ Kỳ.

Mikayel Zolyan, thành viên Quốc hội Armenia, cho biết: " Để hiểu được cuộc xung đột hiện nay thì chúng ta phải đánh giá đúng vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ."

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được nhận định có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, với lịch sử hợp tác quân sự lâu dài với Azerbaijan và sự ủng hộ công khai đối với các yêu sách lãnh thổ của quốc gia nhỏ hơn. Đây là một vấn đề đáng báo động đối với Armenia, quốc gia bị mắc kẹt giữa hai nước là đồng minh của nhau.

"Một bên là chín triệu người Azerbaijan," ông Zolyan nói. "Và mặt khác có 80 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa hai cộng đồng này là ba triệu người Armenia. Tổng thống Erdogan đang cố gắng phá bỏ sự đồng thuận giúp định hình biên giới Thổ Nhĩ Kỳ".

Quan hệ ngoại giao của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không tồn tại, với những tranh chấp biên giới kéo dài giữa hai nước cùng bất đồng lịch sử về Thế chiến 1. Hầu hết xung đột của khu vực này đều bắt nguồn từ thời Liên bang Xô Viết.

Mikhail Minakov, cố vấn cấp cao tại Viện Kennan của Mỹ ở Kiev, Ukraine, cho biết: "Bản đồ của vùng Caucasus cả phía bắc và nam, đều do lãnh tụ Xô Viết Joseph Stalin lập ra." 

Liên Xô đã sáp nhập cả Armenia và Azerbaijan vào năm 1920, trong khi hai quốc gia vẫn còn chiến tranh về khu vực Karabakh (được người Armenia gọi là Artsakh). Kremlin phân chia lãnh thổ cho Azerbaijan SSR (một tiểu vùng của Liên Xô), nhưng vẫn lập nên Khu tự trị Nagorno-Karabakh (NKAO) bên trong lãnh thổ nước này cho cộng đồng gốc Armenia chiếm đa số.

Ông Minakov nói rằng sự phân chia này đã hóa giải cuộc giao tranh, nhưng căng thẳng leo thang trở lại sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Các cuộc đụng độ gia tăng khi người dân tộc thiểu số Armenia ở Karabakh đòi độc lập hoặc nhà nước liên minh với Armenia. Những cuộc giao tranh lên đến đỉnh điểm trong giai đoạn 1992-1994.

Các mối quan hệ thù địch đã hạ nhiệt với một lệnh ngừng bắn do Moscow làm trung gian, các bên không đạt hiệp ước hòa bình chính thức dù cuộc xung đột được đóng băng một cách hiệu quả. Vào thời điểm đó, đã có tới 30.000 người chết và hơn 1 triệu dân thường ở cả 2 nước phải sơ tán. Nga tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán bằng cách tham gia với tư cách là đồng chủ tịch - cùng với Pháp và Mỹ - trong nhóm OSCE Minsk, thể chế đã đưa ra các đề xuất hòa bình được gọi là Nguyên tắc Madrid.

Những nguyên tắc này quy định việc trao trả lại các lãnh thổ xung quanh Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan trong khi cung cấp cho Artsakh một quy chế tạm thời đặc biệt. Các bên sẽ mở một tuyến đường đến Armenia. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của các bên và không đi đến 1 thỏa thuận cụ thể.

Nga nhận quả đắng khi trung gian hòa giải Armenia-Azerbaijan: Vì sao Moscow nói không ai nghe? - Ảnh 3.

Các binh sĩ Azerbaijan nổ pháo nhằm vào lực lượng ly khai Nagorno-Karabakh (Ảnh: Azerbaijan Defence Ministry)

Cả Azerbaijan và Armenia không còn tin vào Nga

Trong khi một số dấu hiệu của sự tái thiết giữa Arzerbaijan-Armenia xuất hiện vào năm 2018, quan hệ giữa hai nước lại bất ngờ xấu đi và căng thẳng hiện đang ở mức cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 1990. 

Nga luôn tự hào coi mình là một đối tác tích cực trong tiến trình hòa bình bị đình trệ, bất chấp sự phản đối của Azerbaijan về khả năng hòa giải của Moscow.

"Moscow rõ ràng đang thiên vị một bên trong cuộc xung đột. Moscow duy trì một căn cứ quân sự gần thành phố Gyumri của Armenia và cả hai nước đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự giống NATO coi một cuộc tấn công vào một trong các thành viên của tổ chức đồng nghĩa một cuộc tấn công vào tất cả các nước," Turan Gafarli, nhà nghiên cứu người Azerbaijan tại Trung tâm Nghiên cứu Thế giới TRT có trụ sở tại Istanbul, nói.

"Azerbaijan không muốn chơi theo luật của Nga nữa vì nước này không tin sự chân thành của Moscow."

Cho đến nay, Tổng thống Putin duy trì lập trường cam đoan rằng các đảm bảo an ninh của nước này đối với Armenia không mở rộng đến khu vực Nagorno-Karabakh. 

Ông Minakov nói rằng "Mối quan hệ song phương giữa Armenia với Nga đã xấu đi" sau cuộc "Cách mạng nhung" diễn ra năm 2018, khi nước này chứng kiến ​​một liên minh thân châu Âu lên nắm quyền dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nikol Pashinyan. Điều này đã đẩy quốc gia nhỏ hơn ra khỏi Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) do Moscow điều phối.

Ông Minakov nói thêm "Thủ tướng Pashinyan đã đưa ra một số quyết định nghiêm trọng chống lại CSTO", khiến ông bị một số phương tiện truyền thông Nga ví von là "bản sao" của Petro Poroshenko, cựu Tổng thống Ukraine nổi tiếng vì lập trường đối địch với Moscow.

Trong khi mối quan hệ song phương Nga - Armenia căng thẳng, Azerbaijan vẫn tiếp tục củng cố vị thế của mình thông qua việc thúc đẩy quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Hai quốc gia có chung di sản văn hóa và ngôn ngữ, và Tổng thống Erdogan đã hứa rằng ông "luôn sát cánh và sẽ tiếp tục làm như vậy với Azerbaijan bằng tất cả khả năng và trái tim của chúng tôi".

Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Azerbaijan đã vấp phải sự chỉ trích từ cả Armenia, đặc biệt liên quan đến tuyên bố rằng Erdogan đã điều động các chiến binh và lính đánh thuê nước ngoài từ Syria và Libya tới Azerbaijan.

Nga nhận quả đắng khi trung gian hòa giải Armenia-Azerbaijan: Vì sao Moscow nói không ai nghe? - Ảnh 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: AP)

Vai trò của quan hệ Nga-Thổ

Khả năng thành công của nước Nga trong vai trò trung gian kiến tạo hòa bình trong khu vực có thể còn phụ thuộc vào việc tận dụng mối quan hệ của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng quan hệ giữa hai nước từ trước tới này luôn không ổn định. Trên thực tế, Ankara đang trong quá trình xoay trục chính sách đối ngoại đối với Moscow cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2015, liên quan đến vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị bắn rơi gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Các phe đối lập trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh tiếp tục gây căng thẳng - khiến bất kỳ bước đi sai lầm nào trong cuộc can dự của Nga ở nam Caucasus đều có nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng đến lợi ích của Moscow ở Trung Đông và Bắc Phi.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đã tuyên bố ủng hộ các lệnh ngừng bắn do Moscow làm trung gian, trong đó mới nhất liên quan đến sự hiện diện của Hội Chữ thập đỏ. Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó Nga là thành viên thường trực, kêu gọi các bên tôn trọng các thỏa thuận. Nhưng lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian đã thất bại trong tuần này có thể báo hiệu một sự dịch chuyển ra khỏi Moscow.

Tuy vậy, Điện Kremlin cam kết tiếp tục là một bên quan trọng trong tiến trình hòa bình. Các nguồn lực và sự chú ý của Moscow đang bị phân tán do khủng hoảng đang diễn ra ở Belarus và Kyrgyzstan, các lệnh trừng phạt gần đây liên quan đến vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny và những tác động to lớn từ làn sóng COVID-19 thứ hai.

Bất kể điều gì xảy ra, hòa bình vẫn là chương trình nghị sự chính thức theo lời của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

"Chúng tôi luôn bảo vệ quan điểm của mình," ông Lavrov nói trong cuộc họp báo tháng này. "Một phương án hòa bình không chỉ là khả thi, mà còn là lựa chọn duy nhất."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại