Trên đây là bình luận của hãng tin AP hôm 29-10.
Hồi tháng 9, hãng tin Fars dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Qalibaf cho biết: "Mỹ có thù hằn sâu sắc với Iran. Cho dù ông Donald Trump hay ông Joe Biden đắc cử, điều đó sẽ không có bất kỳ tác động nào đến chính sách chính của Mỹ nhằm tấn công Iran".
Ở cấp cao hơn, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, 81 tuổi, không bình luận về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3-11 tới ngay cả khi sự quan tâm của công chúng tăng vọt và đài phát thanh nhà nước Iran phát trực tiếp các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ.
Trong khi các quan chức hàng đầu Iran tỏ vẻ "phớt lờ" cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Washington cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này đã "gửi email cho các cử tri, đe dọa họ bỏ phiếu cho ông Trump".
Thêm vào đó, người dân Iran đang chú ý tới cuộc bầu cử quan trọng này. Trung tâm thăm dò dư luận ISPA của nhà nước Iran hồi tháng 10 cho biết 55% người dân Iran tin rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến Tehran. Hơn một nửa kỳ vọng ông Trump sẽ thắng, trong khi 1/5 đặt niềm tin vào ông Biden. ISPA nói họ đã khảo sát hơn 1.600 người qua điện thoại.
Nếu ông Trump tái đắc cử, đồng nghĩa với việc chiến dịch gây áp lực lên Iran sẽ kéo dài thêm 4 năm nữa, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với ông Khamenei và các quan chức cấp cao khác của Tehran. Một số lệnh trừng phạt chủ yếu mang tính biểu tượng, chẳng hạn ông Khamenei chỉ một lần đến Mỹ và không có bất kỳ tài khoản ngân hàng nào ở đây nên gần như không bị ảnh hưởng. Song những lệnh trừng phạt khác đã tàn phá nền kinh tế và khiến đồng nội tệ Iran rơi vào tình trạng tự do.
Tại cuộc vận động tranh cử ở Allentown, bang Pennsylvania hôm 26-10, ông Trump nói: "Cuộc gọi đầu tiên mà tôi nhận được khi chúng ta giành chiến thắng sẽ là từ người đứng đầu Iran: hãy thực hiện một thỏa thuận. Nền kinh tế của họ đang sụp đổ. Họ sẽ gọi và tôi muốn họ thực hiện tốt thỏa thuận. Tuy nhiên, họ không thể có vũ khí hạt nhân".
Trường hợp ông Biden chiến thắng, ông có khả năng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới – gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc, trong đó Tehran đồng ý hạn chế làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế.
Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, đồng thời khôi phục các biện pháp trừng phạt, Iran bắt đầu công khai từ bỏ các giới hạn của thỏa thuận về làm giàu uranium. Hiện Iran có ít nhất 2.105 kg uranium làm giàu thấp, theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hồi tháng 9. Các chuyên gia cho biết 1.050 kg uranium làm giàu thấp là đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân.