Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2020 (từ ngày 01/9 đến ngày 15/9) đạt 24,301 tỷ USD, giảm 8,9% so với kỳ 2 tháng 8/2020. Lũy kế đến hết ngày 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 361,51 tỷ USD.
Trong kỳ 1 tháng 9, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 973 triệu USD nâng mức thặng dư luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9 đạt 14,46 tỷ USD. Đây là mức thặng dư kỷ lục của Việt Nam.
Cán cân thương mại của Việt Nam theo từng tháng giai đoạn 2019-2020 (đơn vị: triệu USD)
Về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 9, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu 12,63 tỷ USD, giảm 15,8% so với kỳ trước. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu 7,83 tỷ USD.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 187,9 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 120,47 tỷ USD.
Tương tự các tháng trước đó, trong kỳ 1 tháng 9, Việt Nam tiếp tục có thế mạnh xuất khẩu ở một số mặt hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu 2,327 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,18 tỷ USD; Dệt may đạt 1,37 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,21 tỷ USD và giày dép các loại đạt 581 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9 đạt 11,664 tỷ USD, tăng 0,1% so với kỳ 2 tháng 8. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị nhập khẩu 6,64 tỷ USD.
Lũy kế đến hết ngày 15/9, giá trị nhập khẩu của Việt Nam đạt 173,5 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị nhập khẩu 96,7 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 9/2020 Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất ở các mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt giá trị 3,1 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt giá trị 1,65 tỷ USD; Điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị nhập khẩu 898 triệu USD; Vải các loại đạt giá trị 453 triệu USD; và chất dẻo các loại đạt giá trị 341 triệu USD.